5 nhóm vấn đề lớn gửi tới kỳ họp thứ 11 của Quốc hội

Tại phiên họp thứ 54 diễn ra vào chiều 15/3, UBTVQH đã nghe dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi tới kỳ họp thứ 11 của Quốc hội.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày dự thảo báo cáo. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày dự thảo báo cáo. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Dự thảo báo cáo do Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày tại phiên họp cho biết, từ sau kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.278 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước thông qua các đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các thành viên của Mặt trận.

Cử tri và nhân dân phấn khởi trước sự thành công tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng, Đại hội là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, dân tộc, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng, xác định tầm nhìn phù hợp đối với công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước.

Về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri và nhân dân quan tâm nhiều đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đặc biệt là nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp; mong muốn những đại biểu được bầu là những người tiêu biểu, có đức, có tài, quyết liệt trong hành động, vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc và sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước; cử tri và nhân dân mong muốn các cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ cuộc bầu cử; tạo điều kiện để nhân dân được thực hiện đầy đủ quyền công dân, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng và thành công tốt đẹp.

Về sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân, cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu và giải ngân vốn đầu tư công, nhiều dự án trọng điểm quốc gia được khởi công xây dựng, góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Cử tri và nhân dân phấn khởi, hoan nghênh các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung các nguồn lực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong dịp Tết Tân Sửu năm 2021, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân đón Tết; đặc biệt là quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn.

Đề cập đến hoạt động của bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021, ông Hầu A Lềnh cho hay, cử tri, nhân dân đánh giá cao hoạt động của bộ máy Nhà nước trong nhiệm kỳ Quốc hội 2016-2021.

Quốc hội khóa XIV đã có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật, kịp thời thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Quốc hội khóa XIV còn thực hiện tốt công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động chất vấn và tranh luận tại phiên họp cũng như công tác dân nguyện của Quốc hội đã dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, được cử tri đánh giá cao.

Sự quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo, chủ động trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, góp phần quan trọng vào ổn định nền kinh tế, bảo đảm an sinh-xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, được cử tri và nhân dân hoan nghênh và ủng hộ cao.

Hoạt động của các cơ quan tư pháp có nhiều đổi mới. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có nhiều tiến bộ nhằm bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, hạn chế tối đa những sai sót trong hoạt động tư pháp.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu kiến nghị về 5 nhóm vấn đề lớn.

Cụ thể, Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành chương trình cụ thể đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường, cơ hội cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, phát huy hiệu quả các nguồn lực của đất nước.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Thứ ba, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục có các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Cần đánh giá, rút kinh nghiệm, phát huy những điểm mạnh, khắc phục những yếu kém, bảo đảm các cơ quan trong bộ máy Nhà nước tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tiến trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Thứ tư, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp; khắc phục một số tồn tại trong giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội; quản lý đất đai và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hoàn thiện thể chế về quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên và thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 

Thứ năm, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của cử tri, nhân dân và của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV để báo cáo với cử tri và nhân dân cả nước.

Theo baochinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.