Rút ngắn tối đa thời gian kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV nhưng phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Sáng 13/10, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đề xuất một số đổi mới cải tiến áp dụng tại Kỳ họp thứ 2.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 13/10.
Toàn cảnh Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 13/10.

Tham dự Phiên họp có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan hữu quan.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17 ngày, chia thành 2 đợt, theo phương án tổ chức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp này sẽ thảo luận Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (trong đó có nội dung về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15) cùng với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Nội dung kỳ họp cũng bổ sung dự thảo Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến trình Quốc hội xem xét, thông qua; rút Báo cáo về thực hiện Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên Liên minh châu Âu theo đề nghị của Chính phủ (vì tính đến hết tháng 9/2021, hiệp định này chưa có hiệu lực do chỉ có 8 trong tổng số 27 các nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định). Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sau khi hiệp định có hiệu lực và được triển khai thực hiện. Ngoài ra, Quốc hội sẽ mặc niệm cán bộ y tế, chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử vong do đại dịch COVID-19 trong phiên khai mạc kỳ họp.

Tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đây là đề án lớn, nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia, có tầm nhìn dài hạn nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp sau.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Về thời gian tiến hành kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội cho giảm thời gian trình bày tờ trình, báo cáo từ 15 phút xuống còn 10 phút (dự kiến giảm khoảng 0,5 ngày so với phương án trình bày 15 phút/tờ trình, báo cáo). Đồng thời, đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về rút ngắn thời gian thảo luận ở Tổ, giảm thời gian thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Thanh Hóa; điều chỉnh thời điểm xem xét một số nội dung.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17 ngày: Đợt 1 là 11 ngày, từ ngày 20/10 đến 01/11; đợt 2 là 6 ngày, từ ngày 08/11 đến ngày 13/11/2021.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã dự kiến chương trình kỳ họp để dự phòng cho trường hợp dịch bệnh trong cả nước vẫn diễn biến phức tạp, Quốc hội phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch

Về biểu quyết thông qua các nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo phương án họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung, việc biểu quyết thông qua các dự thảo luật, nghị quyết (tại đợt 2) vẫn áp dụng hình thức biểu quyết điện tử như thông lệ, riêng việc thông qua chương trình kỳ họp (tại phiên trù bị) đề nghị áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad.

Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan hoàn thiện phần mềm biểu quyết cài đặt trên iPad; tổ chức thử nghiệm, kiểm tra phần mềm 03 lần trước khi khai mạc kỳ họp. Đến nay, đã tiến hành thử nghiệm được 01 lần vào ngày 8-10-2021 và về cơ bản, phần mềm biểu quyết này vận hành tốt, đáp ứng yêu để áp dụng tại kỳ họp này. Trong trường hợp họp trực tuyến cả kỳ, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad đối với các dự thảo luật, nghị quyết; đồng thời, đề nghị dự phòng phương án biểu quyết bằng giơ tay và bỏ phiếu kín.

Về các điều kiện đảm bảo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến nay, công tác thông tin tuyên truyền, các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh... đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng phục vụ kỳ họp. Trong đó, việc kiểm tra, rà soát, vận hành thử hệ thống cầu truyền hình, thử nghiệm các phần mềm đã được tiến hành để bảo đảm vận hành thông suốt; lên kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 cho đại biểu Quốc hội và đội ngũ phục vụ kỳ họp.

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với Tờ trình của Tổng Thư ký Quốc hội; thống nhất với phương án tổ chức kỳ họp trực tuyến kết hợp họp tập trung, đồng thời có phương án dự phòng trực tuyến cả kỳ, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp. Để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả kỳ họp trong bối cảnh dịch covid-19, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất nên bố trí đợt 2 liền mạch, Quốc hội có thể làm việc cả ngày chủ nhật, đồng thời cần điều chỉnh lại nội dung làm việc sao cho hợp lý, hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đóng góp ý kiến tại Phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đóng góp ý kiến tại Phiên họp

Đóng góp ý kiến tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, thời gian làm việc chỉ 17 ngày là bước cải tiến lớn, rút gọn rất nhiều thời gian so với thông lệ các kỳ họp cuối năm trước đây, bởi kỳ họp cuối năm phải xem xét nhiều nội dung mà vẫn đảm bảo hiệu quả, chất lượng của các nội dung được thảo luận và quyết định tại kỳ họp. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, nếu tổ chức chặt chẽ, bố trí chương trình hợp lý thì đây là kinh nghiệm có thể tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Đối với đề nghị giảm thời gian trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra từ 15 phút xuống còn 10 phút, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng và nhiều ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần xem xét giữ nguyên như cách làm hiện nay để không ảnh hưởng đến chất lượng và nội dung trình bày.

Đề cập đến Báo cáo về công tác phòng chống dịch Covid-19, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nội dung thảo luận Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, nểu gộp vào trong thảo luận về kinh tế - xã hội thì các đại biểu sẽ chủ yếu tập trung vào nội dung phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị nên bố trí thảo luận Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 riêng, không thảo luận cùng với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nên tách riêng 2 nội dung này, đồng thời đề xuất phương án nếu vẫn gộp 2 nội dung lại thì có thể trình bày các báo cáo thẩm tra trong 25 phút, còn nếu tách riêng thì trình bày Báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội trong 20 phút.

Tiếp tục đổi mới, rút ngắn tối đa thời gian kỳ họp Quốc hội nhưng phải đảm bảo chất lượng cao nhất

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nội dung thảo luận, cho ý kiến về chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nội dung thảo luận, cho ý kiến về chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là kỳ họp hết sức quan trọng vì bước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ và quyết định khung khổ kế hoạch năm 2022, tinh thần là tiếp tục đổi mới, rút ngắn tối đa thời gian kỳ họp nhưng phải đảm bảo chất lượng cao nhất để sản phẩm cuối cùng là các dự án luật, các dự thảo Nghị quyết, các quyết sách đúng đắn nhất. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan hữu quan phối hợp với nhau rất chặt chẽ, rất trách nhiệm, nhiều vòng, nhiều lớp để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2 tới, nhất là trong điều kiện dịch bệnh.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Dịch bệnh cơ bản kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nhưng còn diễn biến phức tạp. Tình hình kinh tế - xã hội đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, nỗ lực vượt bậc hơn nữa trong quý IV để có thể đạt được kết quả cao nhất. Do đó, tinh thần chung là Quốc hội đồng hành với cả nước trong việc này.”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Văn phòng Quốc hội xem xét, tính toán có thể họp cả Chủ nhật như kỳ họp trước để có thể bế mạc Kỳ họp thứ 2 sớm hơn khoảng 3 ngày, đồng thời có thể sẽ họp thêm chuyên đề vào cuối năm để xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Về Báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội nhất trí có thêm báo cáo về phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, đồng thời đề xuất Báo cáo này có thể tính cả 2 phương án: Một là gửi cho đại biểu tự nghiên cứu, không trình Quốc hội. Hai là cần phải có báo cáo thẩm tra riêng của Ủy ban Xã hội và Báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế.

Về một số các phương án cải tiến của Kỳ họp thứ 2, Chủ tịch Quốc hội thống nhất với đề xuất của Tổng Thư ký Quốc hội về chia tổ đại biểu Quốc hội, bố trí Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự họp tại Nhà Quốc hội; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp hỗ trợ đường truyền, hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến biểu quyết điện tử, biểu quyết trực tuyến. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội tiếp tục làm việc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nhằm đảm bảo công tác liên quan đến khách mời, vệ sinh môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm, trực cấp cứu, tiêm vaccine...

Theo quochoi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.