Theo lịch trình làm việc của Tổng thống Mỹ Obama, chiều nay (24/5/2016), ông sẽ gặp gỡ với một số doanh nhân trẻ tiêu biểu của Việt Nam để thảo luận về lợi ích mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem lại cho quan hệ hai nước như thúc đẩy tạo công ăn việc làm hay nâng cao các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.
Cuộc gặp đặc biệt này sẽ diễn ra tại tòa nhà Miss Áo Dài, số 21 Nguyễn Trung Ngạn, quận 1 (TP.HCM), là nơi làm việc của 50-60 công ty với hơn 300 bạn trẻ khởi nghiệp (start-up).
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, từ sáng 23/5, công tác chuẩn bị đã được diễn ra từ sớm dưới sự giám sát của nhân viên Nhà Trắng. Chỉ có những cá nhân có thẻ hoặc nhân viên kỹ thuật mới được phép tiếp cận khu vực này.
Dự kiến, ông Obama sẽ tham quan không gian làm việc chung của Dreamplex - không gian làm việc chung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở tầng 10 trước khi lên tầng 11 và 12. Cuộc trò chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ sẽ diễn ra tại tầng 13 của tòa nhà.
TPP hiện đang là vấn đề gây tranh cãi tại cuộc bầu cử hiện nay tại Mỹ. Phe ủng hộ TPP cho rằng, nếu được phê duyệt, hiệp định TPP sẽ nâng tổng GDP của Mỹ lên 0,15%, tương đương 42,7 tỷ USD vào năm 2032 và tạo thêm được 128.000 việc làm toàn thời gian.
Trong khi đó, những ý kiến trái chiều khác còn nghi ngờ về hiệu quả của TPP, chẳng hạn như cho rằng TPP sẽ không đủ sức nâng các tiêu chuẩn thị trường khác như tại Việt Nam, qua đó phản đối việc dịch chuyển công việc của các tập đoàn đa quốc gia từ Mỹ sang các nước khác. Đồng thời cho rằng chưa đánh giá hết những lợi ích/tác hại khi Mỹ dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan với các nước thành viên.
Với sự tháp tùng của Đại diện Thương mại Michael Froman trong chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Obama thì một trong những mục tiêu của chuyến thăm là thúc đẩy hiệp định TPP và đặt nền móng cho việc thực hiện thỏa thuận thương mại này trong tương lai. Ông Michael Froman là người có quan điểm ủng hộ TPP và nhấn mạnh rằng việc phê chuẩn chậm trễ sẽ khiến Mỹ thiệt hại khoảng 100 tỷ USD.
Trong ngày hôm qua, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước, Công ty CP Hàng không Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đã ký kết hợp đồng đặt mua 100 tàu bay B737 MAX 200, trị giá lên tới 11,3 tỷ USD. Vietjet đồng thời cũng ký kết một hợp đồng khác với Pratt & Whitney thuộc Tập đoàn United Technologies Corp lên tới 3,04 tỷ USD.
Ngoài ra, tại sự kiện tiếp xúc giữa cộng đồng doanh nghiệp 2 nước vào cuối ngày tại Hà Nội do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, hàng loạt thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ cũng đã được ký kết, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...