Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa

Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa

(GD&TĐ) - Lần đầu tiên trong suốt 17 năm, một bộ phận Chính phủ Mỹ đã buộc phải đóng cửa khiến 800.000 người ăn lương buộc phải nghỉ không ăn lương, gây thiệt hại hàng tỉ dollar. “Cuộc ra đi” nặng nề này diễn ra sau khi kế hoạch chi tiêu ngân sách cho năm tài khóa 2014 do Hạ Nghị viện dự thảo không được Quốc hội Mỹ thông qua. Trong kế hoạch này không bao gồm ngân sách dành cho đạo luật cải cách y tế do Tổng thống Obama đưa ra (thường được nhắc đến với cái tên Obamacare).

Đúng 12 giờ trưa (giờ Trái đất) ngày 1/10/2013, Chính phủ Mỹ đã đóng cửa sau khi các nhà lập pháp của Lưỡng viện đã không thể thống nhất thông qua kế hoạch chi tiêu cho Chính phủ. Thông báo này được đưa ra khi Chính phủ Mỹ chính thức "không có ngân sách hoạt động "vì Hạ viện, do đảng Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện, với đảng Dân chủ chiếm đa số, không tìm được tiếng nói chung về dự thảo luật ngân sách năm tài khóa 2014. Với tỷ lệ 54/46, Thượng nghị viện Mỹ đã bác bỏ đề xuất của Hạ nghị viện về việc trì hoãn một năm đạo luật cải cách y tế Obamacare để bổ sung ngân sách cho Chính phủ Liên bang.

Trong suốt 1 tuần qua, hai bên đã công kích và chỉ trích lẫn nhau về đạo luật Obamacare do Tổng thống Mỹ Obama đưa ra. Các nghị sĩ Cộng hòa của Hạ nghị viện khăng khăng duy trì bản đề xuất ngân sách, trong đó có phần sửa đổi chống lại điều luật Obamacare. Trong khi đó, tất nhiên các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ hoàn toàn không muốn sự có mặt của phần sửa đổi này.

Vì sự bất đồng ý kiến này mà khoảng 800.000 nhân viên chính quyền Mỹ được coi là “không cần thiết” sẽ phải nghỉ không lương. Hầu hết các nhân viên này được yêu cầu rời khỏi văn phòng trong vòng 4 giờ kể từ khi bắt đầu ngày làm việc hôm 1/10. 

Chính phủ đóng cửa sẽ gây tổn hại không nhỏ đến nền kinh tế Mỹ
Chính phủ đóng cửa sẽ gây tổn hại không nhỏ đến nền kinh tế Mỹ

Những giây phút cuối cùng

Nguy cơ phải đóng cửa Chính phủ Mỹ trở nên rõ nét trong đêm thứ Hai, ngày 30/9, khi Hạ nghị viện tuyên bố bản đề xuất ngân sách chi tiêu cho chính phủ do viện này đề xuất sẽ không thể vượt qua sự phản đối của Thượng nghị viện. Kế hoạch cho một cuộc bỏ phiếu trong đêm sẽ phải cần tới một cuộc thảo luận với Thượng nghị viện để giải quyết các bất đồng. Tuy nhiên, bước đi có thể ngăn chặn việc đóng cửa Chính phủ này đã bị ngăn cản bởi Nghị sĩ Harry Reid, người đứng đầu Thượng nghị viện. “Chúng tôi sẽ không thảo luận khi bị súng chĩa vào đầu”, ông Reid nói. Người đại diện cho phe Dân chủ Chris Van Hollen cho biết việc không thể thỏa thuận về ngân sách là do chính phe Cộng hòa đã từ chối thương lượng từ một tháng trước đó. “Thế mà nay họ lại muốn thương lượng khi chỉ còn 45 phút là đến giờ chốt sổ!”, ông Hollen nói.

Cuộc đùn đẩy pháp lý 

Đây là lần thứ hai trong một ngày, Thượng nghị viện phủ quyết các nỗ lực của Hạ nghị viện nhằm gạt bỏ đạo luật Obamacare, trong đó có nội dung chăm sóc y tế ủy quyền cá nhân và chấm dứt bao cấp bảo hiểm y tế cho tổng thống, các thành viên Quốc hội và nhân viên của họ.

Trước đó, chiều ngày 30/9, Tổng thống Obama đã xuất hiện trước báo chí, chỉ trích các nỗ lực của Hạ viện nhằm phá hoại đạo luật cải cách y tế. Việc này là nguyên nhân của việc đóng cửa chính quyền Mỹ, đe dọa tới nền kinh tế nước Mỹ. Ông Obama cũng đã gọi điện thoại cho ông John Boehmer, chủ tịch Hạ nghị viện, cũng như những người lãnh đạo đảng đối lập trong Hạ nghị viện, nhưng không đi tới thỏa thuận nào.

Ảnh hưởng tới nền kinh tế

Những ảnh hưởng tới nền kinh tế và cuộc sống của người dân Mỹ phụ thuộc vào thời gian của sự đóng cửa chính phủ. “Hậu quả sẽ ngày càng tăng theo thời gian: Hai tuần sẽ tệ hơn một tuần, ba tuần tệ hơn hai tuần…” Giám đốc văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ Douglas Elmendorf cho biết. Trong khi đó, nhà kinh tế Mark Zandi ước tính nếu việc đóng cửa chính phủ chỉ diễn ra trong vòng vài ngày cũng sẽ làm tổn thất đến khoảng 2 phần ngàn sự tăng trưởng trong quý; còn nếu việc đóng cửa diễn ra ba hay bốn tuần, đó có thể là một thảm họa kinh tế, làm giảm khoảng 1,4% GDP trong quý.

Lần cuối cùng Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa diễn ra vào cuối năm 1995, khi chính phủ đóng cửa đến 2 lần trong 4 tuần liên tiếp, làm giảm 0,5 % điểm tăng trưởng trong quý 4 cùng năm. Tuy nhiên, việc đóng cửa Chính phủ Mỹ lần này sẽ gây nhiều tác động hơn do diễn ra vào tháng 10, tháng đầu tiên của Quý 4; thêm vào đó, nền kinh tế Mỹ hiện nay yếu ớt hơn so với nhưng năm 1995 – 1996, giai đoạn bùng nổ khoa học công nghệ.

Ông Mohamed El-Erian, Giám đốc điều hành quỹ cho vay tiền tệ PIMCO cho rằng việc đóng cửa Chính phủ Mỹ sẽ gây nhiều hiệu ứng tiêu cực như làm tăng sự bất ổn khiến các công ty ngại ngần khi đầu tư vào các nhà máy mới, thiết bị và cho thuê; đồng thời buộc Liên bang phải tiếp tục các chính sách thử nghiệm với những tác động thể lường trước.

Nguyên Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ