Chính phủ dự báo, GDP năm 2011 sẽ tăng từ 7 – 7,5%

Chính phủ dự báo, GDP năm 2011 sẽ tăng từ 7 – 7,5%

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, mặc dù sau khủng hoảng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhưng kinh tế nước ta đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm và có mức tăng trưởng khá cao. GDP cả năm 2010 tăng khoảng 6,7% cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Khu vực nông nghiệp tăng 2,6%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2010 dự kiến vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009, bảo đảm được các nhiệm vụ chi và góp phần giảm bội chi xuống dưới 6%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,2%).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Đến hết năm 2010, dự nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP, nằm trong giới hạn an toàn.

Chính sách tiền tệ đã góp phần tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, cơ bản đảm bảo được các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm: Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 20%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 25%. Tỷ giá được điều hành linh hoạt hơn theo nguyên tắc thị trường; Thực hiện điều hành lãi suất cho vay theo cơ chế thỏa thuận và theo hướng giảm dần; Tăng cường giám sát bảo đảm an toàn các tổ chức tín dụng; Kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Tính đến hết tháng 9/2010, thị trường chứng khoán đạt mức vốn hóa khoảng 31,6% GDP.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ước tăng 19,1%, gấp hơn 3 lần so với kế hoạch. Nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ hơn, tổng kim ngạch nhập khẩu ước tăng 16,5%. Nhập siêu cả năm khoảng 13,5 tỷ USD, dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn tỷ lệ nhập siêu năm 2009.

Giáo dục và đào tạo có bước phát triển. Tích cực triển khai thực hiện đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, cơ chế tài chính, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và đổi mới phương pháp giảng dạy. Cùng với việc tăng đầu tư của Nhà nước, đã đẩy mạnh xã hội hoá để nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục - đào tạo từ mầm non đến đại học. Đã kết nối internet cho tất cả các trường phổ thông. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia bậc mầm non và các cấp học phổ thông tăng nhanh, 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh bỏ học ở hầu hết các vùng đều giảm, kỷ cương trong thi cử đã được thực hiện tốt hơn. Kiểm soát chặt chẽ hơn việc thành lập mới các trường đại học. Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội và tích cực triển khai hợp tác đào tạo theo chương trình tiên tiến với các trường đại học nước ngoài.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, năng suất chất lượng sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Phát triển nguồn điện chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Khu vực doanh nghiệp nhà nước giữ một phần lớn vốn, tài sản và đất đài, tài nguyên quốc gia nhưng hiệu quả đầu tư và tăng trưởng chưa tương xứng; quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập.

Thể chế kinh tế thị trường chưa đồng bộ; bao cấp về giá điện, giá than còn kéo dài, không khuyến khích tiết kiệm năng lượng và hạn chế việc huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển nguồn điện.

Quản lý giá một số mặt hàng nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh chưa tốt. Các chi ngân sách còn lãng phí, nhập siêu cao, cán cân thanh toán tổng thể vẫn còn thâm hụt, dự trữ ngoại tệ giảm, lãi suất cho vay còn cao. Sự phối hợp  giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ còn chưa đồng bộ.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chế độ tiền lương chưa hợp lý, nhất là khu vực hành chính công. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhận dân vẫn còn không ít khó khăn, yếu kém; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt…

Thủ tướng đánh giá, chúng ta đã đạt được những những thành tựu khá toàn diện, cơ bản hoàn thành mục  tiêu tổng quát và các chỉ tiêu đề ra cho cho năm 2010. Nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá cao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết mục tiêu năm 2011, về kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 7 - 7,5% so với năm 2010; GDP bình quân đầu người khoảng 1.300 USD; Tổng kim ngạch xuất khẩu là 74,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010. Giảm nhập siêu xuống dưới 20%; Tổng thu ngân sách nhà nước 590,5 nghìn tỷ đồng; Tổng chi ngân sách nhà nước 725,6 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5,5%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP; Tăng giá tiêu dùng khoảng 7%.

Cùng đó, năm 2011 sẽ tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 6,5%; trung cấp chuyên nghiệp tăng 10%; cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 16,5%; Mức giảm tỷ lệ sinh là 0,2%o; Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,7 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; Giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới; riêng 63 huyện nghèo giảm 4%. Năm 2011 có khoảng 4% xã đạt các tiêu chí nông thôn mới; Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống khoảng 17,3%; Số giường bệnh/1 vạn dân: 21 giường (không tính giường bệnh của trạm y tế xã); Diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đầu người: 19 m2.

Các chỉ tiêu môi trường: Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh: 86%; Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch: 78%; Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 69%; Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý: 82%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 55%; Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom: 83%; Tỷ lệ che phủ rừng: 40%.

Liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ (VinaShin), Thủ tướng cho rằng, tình trạng nghiêm trọng hiện nay của VinaShin chủ yếu là do sự yếu kém trong quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, báo cáo không trung thực của lãnh đạo Tập đoàn. “Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các Bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của Tập đoàn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ