Vết mổ mới lành sau khi mổ viêm bao gân gập
Cách đây 1 năm, bà Lê Giang (44 tuổi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) bỗng nhiên thấy đau ở ngón tay trỏ (phải), nhất là sau mỗi sáng thức dậy thì ngón tay đơ cứng ra, khi gập lại bị dính.
Dù không gây đau đớn nhiều nhưng bà Giang cảm thấy khó chịu vì cầm nắm vật dụng khó khăn. Bà lên TP.HCM khám Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình được bác sĩ chẩn đoán bị “viêm bao gân gập ngón tay” và cho toa thuốc kháng viêm uống trong 1 tuần. Uống không thấy hết bà quay trở lại, bác sĩ trực tiếp chích Corticoid (còn gọi là cortisone) vào gân qua lòng bàn tay. Sau đó vài ngày về nhà, bà cảm thấy triệu chứng giảm hẳn, ngón tay co gập được không còn bị “khóa” nữa.
Tuy nhiên vào tháng 5/2016, bà đau trở lại nên tái khám. Lần này, bác sĩ tư vấn không nên chích Corticoid nữa vì đó là nhóm thuốc kháng viêm mạnh, tuy làm giảm đau khớp nhanh chóng nhưng lại có nguy cơ gây ra yếu gân do tiêm trúng gân hoặc vùng kề cận gân.
Từ đó, bác sĩ khuyên bà Giang điều trị theo hai hướng, một là phẫu thuật cắt bao gân; hai là điều trị bảo tồn bằng vật lý trị liệu (nhúng sáp bàn tay và siêu âm bằng sóng từ - PV). Bà Giang quyết định hướng điều trị thứ hai và đến Bệnh viện Y học Dân tộc TP.HCM 5 ngày với chi phí mỗi lần cho nhúng sáp và siêu âm là 89 ngàn đồng, vị chi là 445 ngàn đồng.
Chúng tôi tình cờ gặp bà Giang tại Bệnh viện Y học dân tộc trong quá trình điều trị ngoại trú vì cùng bị “viêm bao gân gập”. Tôi bị cách đây gần 2 năm và đã chích thuốc Corticoid. Một bác sĩ tại đây chân tình bảo: “Nếu anh điều trị vật lý trị liệu không có kết quả thì nên đi phẫu thuật”.
Ảnh minh họa
Tôi lên mạng “Google” tra phẫu thuật “ngón tay cò súng” thì gần như không có kết quả. Cuối tháng 5, tôi đến phòng khám chuyên khoa chấn thương chỉnh hình ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Bác sĩ ở đây cho biết việc mổ khá đơn giản, chỉ cần rạch dài 5 cm dọc theo đường vân tay nằm bên dưới ngón tay trỏ và chỉ trong thời gian khoảng 15 phút là kết thúc với chi phí 3 triệu đồng/ngón. “Tuy nhiên, sau khi mổ phải tuyệt đối không để nước thấm vào vết thương 3 - 5 ngày để tránh nhiễm trùng, nếu không sẽ rất phức tạp vì nó liên quan đến gân”, bác sĩ căn dặn.
“Thưa bác sĩ, giả sử không mổ mà mình sống chung với nó được không?", tôi hỏi. “Nên nhớ nguyên nhân gây viêm bao gân gập là do tay cầm vật cứng lặp đi lặp lại trong thời gian dài, nhất là ở những người thường xuyên đi xe tay ga (dùng tay bóp thắng), chơi Smartphone, thợ may... hoặc một số bệnh lý như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp cũng sẽ làm tăng nguy cơ gây bệnh. Thế nên, nếu để tình trạng viêm bao gân kéo dài, chắc chắn sẽ không tốt cho khả năng cầm của bàn tay nên tốt nhất là phẫu thuật mà tỷ lệ thành công gần như 100%", bác sĩ trả lời.