Chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2020

Chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2020

Những quy định mới với giáo dục đại học

Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được Chính phủ ban hành.

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các khoản 3, 4, 10, 12, 13, 15, 17, 23, 24, 28 và 34 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Cụ thể, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung liên quan đến: Đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học; Chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; Chuyển trường đại học thành đại học và thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục đại học; Liên kết các trường đại học thành đại học;

Tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học thành lập theo hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài; Quy trình, thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng của trường đại học công lập;

Thủ tục thành lập hội đồng trường, công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, công nhận hiệu trưởng của trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

Thủ tục thành lập, công nhận hội đồng đại học; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng đại học; Công nhận cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam; Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học;

Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học; Trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù; Văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học; Hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; Chuyển nhượng vốn và rút vốn đầu tư vào cơ sở giáo dục đại học.

Nghị định 99/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 15/2/2020.

Quy định mới về hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi

Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ GD&ĐT ban hành, có hiệu lực từ 12/2/2020..

Mục đích Hội thi nhằm phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia giáo dục trẻ em, học sinh, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và của toàn Ngành;

Tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp;

Góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện, tự học, sáng tạo, học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em đối với giáo viên mầm non; công tác giảng dạy và công tác chủ nhiệm lớp đối với giáo viên phổ thông.

Hội thi dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia Hội thi; đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất; đảm bảo đúng quy định của chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành.

Lập mã định danh cho giáo viên, học sinh

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 26/2019/TT-BGDĐT quy định về quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/2/2020.

Theo Thông tư này, Mỗi giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có một mã định danh duy nhất, có độ dài 20 ký tự, do Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành cấp tự động trong lần tạo lập hồ sơ đầu tiên trên cơ sở các thông tin bắt buộc khai báo. Trường hợp giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chuyển công tác, ngừng làm việc, thôi việc, sở GD&ĐT hoặc phòng GD&ĐT trực tiếp quản lý cập nhật trạng thái và thông tin hồ sơ điện tử (không xóa hồ sơ và mã định danh của giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục trên Cơ sở dữ liệu ngành).

Mỗi học sinh có một mã định danh duy nhất, có độ dài 20 ký tự, do Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành cấp tự động trong lần tạo lập hồ sơ đầu tiên trên cơ sở các thông tin bắt buộc khai báo, Trường hợp học sinh nghỉ học, thôi học, chuyển đi, cơ sở giáo dục nơi có học sinh chuyển đi và sở GD&ĐT hoặc phòng GD&ĐT trực tiếp quản lý cập nhật trạng thái hồ sơ điện tử của học sinh.

Trường hợp tiếp nhận học sinh chuyển đến, cơ sở giáo dục nơi tiếp nhận học sinh chuyển đến và sở GD&ĐT hoặc phòng GD&ĐT trực tiếp quản lý cập nhật thông tin hồ sơ điện tử theo mã định danh của học sinh (không xóa hồ sơ và mà định danh của học sinh trên Cơ sở dữ liệu ngành).

Mã định danh của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT trên Cơ sở dữ liệu ngành do Bộ GD&ĐT tạo lập. Thông tin mã định danh của sở GD&ĐT được xác định tại trường dữ liệu “Mã sở”; thông tin mã định danh của phòng giáo dục được xác định tại trường dữ liệu “Mã phòng”.

Mã định danh của cơ sở giáo dục do sở GD&ĐT hoặc phòng GD&ĐT trực tiếp quản lý cấp từ lần tạo tập đầu tiên trên Cơ sở dữ liệu ngành, về cơ sở giáo dục đó. Thông tin mã định danh của cơ sở giáo dục được xác định tại trường dữ liệu “Mã trường (học)”, có độ dài 20 ký tự và được hình thành theo quy tắc kết hợp mã tỉnh + mã huyện + mã đơn vị.

Trường hợp có sự sáp nhập hoặc chia, tách cơ sở giáo dục, sở GD&ĐT hoặc phòng GD&ĐT trực tiếp quản lý quyết định việc sử dụng mã định danh cho đơn vị mới (sử dụng công cụ trên Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành để sáp nhập hoặc chia, tách cơ sở giáo dục kèm theo việc cấp mã định danh).

Trường hợp cơ sở giáo dục không còn hoạt động, sở GD&ĐT hoặc phòng GD&ĐT trực tiếp quản lý chỉ thay đổi thông tin trạng thái của cơ sở giáo dục (không xóa tên và mã định danh của cơ sở giáo dục trên Cơ sở dữ liệu ngành).

Sửa quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 23/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức và viên chức ban hành kèm theo Thông tư 17/2014/TT-BGDĐT ngày 26/5/2014; có hiệu lực từ ngày 10/2/2020.

Theo đó, những sửa đổi, bổ sung liên quan đến: Đối tượng áp dụng; nguyên tắc cử đoàn ra; các hình thức đoàn ra; chế độ báo cáo; quản lý tài liệu, thông tin…

Theo Thông tư sửa đổi, quy định đoàn ra gồm:

1. Đoàn tháp tùng Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đoàn liên ngành.

2. Đoàn do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn đi thăm và làm việc chính thức với các nước; tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đàm phán quốc tế, họp liên Chính phủ trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

3. Đoàn tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đàm phán quốc tế, họp liên Chính phủ trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các khóa bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn; các hoạt động giao lưu văn hóa, trại hè, các đại hội thể thao, cuộc thi quốc tế.

4. Đoàn đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm; đàm phán, làm việc trong khuôn khổ các dự án, chương trình hợp tác đã ký kết; tham gia các hội chợ, triển lãm giáo dục quốc tế trong kế hoạch của các chương trình, dự án hoặc tham gia các hoạt động khác thuộc lĩnh vực giáo dục.”

5. Công chức, viên chức tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đàm phán quốc tế, tham dự họp liên Chính phủ; tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn; các hoạt động giao lưu văn hóa, trại hè, đại hội thể thao, cuộc thi quốc tế.”

Bổ sung Điều 4a vào sau Điều 4 như sau:

“Điều 4a. Quy định về số lượng, thời gian, thành phần chi tiết đoàn ra

1. Đối với đoàn ra theo hình thức quy định tại khoản 1 Điều 4, số lượng người tham gia, thời gian công tác, mục đích, nội dung, chương trình làm việc căn cứ theo đề án đoàn ra đã được phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

2. Đối với đoàn ra theo hình thức quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5, Điều 4 của Thông tư này, số lượng người tham gia, thời gian, công tác, mục đích, nội dung, chương trình làm việc căn cứ theo đề án đoàn ra đã được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét quyết định bảo đảm hiệu quả chuyến công tác.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ