Chim rừng neo đậu về đâu?

Chim rừng neo đậu về đâu?

(GD&TĐ) - Ông cha ta từ xưa đã từng nói: “ Đất lành chim đậu”, câu nói tuy mang mầu sắc triết lý nhưng trên thực tế thì vùng đất nào có môi sinh tốt, những loài chim ngoài tự nhiên sẽ bay về neo đậu và làm tổ. Ảnh hưởng tích cực của chúng đối với môi sinh không phải là nhỏ. Thế nhưng, hiện nay, với “mốt”, thú vui chim cảnh từ tự nhiên, chính bàn tay con người đã và đang đe dọa đến nhiều loài chim bằng cách giăng bẫy nơi tổ ấm của chúng. Những vạt rừng tưởng như “đất lành” cho loài chim thì nay đã và đang trở thành “đất dữ”.

Thú chơi chim rừng

Chơi chim cảnh là thú vui của nhà nhà hiện nay, nhất là những gia đình có điều kiện. Biết vậy, các tay săn chim rừng sẵn sàng vào cuộc, đầu tư lưới để bẫy sống từng đàn chim ở tự nhiên để bán cho khách. Bẫy được chim, chim rừng chính hiệu đã đủ lông đủ cánh, đủ mẫu mã, người săn chim sẽ thu được những món tiền không nhỏ. Vì vậy, hiện nay, ven đường, ngay tại chân núi các tỉnh miền núi phía Bắc có những đoạn bán rất nhiều loại chim. Nghe quảng cáo là chim rừng thật sự, giá cả phải chăng và khách thỏa mái chọn hàng. Nào là chào mào, cu gáy, chìa vôi, khướu đen, họa mi, bạc má, vành khuyên…được nhốt trong lồng để bày bán. Lũ chim kêu, hót inh ỏi cả một đoạn đường, chúng tôi không biết đó là tiếng hót hay tiếng kêu thất thanh, tiếng kêu cứu của bầy chim. 

Chòi bẫy chim én trên những cánh đồng do người dân bản địa dựng lên ở Bảo Yên Lào Cai
Chòi bẫy chim én trên những cánh đồng do người dân bản địa dựng lên ở Bảo Yên Lào Cai

Theo chân một “tay” săn chim cừ khôi ở huyện miền núi Hạ Hòa (Phú Thọ), chúng tôi được chứng kiến kiểu săn, bẫy chim rất thành thạo và sát. Ông Hoàng Văn Tu từ lâu được mệnh danh là "tay chim" ở vùng này. Hạ Hòa vốn địa bàn có nhiều rừng núi cao, hiểm trở và đây cũng là nơi từ lâu được coi là “đất lành” cho nhiều loài chim, loài thú rừng về neo đậu và sinh trưởng. Nhưng trong thời gian gần đây, những loài chim rừng nơi đây đang phải đối diện với nhiều cạm bẫy do chính bàn tay con người dựng lên để mong bắt được những chú chim trời. 

Để có được những buổi săn bẫy chim thành công, ông Tu sẵn sàng bỏ tiền đầu tư nào là lưới, lồng, vợt, cây cọc để dựng thành những bẫy ở nơi có nhiều loài chim sinh sống. Ông cũng dự tính, mỗi thời điểm trong ngày, sẽ bẫy được một loại chim nhất định và chim hỗn hợp như thế sẽ bán được với nhiều giá khác nhau. Muốn bẫy được cả đàn chim trong một vạt rừng, ông Tu đầu tư tấm lưới dài tới 60m để giăng mẫy. Đoán biết được nơi tụ tập và hướng bay cũng như đặc tính bầy đàn của từng loại chim, ông Tu chỉ cần đặt con mồi để dụ cả đàn xuống thế là chụp được cả đàn mà không sót con nào. Còn bẫy ở ruộng thì ông Tu dùng cây ngô đã khô dựng thành từng lùm cao để đặt bẫy. 

Lùm cây khô được dựng lên làm bẫy chim trên những sườn đồi thấp
Lùm cây khô được dựng lên làm bẫy chim trên những sườn đồi thấp

Khi bẫy chim, ông Tu không kén chọn mà bẫy tất cả các loại chim. Từ con nhỏ nhất là chim sẻ trên các hốc cây đến chim cu gáy, chào mào, vành khuyên, cò, cuốc…Vì theo ông Tu, mỗi loài sẽ bán được với những giá khác nhau. 

Theo giá thị trường hiện nay, chim cu gáy sẽ bán được với giá từ 500-700 ngàn đồng/con, chim chào mào mũ từ 350-400 ngàn đồng/con, vành khuyên giá thấp hơn khoảng 40-50 ngàn đồng/con. Ngoài ra, chim sẻ, cuốc hay cò sẽ bán theo giá thịt. 

Thú chơi chim rừng, chim trời của người dân hiện nay đã làm cho ông Tu và nhiều tay săn chim ở vùng rừng núi không thể ngồi im. 

Số phận của “sứ giả mùa xuân” và loài chim đến hẹn lại lên

Cánh én nhỏ làm nên mùa xuân. Từ bao đời nay, chim én là loài chim trời báo hiệu mùa xuân đến. Vào dịp tháng giêng, tháng 2, ở các vùng núi cao, loài chim này thường tụ về, chao lượn khắp không gian để hưởng tiết trời ấm áp. Thế nhưng, trong những năm trở lại đây, chim én đã và đang phải đối diện với sự hủy diệt của con người. Số lượng chim én cứ ít dần theo thời gian.

Chúng tôi có dịp về huyện Bảo Yên (Lào Cai), trực tiếp chứng kiến tục săn bắt chim trời của người dân nơi đây. Vào khoảng tháng giêng, tháng 2, từng đàn chim én bay về Nghĩa Đô trú ngụ. Đây cũng là thời điểm mà người Tày ở các xã dọc quốc lộ 279 như Tân Dương, Xuân Hòa, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô "ra quân” bẫy chim én. Bẫy chim én được người dân thiết kế hết sức đơn giản, chỉ cần 4 cột tre ghép lại thành một khung hình vuông. Quan trọng hơn cả là trên các điểm đậu của bẫy tre sẽ được người ta quệt vào đó một ít nhựa cây rừng. Để nhử từng đàn chim én xuống neo đậu, ở các bẫy, người dân buộc vào đó dăm ba con chim én sống, họ gọi đó là chim mồi.

Tuy trông có vẻ thô sơ nhưng biết bao con chim rừng đã sa vào chiếc bẫy này
Tuy trông có vẻ thô sơ nhưng biết bao con chim rừng đã sa vào chiếc bẫy này

Bẫy chim như thế được người dân dựng khắp nơi. Khi thì ở cánh đồng dưới chân núi, khi thì ở trên đỉnh núi, khi thì ở ngay cạnh nhà ở... Chim én được người dân Tày mang ra chợ bán. Và cũng từ đó, chim én trở thành một món ăn đặc sản của vùng cao, mang lại nguồn lợi lớn cho người dân. Mỗi con chim còn sống được người dân bán với giá từ 7-8 ngàn đồng.

Cứ như thế, nhiều năm nay, số lượng chim én ở vùng cao Bảo Yên ít dần. Ông Hoàng Văn Vày ở xã Tân Dương cho chúng tôi biết: "Gia đình tôi bẫy chim én từ nhiều năm nay, ngày nhiều nhất cũng bẫy được vài trăm con”. Cháu Cổ Văn Đợi ở xã Nghĩa Đô thích thú cho rằng: "Trẻ con bọn cháu thú lắm với trò bẫy chim, hơn thế lại còn bán được tiền nữa”. Ông Hoàng Văn Chung dân tộc Tày ở xã Vĩnh Yên cho rằng: "Vẫn biết giết hại chim trời là có tội và làm ảnh hưởng đến môi trường nhưng từ lâu ở đây bẫy chim là một phong tục, tập quán rồi nên khó bỏ lắm”.

Mùa đông về cũng là lúc nhiều loài chim ở phương Nam bay về tránh rét ở các vùng núi, trung du. Cùng với hành trình của nó, các loài chim còn có ảnh hưởng tích cực tới môi trường sống và mùa màng. Đến hẹn lại lên, chim Chăm năm nào khi cái lạnh đến, chúng cũng thi nhau bay về miền đất đã hẹn trước để tránh rét, nhưng loài chim này cũng đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt. Tại xã Ấm Hạ (Hạ Hòa- Phú Thọ) nơi có núi Buộm cao ngất và luồn phía dưới chân núi là những dòng suối nhỏ. Đây cũng là địa điểm hấp dẫn cho loài chim Chăm lông đen trắng, mỏ đỏ, to hơn chim én bay về tránh rét mỗi khi mùa đông về. Những năm đầu, loài chim này được bình yên bởi sự hiền lành của người dân. Cứ ngỡ "đất lành chim đậu”, nhưng hai, ba năm trở lại đây, những bẫy chim được đặt ngay dưới chân núi, "không cho chim tránh rét”.

Nắm được đặc điểm của loài chim Chăm hay sống trên núi cao và thường sà xuống uống nước mỗi khi trời nắng tại các khe suối, một số tay săn chim ở đây đã thiết kế những bẫy chim tương đối tinh xảo. Chỉ cần một tấm lưới rộng được luồn dây xung quanh, đặt dưới lòng suối và chính giữa lưới buộc một hai con chim mồi. Trời nắng đẹp, từng đàn chim Chăm sà xuống uống nước và tự chui đầu vào bẫy.

Một người dân làm nghề bẫy chim Chăm nhiều năm nay cho biết: Có ngày bẫy được tới hai, ba trăm con. Điều đó có nghĩa là có tới hàng ngàn con chim Chăm bị bẫy và bị làm thịt ngay sau đó. Chim Chăm khi bị mắc bẫy sẽ được bán với giá cao. Nếu năm ngoái, người ta bán 5000 đồng/ 1 con thì năm nay đầu mùa đã bán được với giá cao hơn từ 8-10 ngàn một con. Được biết chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp gì trước tình trạng săn bẫy chim Chăm.

Chúng tôi đã từng được xem những thước phim ở Hàn Quốc về những loài chim rừng sà xuống đường phố đi bộ cùng người dân, đi bộ và chao lượn trong công viên. Rồi có những bệnh viện hay hội bảo trợ động vật thiên nhiên ở một số quốc gia trên thế giới. Ngay cả ở Việt Nam chúng ta, có những đảo cò hàng ngàn, hàng vạn con bay về sinh sống. Vậy mà hiện nay, ở một số tỉnh miền núi, địa bàn sinh sống của loài chim, bàn tay con người đã và đang chặn những nẻo đường bay của chúng, bắt sống và nhốt chúng vào trong những lồng chật hẹp. Thử hỏi rằng, nếu nạn bẫy chim trời diễn ra tràn lan mà không có sự can thiệp của chính quyền địa phương thì trong nay mai, môi trường tự nhiên sẽ ra sao ? Tiếng chim hót thánh thót trong lành bên những vạt rừng liệu sẽ còn ? Và rồi ai sẽ khóc cùng những chú chim đang bị giam cầm trong những chiếc lồng vô tình ? 

Nguyễn Thế Lượng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ