Chính phủ Venezuela và phe đối lập bất ngờ đối thoại: Sự cần thiết cho đất nước

GD&TĐ - Hôm 24/10 theo giờ địa phương, chính phủ Venezuela và phe đối lập đã đồng ý tổ chức một cuộc đàm phán nhằm giải quyết bế tắc chính trị, sau khi trì hoãn cuộc trưng cầu dân ý về việc phế truất Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro. 

Chính phủ Venezuela và phe đối lập bất ngờ đối thoại: Sự cần thiết cho đất nước

Hai bên sẽ gặp nhau vào ngày 30/10 trên đảo Margarita, thông qua sự trung gian của Tòa thánh Vatican, Liên minh các quốc gia Nam Mỹ và ba cựu lãnh đạo quốc tế, gồm: Cựu Thủ tướng Tây Ban Nha, cựu Tổng thống Cộng hòa Dominica và cựu Tổng thống Panama.

Tình hình ngày càng tồi tệ

“Cuối cùng chúng tôi cũng đã có được cuộc đối thoại giữa phe đối lập và chính phủ hợp pháp”, Tổng thống Venezuela đương nhiệm Nicolas Maduro cho biết từ Tòa thánh Vantican, sau cuộc gặp với Giáo hoàng Francis - người đã kêu gọi lãnh đạo Venezuela hành động bảo vệ người dân trong cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đang diễn ra trên khắp đất nước Nam Mỹ này.

Các cuộc đối thoại trong quá khứ giữa hai bên chỉ đạt được tiến bộ rất ít. Phe đối lập nói rằng vị Tổng thống không được lòng dân Maduro, là một lãnh đạo chuyên quyền và ông phải rời khỏi chiếc ghế của mình trước khi cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn. Phía chính phủ thì cho rằng tình hình tồi tệ này là do Mỹ và phương Tây bóp nghẹt nền kinh tế Venezuela và cả sự phá hoại của các phần tử đối lập trong nước.

Lãnh đạo liên minh đối lập, Jesus Torrealba khá thận trọng khi nói về cuộc đàm phán: “Cuộc đối thoại không có nghĩa là chiến lược để chính phủ kéo dài thời gian cầm quyền…. Mà nó sẽ là một sự tranh đấu để đất nước này tốt đẹp hơn”, ông nói sau khi gặp một phái viên từ Tòa thánh Vatican tại Caracas.

Trước đó, phe đối lập đã kêu gọi người dân tham gia biểu tình vào 26/10, nhằm đánh dấu ba năm Venezuela bước vào tình trạng suy thoái, dẫn đến tình trạng khủng hoảng lương thực nghiêm trọng và giá cả lao thang trên khắp cả nước. Thực tế mấy ngày qua đã có nhiều cuộc đụng độ nhỏ xảy ra giữa người dân với lực lượng chính phủ. Đáng chú ý, hôm 24/10 tại thành phố San Cristobal (nằm sát với biên giới Colombia), một đám đông sinh viên đã xuống đường phản đối tình hình kinh tế tồi tệ của đất nước và nhanh chóng thu hút người dân tham gia, dẫn đến đụng độ với cảnh sát khiến một số người bị thương.

Nền kinh tế Venezuela phụ thuộc lớn vào việc xuất khẩu dầu mỏ, kể từ khi giá dầu thế giới lao dốc những năm gần đây đã đẩy kinh tế nước này vào tình trạng mất kiểm soát. Tỷ lệ lạm phát cao, hàng hóa khan hiếm, thiếu điện nước, sản xuất ngưng trệ… đã dẫn đến tình trạng cướp bóc và nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Theo một số ước tính, Venezuela đang thiếu hụt khoảng 80% mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực và thuốc men.

Không còn lựa chọn

Chính phủ Venezuela cho rằng, nước này đang phải hứng chịu hậu quả xuất phát từ nhiều chính sách kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đều đồng ý rằng Venezuela đang gánh hậu quả của những năm quản lý kinh tế yếu kém, chi tiêu cho phúc lợi xã hội vô tội vạ và sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn thu bán dầu mỏ.

Henrique Capriles, một lãnh đạo phe đối lập và cũng là cựu ứng viên tranh cử Tổng thống, tuyên bố các cuộc biểu tình sẽ diễn ra cho đến khi nào chính phủ hiện tại tôn trọng và thực hiện đúng theo hiến pháp.

Theo quy định của Hiến pháp Venezuela, nếu cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trong năm nay, khi Tổng thống đương nhiệm chưa đủ bốn năm cầm quyền thì sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử sớm. Trong trường hợp cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào năm tới mà ông Maduro không đủ tín nhiệm của cử tri thì Phó Tổng thống sẽ lên thay thế.

Theo ông Capriles, cuộc biểu tình với tên gọi “Chiếm lấy Venezuela” đã được lên kế hoạch vào ngày 26/10 sẽ diễn ra trên cả nước, bất chấp nhiều lãnh đạo phe đối lập đã bị bắt giữ vì tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ trước đó. Mục tiêu được kỳ vọng ít là chính phủ phải ngồi lại để đối thoại, bởi đó là lựa chọn duy nhất vào lúc này để sớm cứu lấy vận mệnh đất nước.

Trong cuộc xuống đường hôm 24/10 ở San Cristobal, lãnh đạo nhóm sinh viên này cho biết 27 người biểu tình đã bị thương trong cuộc đụng độ với lực lượng cảnh sát, tuy nhiên điều này không làm họ nản lòng. “Chúng tôi muốn tự do!” - khẩu hiệu được hàng trăm người biểu tình hô vang trên khắp con đường dẫn vào trung tâm thành phố.

Thành phố San Cristobal vốn là một điểm nóng diễn ra các cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Maduro. Hồi năm 2014 cuộc biểu tình tồi tệ nhất diễn ra đã dẫn đến cái chết của 43 trường hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ