Kỳ thực tuyên bố lần này của NASA là không quá ngạc nhiên đối với chúng ta khi mà từ đầu năm tới giờ, họ liên tục đưa ra những cảnh báo về tháng nóng nhất lịch sử và thậm chí là dự đoán về một năm 2016 có nhiệt độ cao kỷ lục. Không chỉ riêng NASA mà còn nhớ hồi tháng 5, giám đốc viện nghiên cứu không gian Goddard (GISS) Gavin Schmidt tuyên bố rằng 99% năm 2016 sẽ chứng kiến mức nhiệt độ cao kỷ lục bởi ảnh hưởng mạnh mẽ của El Ninõ. Bây giờ, El Ninõ đã "rời xa" chúng ta và hiện tượng đối nghịch với nó là La Ninã tiếp tục xuất hiện.
Đáng sợ hơn, nhiệt độ không chỉ dừng lại mà vẫn còn tiếp tục xác lập nhiều kỷ lục khác trong nửa năm còn lại của 2016. Sang tới tháng 7, các nhà khoa học đã khẳng định đây là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử với nhiệt độ cao hơn 0,84 độ C so với dữ liệu cơ sở của NASA từ 1951 tới 1980. Và chỉ 1 tháng sau đó, nhiệt độ tháng 8 tiếp tục phá vỡ kỷ lục của tháng 7. Và không có gì ngạc nhiên khi mà theo dữ liệu công bố mới đây từ GISS, tháng 9 tiếp tục phá kỷ lục, trở thành tháng nóng nhất trong năm, nóng nhất trong trong vòng 136 năm vừa qua với nhiệt độ cao hơn 0,91 độ C so với nền nhiệt trung bình.
Trên cương vị là đại sứ nhiệt độ toàn cầu, Schmidt mới đây đã tái khẳng định dự đoán hồi tháng 5 của ông là chính xác, tuy nhiên ông cho rằng nhiệt độ năm 2017 sắp tới sẽ không xác lập bất cứ một kỷ lục nào nữa. Đồng quan điểm với Schmidt, nhà khí tượng học Jeremy Shakun tại Đại học Boston cho rằng: "Tôi không nghĩ rằng nhất thiết năm sau nhiệt độ sẽ tăng lên 1,25 độ bởi chính El Ninõ là nguyên nhân chủ yếu khiến cho nhiệt độ năm 2016 tăng đột biến. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng chính là xu hướng nóng lên toàn cầu về dài hạn."
Còn nhớ hồi năm ngoái tại Paris, lãnh đạo các nước đã cùng nhau cam kết tìm cách giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng tăng dưới 1,5 độ C. Và nếu năm sau, nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,25 độ C so với nền nhiệt trung bình thì có vẻ như cam kết giới hạn đó không thể nào được giữ vững trong những năm tới. Các nhà khoa học cũng dự đoán rằng trong hiện tại, mục tiêu Paris có lẽ sẽ không khả thi nếu như không có bất cứ đột phá nào trong công nghệ thu nạp carbon.
Trong một chuyển biến có liên quan, theo quan sát từ Mauna Loa thì lượng CO2 trong khí quyển có thể đã vĩnh viễn vượt qua mức 400 ppm. Đây là ngưỡng mà hồi năm 2013, người ta đã đặt ra để cùng nhau nỗ lực kiềm hãm lượng CO2 khí quyển. Và còn nhớ lần cuối cùng Trái Đất chứng kiến lượng carbon tương tự trong khí quyển là cách đây 3 triệu năm và khi đó, mực nước biển toàn cầu cao hơn gần 20 mét. Và để hiểu được lượng carbon trong khí quyển tăng quá cao sẽ có tác động đáng sợ nào, các nhà khoa học khuyên nên nhìn lại sự tuyệt chủng của loài khủng long và nhiều tai ương khác.
Tham khảo Gizmodo , Ảnh AOS