Chính sách ưu tiên: Cần thiết, nhưng nên điều chỉnh cho phù hợp

GD&TĐ - Chia sẻ quan điểm về điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, nhiều cán bộ quản lý ở cả THPT và ĐH, CĐ đều cho rằng, đây là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, đo đó chắc chắn là cần thiết và không thể bỏ; tuy nhiên, có thể điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế và tránh những bất cập không đáng có.

Chính sách ưu tiên: Cần thiết, nhưng nên điều chỉnh cho phù hợp

Chính sách ưu tiên đã ổn định từ lâu

Theo TS Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - hiện nay nước ta còn có sự chênh lệch về giáo dục giữa các vùng miền; nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục còn rất khó khăn. Do đó, để đảm bảo công bằng giáo dục, chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh là thực sự cần thiết.

"Không thể một sớm, một chiều chúng ta có thể thực hiện được công bằng giáo dục giữa các vùng miền. Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, hiệu quả của những chính sách giáo dục, khoảng cách giáo dục giữa các địa phương đang được kéo gần lại. Do đó, chính sách ưu tiên là không thể bỏ, tuy nhiên cũng nên nghiên cứu lại mức cộng điểm tối đa cho phù hợp" - TS Nguyễn Văn Huấn cho hay.

Khẳng định không thể vì một hiện tượng không phổ biến mà bỏ điểm ưu tiên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre đồng thời cho biết, các trường đại học, với quyền tự chủ tuyển sinh, có thể có những cách làm phù hợp để vừa đảm bảo được chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, vừa đảm bảo được chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu của nhà trường.

Ông Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Điền (Đồng Tháp) - nhấn mạnh sự cần thiết của chế độ ưu tiên trong tuyển sinh, cho rằng chính sách này đã có từ lâu và có tác động tích cực. Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội - cũng cho rằng: không thể bỏ điểm ưu tiên trong tuyển sinh.

Ông Bổng cho biết, chính sách cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng đã ổn định và được xã hội chấp nhận từ rất lâu. Vấn đề phát sinh trong kỳ tuyển sinh năm nay, về bản chất không phải do chính sách ưu tiên, do đó, điểm ưu tiên không cần phải xem xét lại.

"Theo quy định, thí sinh được cộng điểm ưu tiên khu vực tối đa là 1,5 điểm; ưu tiên đối tượng tối đa là 2 điểm. Như vậy, một học sinh sẽ có mức cộng ưu tiên tối đa là 3,5 điểm và chắc chắn số này không nhiều.

Giả sử, một thí sinh dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, cộng mức ưu tiên cao nhất thành 30,5 điểm, như vậy, kết quả thi THPT quốc gia thí sinh này phải được 27 điểm. Ở điều kiện khó khăn như vậy, với mức điểm trên, thí sinh đó quá xứng đáng đỗ đại học.

Còn số ít thí sinh điểm rất cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1, những em này hoàn toàn có thể trúng tuyển ngành khác, và đảm bảo đó đều là những ngành hot" - PGS Phạm Văn Bổng nêu quan điểm.

Gợi ý điều chỉnh điểm ưu tiên

Nêu rõ quan điểm cá nhân việc cộng điểm ưu tiên là một chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, NGND Hà Xuân Quang - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội - cũng cho rằng: từ thực tế kỳ tuyển sinh năm nay, có thể nghiên cứu giảm bớt mức cộng điểm ưu tiên tối đa vì sự chênh lệch giáo dục giữa các vùng miền đang dần giảm đi.

Hoặc, với một số trường có mức điểm trúng tuyển rất cao (chẳng hạn từ 26 điểm trở lên), có thể trao quyền cho họ khống chế chỉ tiêu được cộng điểm ưu tiên, giống như thực hiện tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển hiện nay.

Trước ý kiến cho rằng, có thí sinh năm nay dù điểm cao nhưng vẫn trượt đại học vì không dự đoán được sự thay đổi điểm tăng cao kỷ lục ở một số trường; một số bị loại vì ít điểm hơn thí sinh được cộng điểm ưu tiên dù điểm thi thực đạt cao hơn, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - khẳng định:

Thực tế số trường có mức điểm tăng cao kỷ lục chỉ là hiện tượng cá biệt, như ngành Y đa khoa ở những trường danh tiếng hoặc một vài ngành ở các trường thuộc khối công an, quân đội đối với thí sinh nữ.

Lý do, các trường khối công an, quân đội năm nay giảm rất nhiều chỉ tiêu; đồng thời, thí sinh trúng tuyển được bao cấp trong quá trình học, được “vào biên chế” của ngành nên nhiều thí sinh muốn được học những trường này.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, cộng điểm ưu tiên là chế độ được thực hiện từ nhiều năm nay. Đó là chính sách cần thiết để đảm bảo công bằng cho các thí sinh ở những vùng miền hoặc thuộc đối tượng còn bị chênh lệch về điều kiện học tập và điều kiện sống để đảm bảo công bằng.

Tất nhiên, chế độ, mức độ ưu tiên cũng có thể cần thay đổi theo mức độ thu hẹp khoảng cách của sự chênh lệch vùng miền nhưng cần phải có khảo sát, nghiên cứu, đánh giá rất kỹ và có sự tham gia của nhiều bộ ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ