Chính sách phát triển mạng lưới giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Cử tri thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ có chính sách phát triển mạng lưới giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt xây dựng các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học chất lượng cao tại Hải Phòng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục ĐH đã được thể chế hoá tại Điều 12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH: Ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục ĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành đặc thù, cơ sở giáo dục ĐH có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước; có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động GD&ĐT, khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục ĐH; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ.

Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/1/2019 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019 - 2025, trong đó quy định: “Hỗ trợ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho một số cơ sở giáo dục ĐH theo chuẩn quốc tế, có nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, đủ sức cạnh tranh với các trường ĐH có uy tín trong khu vực” và “Hình thành một số trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại dùng chung cho các cơ sở giáo dục ĐH; thí điểm xây dựng một số làng ĐH quốc tế thu hút các cơ sở giáo dục ĐH có uy tín của nước ngoài tham gia đào tạo và nghiên cứu quốc tế”.

Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo các trường tổ chức thực hiện Quyết định số 69/QĐ-TTg; đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH theo quy định của Luật Quy hoạch; xây dựng kế hoạch để tổng kết việc thực hiện các mục tiêu đổi mới toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2011 - 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2045.

Trên cơ sở chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục ĐH nêu trên, căn cứ vào thế mạnh và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Hải Phòng cần khảo sát nhu cầu học tập của thành phố, của vùng Đông Bắc Bộ, đặt trong tương quan với vùng đồng bằng Bắc Bộ đã có khu đô thị ĐH lớn nhất đất nước là Hà Nội… để có những đề xuất cụ thể về phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH trên địa bàn thành phố, đáp ứng được yêu cầu phát triển thành phố mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng nên đồng thời đề nghị Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu với Chính phủ có chính sách phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học chất lượng cao tại Hải Phòng.

Bộ GD&ĐT sẽ tích cực phối hợp với các Bộ ngành liên quan thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị theo đề xuất của thành phố Hải Phòng và chỉ đạo, phân công của Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.
“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.