Chợ hát Kỳ Lừa "hiếm có khó tìm"

GD&TĐ - Dọc dài đất nước, không nơi đâu mà không có những phiên chợ - nhưng độc đáo, giàu bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống như phiên chợ hát Kỳ Lừa xứ Lạng thì “hiếm có khó tìm”.

Hát sli giữa phố chợ Kỳ Lừa
Hát sli giữa phố chợ Kỳ Lừa

Độc đáo phiên chợ tình

Không chỉ diễn ra hoạt động mua bán hàng hóa, những phiên chợ này còn là nơi giao lưu sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng người Tày, Nùng, Dao, Hoa, Việt và từ ngàn xưa đã nổi tiếng sầm uất: “Đưa thư rộn rịp đoàn xe ngựa/ Nhà cửa bày giăng hàng lụa tơ” (Ninh Tốn).

Cũng từ xa xưa, chợ Kỳ Lừa đã là nơi hò hẹn, gặp gỡ của trai gái các bản gần xa tụ về hát sli, lượn giao duyên. Sli theo tiếng Nùng có nghĩa là thơ, hát sli là hình thức hát thơ, một loại hình dân ca trữ tình.

Điều tạo nên bản sắc văn hóa của phiên chợ Kỳ Lừa chính là ở những cuộc hát giao duyên ấy. Sau những phiên hát sẽ có những cặp xao xuyến chia tay, nhưng cũng không ít cặp nên vợ nên chồng.

Theo truyền thống, phiên chợ hát Kỳ Lừa đông vui nhất vào các ngày 2 và 7 âm lịch hàng tháng. Vào hai ngày này, trai gái dân tộc Nùng dù có bận trăm công nghìn việc thì cũng bỏ đấy mà đi chợ hát.

Thời trước, vì giao thông còn nhiều khó khăn nên trai gái Nùng ở những bản làng xa xôi hẻo lánh thường đi chợ từ chiều áp phiên. Vào hai ngày ấy, khi màn đêm buông xuống, phố chợ Kỳ Lừa tưng bừng như một đêm hội hát sli, lượn, hàng quán mở thâu đêm với những món đặc sản của xứ Lạng như: khâu nhục, vịt quay, lợn quay (nhồi lá mắc mật trong bụng), phở vịt quay, phở chua, phở xá xíu… cùng rượu Mẫu Sơn nổi tiếng.

Sau thưởng thức các món ẩm thực, khắp phố chợ Kỳ Lừa trai gái Nùng đi thành từng tốp khoảng 6 - 10 người, đủ đôi không lẻ, gái trước, trai sau dọc theo các tuyến phố và cất tiếng hát thâu đêm.

Điểm hẹn lứa đôi      

Có thể nói với trai gái người Nùng xứ Lạng, phiên chợ hát Lỳ Lừa là một điểm hẹn đầy ma lực, đầy hấp dẫn và quyến rũ: Em có nhớ chợ đến phiên Kỳ Lừa/ Mà sao hôm nay vẫn còn trên nương lúa/ Anh chiến sĩ gìn giữ cho bản làng bình yên/ Việc đảm đang em bón chăm ruộng thâm canh. Hầu hết những cuộc hôn nhân trai gái người Nùng được khởi đầu từ những phiên chợ hát.

Tôi còn nhớ những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, nhưng bom đạn không ngăn cản được những chàng trai cô gái Nùng đến với phiên chợ hát, không át được tiếng sli trữ tình cất lên xao xuyến lòng người trong phiên chợ được nhóm họp vào ban đêm. Thế mới biết, phiên chợ hát có sức lôi cuốn hấp dẫn, quyến rũ những lứa đôi đến nhường nào. 

Hàng trăm người tham gia hát sli ở công viên Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn

Hàng trăm người tham gia hát sli ở công viên Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn

Bản sắc văn hóa truyền thống của phiên chợ hát Kỳ Lừa còn lưu giữ được như ngày hôm nay chính nhờ vào sự đam mê ca hát sli, lượn của các thế hệ trai gái dân tộc Nùng xứ Lạng.

Tuy nhiên để phiên chợ hát được gìn giữ và duy trì thì cần phải có sự hỗ trợ, bảo tồn, phát huy của các ngành chức năng và cả cộng đồng xã hội. Có như thế, phiên chợ hát Kỳ Lừa sẽ mãi mãi là nơi hò hẹn, tìm bạn tâm tình của những lứa đôi và là nơi minh chứng cho bản sắc văn hóa xứ Lạng.

Phiên chợ hát sẽ mãi còn làm xao xuyến lòng người như người xưa từng mời gọi khách viễn du: Ai lên xứ Lạng cùng anh/ Bõ công bác mẹ sinh thành ra em/ Tay cầm bầu rượu nắm nem/ Mải vui quên hết lời em dặn dò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.