Tăng chỉ tiêu tuyển sinh
Wang Tian, cô gái 18 tuổi lớn lên tại một trong những vùng nghèo nhất tỉnh Thanh Hải, Tây Bắc Trung Quốc, trong mơ cũng không nghĩ tới một ngày nào đó được học luật tại Đại học Bắc Kinh danh tiếng.
Vậy mà điều đó đã thành sự thật khi Wang là một trong những SV được hỗ trợ bởi một chương trình quốc gia cung cấp cho học sinh nông thôn nghèo cơ hội vào học các trường đại học hàng đầu đất nước.
Bởi sự chênh lệch lớn về chất lượng dạy học giữa các khu vực, những học sinh tốt nghiệp THPT tại những khu vực kém phát triển - vốn có rất ít cơ hội vào học tại những trường đại học tốt nhất nước. Chính sách cải cách hệ thống GD đại học đã thay đổi toàn bộ điều đó và những học sinh tại khu vực kém phát triển giờ đang được cạnh tranh bình đẳng hơn với học sinh vùng thuận lợi hơn. Chỉ tiêu tuyển sinh đã được tăng lên đối với khu vực Trung, Tây và nông thôn sâu xa.
Ngày 14/4, Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu các trường ĐH hàng đầu làm nhiều hơn nữa cho sinh viên nghèo hoặc nông thôn. Cụ thể, năm 2017, tỉ lệ chỉ tiêu dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn là 10%. Việc giám sát chặt chẽ và minh bạch hơn công tác tuyển sinh sẽ bảo đảm lựa chọn được ứng viên đủ điều kiện.
Kể từ năm 2014, thí sinh từ khu vực nông thôn được ưu tiên hạ thấp điểm thi đại học – và đã có 2% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 95 trường đại học lớn được dành cho nhóm thí sinh này.
Không chỉ hỗ trợ tiền
Tại Trung Quốc, thi đỗ đại học nhiều khi đồng nghĩa với nghề nghiệp ổn định trong tương lai và giúp cả gia đình thoát nghèo.
Để tuyển nhiều hơn sinh viên từ các khu vực nghèo, các trường đại học đã đơn giản hoá tuyển sinh và hỗ trợ tài chính cho sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Với thu nhập cả gia đình hàng năm khoảng 15.000 tệ (2.200 USD) và anh trai cũng đang học đại học, gia đình Wang Tian không thể đóng học phí cho Wang. Tuy nhiên trợ cấp và học phí từ trường ĐH và những nguồn tài trợ khác tổng cộng 18.000 tệ đủ để Wang trang trải toàn bộ học phí lẫn sinh hoạt phí. Wang cho biết sẽ tìm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp để hỗ trợ gia đình.
Bên cạnh chính sách ưu đãi tuyển sinh và trợ cấp, một số trường đại học cũng có những cách khác giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Mô hình “một kèm một” hiện phổ biến trong nhiều trường đại học giúp sinh viên tỉnh lẻ tìm được việc làm mong muốn và khởi nghiệp mới cho cả chính họ và gia đình.
Những trường đại học như Viện Công nghệ Bắc Kinh có chương trình hỗ trợ tham quan các trường ĐH nước ngoài miễn phí dành cho SV nghèo. “Sinh viên nghèo không có điều kiện tài chính để đi đó đây trước khi nhập học, vì thế chúng tôi giúp SV nghèo thực hiện điều này” – Sun Xiyan, phụ trách bộ phận hỗ trợ sinh viên tại BIT cho biết.