Tuy là mùa hè nhưng những cơn mưa dầm hay máy lạnh hoặc quá trình chăm sóc không đúng cách của mẹ có thể khiến bé bị sốt do nhiễm lạnh. Bé bị sốt đột ngột và khó hạ nhiệt, thậm chí uống thuốc lâu ngày mà vẫn còn biểu hiện ho liên tục của cảm mạo. Kỳ thực, mẹ cần nắm rõ từng giai đoạn của sốt do nhiễm lạnh ở bé, đồng thời có biện pháp ứng phó phù hợp.
Giai đoạn 1: Giai đoạn ngoại hàn
Triệu chứng
Nếu bé còn quá nhỏ sẽ không thể nói ra cảm giác của cơ thể sau khi bị nhiễm lạnh, tuy nhiên mẹ có thể quan sát và cảm nhận được từ những biểu hiện ở bé như bàn tay và bàn chân sờ vào rất lạnh, đây chính là biểu hiện cho thấy “gió hàn” đã xâm nhập đến lỗ chân long ở da.
Ngoài ra, bé sẽ chảy nước mũi. Nếu bé chảy nước mũi nhìn như nước nghĩa là lúc này yếu tố “hàn” chỉ mới xâm nhập ở mức độ nhẹ và đây là giai đoạn sơ khai nhất. Nếu nước mũi chuyển sang như lòng trắng trứng, có độ nhớt và đặc nghĩa là thời gian bé bị nhiễm hàn đã khá lâu, tuy nhiên vẫn chỉ biểu hiện ngoài cơ thể, chưa vào sâu bên trong.
Liệu pháp ẩm thực
Ở giai đoạn này, những phương pháp có thể làm ấm kinh mạch đều có thể áp dụng cho bé. Lá tía tô chính là lựa chọn lý tưởng.
Nguyên liệu: Lá tía tô (bé từ 5 tuổi trở xuống dùng 3gr, bé lớn hơn dung 6gr)
Cách làm: Lá tía tô rửa sạch, cho vào nồi, thêm 2 ly nước (loại ly uống trà), nấu sôi, sau khi sôi để lửa nhỏ thêm 3 phút thì tắt bếp.
Chú ý: Thời gian nấu không nên quá dài. trước khi dùng nên cho bé ăn một chút đồ, không nên để bụng rỗng. Uống nước lá tía tô có thể khiến bé cảm thấy người nóng lên, sau khi đổ mồ hôi thì không cần uống nữa, sau đó các triệu chứng của cảm hàn sẽ bắ đầu dần dần biến mất. Do lá tía tô giúp kích thích khí huyết, hỗ trợ khí huyết vận hành bình thường trở lại, tăng sức đề kháng, ngăn chặn gió hàn xâm nhập.
Liệu pháp dùng bên ngoài
Nguyên liệu: Lá tía tô 3 gr, kinh giới 3gr
Cách làm: Tía tô, kinh giới rửa sạch cho vào nồi, thêm 4 ly nước, nấu sôi khoảng 3 phút sao cho nước còn khoảng 7 - 8 phần thì tắt bếp. Sau đó đổ hỗn hợp đã nấu vào thau nước ấm cho bé ngâm chân, ngâm đến khi cơ thể bé đổ một chút mồ hôi là được.
Giai đoạn 2: Giai đoạn nhiệt trong ngoại hàn
Triệu chứng
Giai đoạn này, biểu hiện ngoại hàn lẫn biểu hiện nhiệt tồn tại song song. Bé vẫn bị chảy nước mũi trong suốt nhưng có xuất hiện ho có đàm màu vàng, cho thấy hàn - nhiệt trong cơ thể bé đang hỗn tạp với nhau, gọi là giai đoạn “nhiệt trong ngoại hàn”.
Liệu pháp ẩm thực
Nguyên liệu: Hai củ gừng bằng ngón tay cái, hành lá 1 – 2 tép, đường vàng
Cách làm: Gừng cắt miếng mỏng, hành lá cắt đôi, cho tất cả vào nồi, thêm một muỗng canh đường vàng và 2 ly nước, nấu sôi. Sau khi sôi để lửa nhỏ thêm 3 phút thì tắt bếp.
Liệu pháp dùng bên ngoài
Cách này chỉ thích hợp khi bé cảm thấy lạnh run, không đổ mồ hôi, tay chân lạnh, nước mũi trong, là giai đoạn gió hàn chưa chuyển tiếp sang nhiệt.
Nguyên liệu: Lá tía tô 6gr, bạch chỉ 6gr, kinh giới 6gr, hành lá lấy một đoạn gốc màu trắng.
Cách làm: Tất cả cho vào nồi nấu sôi đến khi có mùi thơm là được. Đổ ra chén, cho bé đưa mũi gần phía trên chén như cách xông mũi giải hàn.
Chú ý: Liều lượng trên thích hợp dùng cho bé trên 5 tuổi, bé từ 5 tuổi trở xuống cần giảm lượng cho thích hợp. Không nên cho bé để mũi quá gần mặt nước chén xông để tránh phỏng. Phần nước xông còn thừa có thể đổ vào nước ấm cho bé ngâm chân.
Giai đoạn 3: Giai đoạn nhiệt chuyển nặng
Triệu chứng
Sốt cao: Giai đoạn này tình trạng bé sợ lạnh bắt đầu giảm dần, tuy nhiên cơ thể lại xuất hiện triệu chứng nóng và sốt cao. Bé cảm thấy rất khát, cổ họng sưng đỏ và đau.
Đàm màu vàng, thậm chí là màu xanh: Phổi sẽ có biểu hiện khác thường rõ rệt, bé thường ho ra những cục đàm rất đặc, có màu vàng hoặc xanh.
Ho kịch liệt: Ở giai đoạn trước bé cũng có ho nhưng là do cổ họng bị kích thích gây ngứa, trong khi giai đoạn này, ho trở nên kịch liệt hơn, xuất phát từ sâu trong đường hô hấp, khi ho còn có thể bị đau ngực.
Chú ý: Giai đoạn này bạn không nên tự xử lý, tốt nhất là nên kịp thời đưa bé đến bệnh viện để được điều trị.
Giai đoạn 4: Giai đoạn lặp lại
Triệu chứng
Tuy bé không còn sốt nữa, cũng không còn những biểu hiện rõ rệt của cảm mạo, tuy nhiên bé sẽ có triệu chứng âm mũi rất nặng, nói chuyện không rõ ràng, chảy nước mũi trong. Kỳ thực, bệnh của bé vẫn chưa khỏi hẳn, nếu không xử lý tốt thì tình trạng rất dễ tái phát lại, vì vậy mà giai đoạn này được gọi là giai đoạn lặp lại, không nên lơ là.
Liệu pháp ẩm thực
Nguyên liệu: Củ mài 15gr, kê nội kim (lớp màng màu vàng phủ mặt trong của mề gà) 3gr.
Cách làm : Cho tất cả vào nồi, thêm nước nấu sôi, mỗi ngày cho bé uống 1 - 2 ly, uống liên tục 3 ngày.
Liệu pháp dùng bên ngoài
Nguyên liệu: Phòng phong, kinh giới, bạch chỉ, hoa ngọc lan, lá tía tô mỗi thứ 3gr.
Cách làm: Cho tất cả dược liệu vào nồi, thêm 2 ly nước, nấu sôi khoảng 3 phút thì tắt bếp. Sau đó đổ ra chén, cho bé khom đầu xuống cách mặt chén khoảng 20cm, hít lấy hơi bốc lên, giữ yên trong khoảng 10 phút.