Chính thức tắt sóng analog tại 4 thành phố lớn từ 0 giờ ngày 16/8

Thời điểm tắt sóng toàn bộ các kênh truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Cần Thơ, Bình Dương (trừ kênh BTV) sẽ là từ 0 giờ ngày 16/8/2016.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp lần 11.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp lần 11.

Thông tin này vừa được Bộ TT&TT tái khẳng định tại Họp báo về việc chính thức ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 Thành phố lớn giai đoạn 1 diễn ra chiều nay, 12/8.

Trước đó, để đảm bảo việc tắt sóng diễn ra thuận lợi, đảm bảo quyền lợi cho người dân, cũng như để có thời gian hỗ trợ đầu thu cho tất cả các hộ gia đình trong diện nghèo, cận nghèo của Trung ương trên địa bàn, Ban chỉ đạo Đề án số hóa đã áp dụng phương thức "tắt sóng mềm", ngừng phát sóng 7 kênh chương trình tại Hà Nội, Cần Thơ và TPHCM từ ngày 15/6, trước khi ngắt toàn bộ các kênh analog vào 15/8.

Đủ điều kiện tắt sóng

Chinh thuc tat song analog tai 4 Thanh pho lon tu 0h ngay 16/8 - Anh 2

Thứ trưởng Phan Tâm và Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì họp báo về tắt sóng analog giai đoạn 1.

Khu vực 4 Thành phố lớn và địa bàn 19 tỉnh lân cận cần tắt sóng trong giai đoạn 1 của Đề án có dân số chiếm gần 50% dân số cả nước, với khoảng 10 triệu hộ dân.

Theo kết quả điều tra của TNS về tỷ lệ hộ gia đình thu xem truyền hình analog tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào tháng 4/2016, chỉ có tỷ lệ hộ gia đình chỉ thu xem được analog ở Cần Thơ là đáng kể (27.9%).

Ba thành phố còn lại có tỷ lệ khá thấp, cụ thể là Hà Nội là 10.7%, Hải Phòng 10%, TPHCM 3.9%. Nói cách khác, việc tắt sóng analog để chuyển sang phát sóng số các chương trình truyền hình sẽ không gây quá nhiều xáo trộn cho các hộ gia đình tại đây.

Trong khi đó, theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ từ các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị đầu thu DVB-T2 thì từ tháng 5 trở lại đây, Hà Nội đã bán ra gần 150.000 TV DVB-T2 và đầu thu DVB-T2; Hải Phòng 36.855 thiết bị DVB-T2, Cần Thơ 81.760 thiết bị và TP.HCM là gần 140.000 thiết bị DVB-T2.

Từ số liệu về tỷ lệ hộ gia đình chỉ thu xem truyền hình analog, số lượng đầu thu đã được Quỹ DVVTCI hỗ trợ và số lượng đầu thu DVB-T2 đã được bán ra thị trường các tỉnh, thành phố thuộc giai đoạn 1, Cục Tần số ước tính tỷ lệ hộ gia đình còn lại, chỉ thu xem được truyền hình analog tại thời điểm ngày 15/8 ở Hà Nội còn khoảng 4.08%; Hải Phòng 2.42%, Cần Thơ 3.62% và TP.HCM 2%.

Theo quy định, việc ngừng phát sóng analog tại một tỉnh, thành phố sẽ chỉ thực hiện khi khoảng 95% số hộ gia đình tại tỉnh, thành phố đó có máy thu hình thu được các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu bằng cách phương thức khác nhau như truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình Internet.

Hiện tại, số hộ gia đình chỉ thu xem được analog tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương đã thấp hơn 5%, vì vậy đã hội đủ điều kiện để thực hiện việc tắt sóng analog.

Đặt lợi ích người dân lên hàng đầu

Trước đó, tại phiên họp lần thứ 11 của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn - Trưởng ban Chỉ đạo - nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu đặt ra cho các đơn vị và địa phương liên quan khi tắt sóng analog.

"Phải đặt lợi ích người dân lên trên hết. Việc tắt sóng không được để ảnh hưởng đến người dân, nếu có ảnh hưởng thì phải ở mức thấp nhất, phải giảm thiểu tối đa tác động" - Ông nói.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Bộ phối hợp với các Đài VTV, VTC, các đài PTTH địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về số hóa, nhất là tuyên truyền trên các kênh analog để người dân chủ động chuyển đổi.

Việc tuyên truyền cũng sẽ được tiến hành thông qua hệ thống đài truyền thanh huyện thị, xã phường để người dân chủ động chuyển đổi nốt. Tin nhắn SMS với nội dung về số hóa cũng sẽ được các nhà mạng gửi tới người dùng di động trước ngày 15/8.

Ông đặc biệt lưu ý VTV và hai doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng RTB, SDTV phải đảm bảo vùng phủ sóng số sau khi tắt sóng analog chính thức tại 4 thành phố lớn và địa bàn 19 tỉnh lân cận.

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp này đều cho biết đã tăng cường các trạm phát trong thời gian qua để vùng phủ sóng rộng hơn hoặc bằng vùng tắt sóng, hình ảnh đẹp, ổn định, không vỡ hình và cam kết không còn vùng lõm, không rớt sóng, hoàn toàn sẵn sàng cho việc tắt sóng hôm 15/8.

Tuy vậy, một số địa phương vẫn tỏ ra băn khoăn về vùng phủ sóng. Chẳng hạn như đại diện Đài Truyền hình Hải Phòng cho biết, Thành phố này không tắt sóng mềm vào ngày 15/6 (những kênh tắt sóng trong dịp 15/6 không phát tại Hải Phòng) mà "tắt là tắt luôn". Chính vì việc không có khoảng thời gian rút kinh nghiệm, chuẩn bị như vậy nên "rất cần phải đảm bảo về diện phủ sóng tại Hải Phòng".

Đối với vấn đề này, quan điểm của Bộ trưởng rất rõ ràng. "Các doanh nghiệp đã cam kết với Bộ. Nếu hôm tới không có sóng đến được với dân thì doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm".

Ông yêu cầu Thứ trưởng Phan Tâm chủ trì, lập các đoàn công tác (gồm Cục Tần số vô tuyến điện, Cục PTTH&TTĐT, Sở TT&TT 4 Thành phố, VTV, VTC, VOV, Đài PTTH các Tỉnh, thành phố) kiểm tra, giám sát việc phát sóng tại địa bàn các tỉnh lân cận, nếu có vấn đề phát sinh cần báo cáo ngay Ban chỉ đạo để kịp thời xử lý, trên tinh thần đảm bảo "quyền lợi người dân không bị ảnh hưởng".

Theo VietnamNet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.