Chiêu hay hình thành tập thể lớp tự quản

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Thao - giáo viên Trường THPT Thọ Xuân 5 (Thanh Hóa) – cho rằng: Xây dựng lớp tự quản tốt sẽ giúp đưa tập thể lớp vào nề nếp ngày từ đầu, đồng thời cũng giúp học sinh nhanh chóng quen với môi trường học tập mới.

Chiêu hay hình thành tập thể lớp tự quản

Xây dựng hệ thống cán sự lớp

Ngay từ khi nhận lớp và ổn định lớp, theo cô Nguyễn Thị Thao, giáo viên nên tìm hiểu và phát huy tính tự giác của học sinh, nhất là các em đã từng là cán sự lớp ở cấp 2. Hầu hết ban cán sự lớp được các bạn giới thiệu tự ứng cử.

Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện có những học sinh sẽ bị loại và bổ sung các học sinh khác có năng lực

Ban cán sự lớp gồm có: 1 lớp trưởng, 1 bí thư chi đoàn, 1 thư kí lớp, 3 lớp phó (1 phụ trách học tập, 1 phụ trách văn thể, 1 phụ trách lao động), 1 cờ đỏ, 4 tổ trưởng và mỗi bài 1 nhóm trưởng.

Đây là những hạt nhân giúp giáo viên chủ nhiệm điều hành lớp trong phạm vi quyền hạn của lớp. Do vậy, cần tập trung, chú ý để lựa chọn đúng những học sinh có năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, trung thực.

Giáo viên chủ nhiệm phải xác định và giao nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với năng lực của từng em để các em nắm được và thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, từ đó nhắc nhở, đôn đốc các bạn cùng thực hiện.

Ngoài đội ngũ cán bộ lớp, cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt tình, có ý thức trách nhiệm cao, có tinh thần tự giác trong mọi hoạt động thì các thành viên còn lại cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lớp tự quản tốt.

Do đó, đối với học sinh, nhất là những học sinh chưa có ý thức tự giác thực hiện tốt nội quy trường lớp, còn vi phạm nhiều thì ban cán sự lớp kết hợp với giáo viên chủ nhiệm đôn đốc nhắc nhở kịp thời, giáo viên chủ nhiệm kết hợp cùng gia đình để giáo dục học sinh.

Mặt khác, giáo viên chủ nhiệm luôn gần gũi yêu thương trao đổi với học sinh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, xu hướng, sở thích của học sinh giúp các em nêu ra "điều muốn nói", tạo ra môi trường thân thiện, khơi gợi từng bước và phát huy tinh thần làm chủ tập thể của học sinh.

2 giai đoạn triển khai

Cô Nguyễn Thị Thao cho rằng, việc tổ chức, xây dựng lớp tự quản vừa là một hoạt động vừa là qua trình giáo dục. Do vậy, giáo viên chủ nhiệm cần triển khai theo hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên là tổ chức và huấn luyện cơ bản. Ở giai đoạn này, giáo viên chủ nhiệm nêu mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của việc tổ chức, xây dựng lớp tự quản có liên quan trực tiếp đến trách nhiệm và quyền lợi của học sinh;

Giới thiệu cho học sinh cơ cấu tổ chức lớp, các mối quan hệ và cơ chế hoạt động tự quản của tập thể lớp.

Đối với lớp đầu cấp, giáo viên chủ nhiệm có thể căn cứ vào kết quả thăm dò, tìm hiểu bước đầu, hoặc động viên tinh thần xung phong, hoặc tạm thời chỉ định đội ngũ cán sự tự quản của lớp.

Sau khi lựa chọn đội ngũ cán sự lớp, giáo viên chủ nhiệm giao nhiệm vụ, chức năng cụ thể cho từng đối tượng. Tổ chức bồi dưỡng nội dung, phương pháp cho các em.

Tổ chức cho lớp thảo luận, xây dựng kế hoạch năm học để các em xác định được mục tiêu phấn đấu.

Giai đoạn tiếp theo là thể nghiệm trong hoạt động thực tế. Giai đoạn này phải tạo mọi điều kiện để đội ngũ cán bộ lớp, tổ phát huy được vai trò chủ thể, thực hiện được các chức năng, nhiệm vụ của mình trong các hoạt động.

Giáo viên chủ nhiệm luôn giữ vai trò cố vấn, giúp học sinh định hướng vào nền nếp kỉ luật tự giác, nền nếp tự quản, tạo bầu không khí thực sự dân chủ cho lớp, tránh sự áp đặt.

Những hoạt động thực tế có thể tạo điều kiện cho học sinh tự quản là:

Tự quản 15 phút đầu giờ: Tổ trưởng, nhóm trưởng tập trung các tổ viên, kiểm tra việc chuẩn bị bài ở nhà, xem các bài tập, bài làm được thầy cô giáo yêu cầu, đủ hay thiếu, lí do... Tổ trưởng yêu cầu các tổ viên tự kiểm tra lẫn nhau. Kết quả sẽ được ghi vào sổ theo dõi của tổ.

Tự quản các giờ học trên lớp: Giữ trật tự và tham gia phát biểu xây dựng bài. Lớp trưởng, tổ trưởng kịp thời nhắc nhở các bạn vi phạm, thông qua đó chấm điểm thi đua các tổ và cá nhân...

Tự quản giờ trống giáo viên: Vì một lý do nào đó mà giáo viên bộ môn vắng mặt, lớp vẫn phải giữ gìn kỉ luật trật tự để không làm ảnh hưởng đến các lớp khác và không được ra khỏi lớp. Lớp trưởng hội ý với cán sự lớp sử dụng giờ trống để chữa bài tập khó cho lớp.

Tự quản tiết sinh hoạt tập thể: Đây là tiết sinh hoạt hoàn toàn do lớp tự quản. giáo viên chủ nhiệm chỉ giữ vai trò cố vấn và chỉ xuất hiện khi thật cần thiết để học sinh giải quyết tình huống phức tạp mà các em lúng túng.

Tự quản trong hoạt động lao động, vui chơi, thể thao và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Trong các loại hình hoạt động này đều có thể khai thác được những tiềm năng, khả năng tự quản và hình thành các kĩ năng thuần thục cho các em.

Việc đánh giá kết quả và trình độ tự quản lý của lớp, uy tín và năng lực của đội ngũ cán sự.

Giáo viên chủ nhiệm có thể sử dụng các phương pháp như: Thăm dò ý kiến học sinh bằng phiếu, hỏi ý kiến của các giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn trường; quan sát các hoạt động của các em; tổng hợp các số liệu thi đua của lớp, kết quả xếp loại mỗi học sinh ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ