Chiều cao thanh niên: Vẫn khiêm tốn

GD&TĐ - Theo mục tiêu ngành Y tế đặt ra đến năm 2030, chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ 157,5 cm. Như vậy, còn 12 năm nữa để chúng ta phấn đấu tăng chiều cao trung bình của thanh niên thêm 4 cm so với hiện tại. 4 cm là con số nhỏ bé nhưng thực sự trở thành vấn đề lớn với một quốc gia để nâng tầm vóc, thể trạng của người dân.

Chiều cao thanh niên: Vẫn khiêm tốn

Thấp, lùn kéo dài theo năm tháng

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, chiều cao của cả nam giới và nữ giới Việt Nam tăng rất ít trong nhiều năm qua và hiện nay đang thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3 cm và hiện đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, thể lực và tầm vóc của người dân còn hạn chế. Đây cũng là vấn đề khiến những người làm trong ngành đau đầu bởi sau nhiều năm thực hiện các biện pháp can thiệp vẫn không “thúc” được chiều cao thanh niên nước ta phát triển như các nước trong khu vực.

Thể lực và tầm vóc của một người là một hành trình phát triển từ khi còn trong bụng mẹ cho đến tuổi dậy thì. Nói như vậy để thấy rằng muốn trẻ lớn lên cao to khỏe mạnh thì chúng phải được chăm sóc đầy đủ, bắt đầu từ giai đoạn 1.000 ngày đầu đời cho đến những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng dinh dưỡng trẻ nước ta hiện nay sẽ thấy như bức tranh nhiều màu, tức nơi trẻ được chăm sóc quá tốt dẫn đến béo phì nhưng cũng có nơi trẻ vẫn suy dinh dưỡng cả 2 thể.

Theo kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân vẫn ở mức 13,8%. Suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung cả nước mỗi năm chỉ giảm được 1,0%; hiện vẫn còn ở mức cao chiếm 24,6% năm 2015 và có sự chênh lệch nhiều giữa các vùng miền.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi ở khu vực miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây Nguyên là 34,2%. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện như mong đợi. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%, thiếu máu là 27,8% và thiếu kẽm có tỷ lệ rất cao tới 69,4%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và thiếu kẽm tới 80,3%.

Trong khi rất nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng thì ở khu đô thị, thành phố lớn, số trẻ thừa cân, béo phì ngày một gia tăng. Năm 2015, tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ em trên toàn quốc là 5,3%, đặc biệt tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở TPHCM đã tăng gấp 3 lần trong hơn 10 năm qua từ 3,7% lên 11,5%; tỷ lệ này ở học sinh phổ thông cũng tăng gấp đôi từ 11,6% lên 21,9%.

Nhìn vào hạn chế để khắc phục

Theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Danh Tuyên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao ở trẻ em, trong đó trên 50% là do vai trò của bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực, ngoài ra là các yếu tố khác như di truyền, tâm lý, sức khỏe...

Do vậy, để cải thiện chiều cao của người Việt Nam thì cần phải có những giải pháp can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt là về dinh dưỡng trong những năm đầu đời của trẻ, dinh dưỡng và vận động thể lực cho lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì.

Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, nguồn lực cho công tác dinh dưỡng ở nước ta hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu mới chỉ tập trung cho công tác phòng chống suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Nhiều vấn đề dinh dưỡng quan trọng quyết định đến phát triển tầm vóc và thể lực của người dân như chăm sóc dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời, dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và cho con bú, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng tại các hộ gia đình… chưa được chú trọng.

Hơn nữa, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về dinh dưỡng còn hạn chế. Đa số người dân chưa có nhận thức đầy đủ về dinh dưỡng, dinh dưỡng phù hợp cho từng nhóm đối tượng, thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ trong những năm đầu đời, chưa bảo đảm bữa ăn dinh dưỡng hợp lý trong các hộ gia đình, bữa ăn học đường, bữa ăn ca cho người lao động. Mặt khác, ở một số nơi, nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm do thiên tai, bão lũ, hạn hán vẫn xảy ra thường xuyên…

Từ thực tế trên cho thấy muốn cải thiện tầm vóc, thể trạng cho thanh niên, trước hết cần quan tâm đến trẻ nhỏ. Và để trẻ phát triển đúng với khả năng của mình trước hết cần khắc phục điểm yếu của… người lớn. Đó là khả năng cung cấp dinh dưỡng, kiến thức chăm sóc nuôi dạy con cái trong mỗi gia đình. Nhìn rộng ra, là sự vận hành của cả hệ thống y tế, là sự tham gia của các địa phương trong việc tạo sân chơi cho trẻ hoạt động thể lực.

- Hiện nước ta có khoảng 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực; Hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.

- Ước tính Việt Nam hiện có 12 triệu người bị mắc tăng huyết áp và khoảng 3 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh hô hấp mạn tính và mỗi năm có trên 125.000 ca được phát hiện mắc ung thư. Nguyên nhân một phần do dinh dưỡng không hợp lý, lười vận động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ