“Chiết khấu cao” ngăn hàng Việt vào siêu thị?

GD&TĐ - Hiện, cả nước có 9.000 chợ, 800 siêu thị, 130 trung tâm thương mại và khoảng trên 4.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện ích. Hệ thống thương mại hiện đại và ngày càng phát triển. Nhưng đến nay, nhiều hàng hóa sản xuất trong nước gặp rất nhiều khó khăn khi vào hệ thống phân phối này…

Không chỉ các siêu thị, trung tâm thương mại mà ngay tại các cửa hàng tiện ích, hàng Việt cũng rất khó để chen chân
Không chỉ các siêu thị, trung tâm thương mại mà ngay tại các cửa hàng tiện ích, hàng Việt cũng rất khó để chen chân

Khó vào vì chiết khấu cao

Các chuyên gia cho rằng, hàng Việt khó chen chân vào chuỗi cung ứng bán lẻ hiện đại một phần là do chất lượng, mẫu mã kém, cũng như tính ổn định của các sản phẩm còn hạn chế. Đặc biệt, là sự lỏng lẻo trong khâu sản xuất và phân phối sản phẩm.

Tuy nhiên, một lý do quan trọng khác đang khiến hàng Việt rất khó để cạnh tranh với hàng ngoại là vì các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đưa ra mức chiết khấu khá cao, có mặt hàng lên tới 25%, dẫn tới giá bị đẩy lên cao hơn so với các mặt hàng cùng loại nhập khẩu.

Được biết, hiện chỉ 7 - 10% nông sản sạch vào được các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích. Có nghĩa vẫn còn khoảng 80 - 90% hàng hóa nông sản được bán tự do ở các chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ và những gánh hàng rong. Trong đó có đủ các loại gồm cả các sản phẩm đạt chất lượng và không đạt chất lượng.

Ông Vũ Vinh Phú – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đưa ra mức chiết khấu rất cao lên tới 25 - 30%, cùng những chi phí bất hợp lý khác. Thực tế này khiến nhiều nhà cung cấp trong nước không chịu nổi, nên nhiều mặt hàng đã phải bày bán ngoài thị trường, lẫn lộn với hàng hóa không đạt tiêu chuẩn, chất lượng.

“Không ít siêu thị có doanh số bán lớn, đã tự đưa ra quyền quyết định mức phần trăm khiến nhiều doanh nghiệp cung ứng nội không chịu nổi. Chẳng hạn có 10 đơn vị cung ứng vào siêu thị, nhưng chỉ có 2 - 3 đơn vị được chọn, chịu chi tiền hoa hồng cao. Thậm chí khi đã bán hết hàng, nhưng siêu thị vẫn biện đủ mọi lý do để không thanh toán tiền cho nhà cung ứng, nhằm chiếm vốn…” – ông Phú nói.

“Nút thắt” cần tháo

Ông Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ các ngành nghề nông thôn cho rằng, “nút thắt” lớn nhất đối của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tiếp cận với các hệ thống phân phối bán lẻ, siêu thị hiện đại chính là chiết khấu quá cao (15 – 25%), nên buộc phải đẩy giá cao hơn so với bên ngoài từ 10 - 30% mới có thể bảo đảm được lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với việc làm suy giảm sức cạnh tranh của hàng Việt, do đó rất khó để cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác, điển hình như hàng Thái Lan, Trung Quốc...

Nói về bất cập trong việc đưa hàng Việt vào siêu thị, ông Phú cho rằng, mấu chốt của vấn đề vẫn là triết khấu, chia sẻ kinh tế, thương mại công bằng giữa người mua và người bán, giữa sản xuất và phân phối. Những vấn đề này còn rất nhiều việc phải bàn, đặc biệt là khâu phân phối, bán lẻ nhằm tránh lũng loạn ngành bán lẻ.

Theo ông Quang, để hàng Việt vào nhiều hơn tại các siêu thị trước tiên cần gỡ “nút thắt” trong khâu phân phối hàng hóa, đặc biệt phải có quy chế quản lý cụ thể, rõ ràng ở khâu này. Trong báo cáo của Chính phủ mới đây cũng đã yêu cầu rất rõ ràng, cần phải phát huy vai trò của trị trường trong nước như một động lực phát triển kinh tế, không thể để tình trạng lũng loạn thị trường bán lẻ, làm ảnh hưởng tới sự phát triển sản xuất của người dân và doanh nghiệp...

“Có một nghịch lý, trong quá trình đưa hàng vào siêu thị luôn vướng phải nạn “xin - cho”. Kể cả người đứng đầu hệ thống siêu thị có đồng ý đi chăng nữa, nhưng khi đến nhân viên doanh nghiệp lại bị làm khó. Cùng một sản phẩm nhưng doanh nghiệp này có thể đưa vào được, nhưng doanh nghiệp khác lại bị làm khó với những tiêu chí rất ngặt nghèo. Đã thế, để đưa được hàng vào siêu thị thì doanh nghiệp cung ứng phải chi khoản kinh phí hoa hồng rất cao - chiếm tới 30% doanh thu bán hàng...” - ông Quang cho biết.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Quy mô của thị trường bán lẻ hiện đại dự báo sẽ vào khoảng 180 tỷ USD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.