Chiến tranh mạng: Vũ khí mới của nước nhỏ

Đơn vị chiến tranh mạng của Triều Tiên có thể chỉ khoảng 1.000 người nhưng vẫn làm nên chuyện

Chiến tranh mạng: Vũ khí mới của nước nhỏ

“Chiến tranh mạng trở thành lựa chọn tuyệt vời thay cho vũ khí thông thường” - bà Amy Chang, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu về an ninh mới (Mỹ), nhận định. 

Theo lập luận của bà Chang, đối với các nước nhỏ, chiến tranh mạng ít tốn kém và dễ tiếp cận hơn. Các nước này có thể tung chiêu mà vẫn hạn chế được rủi ro bị bắt hoặc không phải gánh chịu hậu quả nặng nề nếu bị quy trách nhiệm.
Hàn Quốc thường cáo buộc Triều Tiên tấn công các hệ thống máy tính của mìnhẢnh: AP
Hàn Quốc thường cáo buộc Triều Tiên tấn công các hệ thống máy tính của mìnhẢnh: AP

Đơn cử như những lùm xùm quanh chuyện Triều Tiên bị cáo buộc tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony Pictures của Mỹ. Từ vụ đó, giới truyền thông hé lộ Bình Nhưỡng có khoảng 1.800 “chiến binh mạng”, một con số không nhỏ so với dân số 24,9 triệu người. 

Theo giới chuyên gia, có thể mất đến 1 năm để những kẻ tấn công hãng Sony Pictures hoàn thành nhiệm vụ. Với tin tặc là bọn tội phạm thông thường muốn trục lợi thì đây không phải là một khoản đầu tư khôn ngoan. 

Tuy nhiên, nếu tin tặc thật sự đến từ Triều Tiên thì tiền bạc không phải là mục tiêu. “Đối với Triều Tiên, sứ mệnh có thể đã hoàn thành khi Sony Pictures hoãn công chiếu bộ phim The Interview có nội dụng ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un” - ông Martin Libicki, một chuyên gia của tổ chức phi lợi nhuận Rand Corporation, nói.

Theo tạp chí Fortune, có nhiều lý do để một quốc gia nhỏ hoặc tổ chức phi chính phủ theo đuổi chiến tranh mạng. Ông Libicki giải thích: “Không cần phải đầu tư quá nhiều tiền của vào chiến tranh mạng. Đó là vấn đề con người, không phải tiền bạc. Đơn vị chiến tranh mạng của Triều Tiên có thể chỉ khoảng 1.000 người nhưng vẫn làm nên chuyện”.

Ngoài việc thay thế các loại vũ khí thông thường, một số nước nhỏ xem chiến tranh mạng là phương tiện thu thập công nghệ tiên tiến của các nước, bất kể là ứng dụng cho thương mại hay quân sự. Ông Libicki cho biết thêm: “Triều Tiên thiếu cơ sở hạ tầng để hỗ trợ ngành công nghiệp máy tính hoặc thậm chí là một chương trình giáo dục khoa học máy tính. Thế tại sao lại phải cố công phát triển công nghệ vũ khí tiên tiến khi có thể đánh cắp nó?”. 

Hơn nữa, sự phổ biến của internet giúp giao tiếp ngày một dễ dàng, từ đó tạo điều kiện cho các nhóm cực đoan hoặc tin tặc thực hiện những vụ tấn công quy mô lớn trên mạng. “Chúng ta cần suy nghĩ về cách thức các tổ chức, như Nhà nước Hồi giáo (IS), sử dụng công cụ truyền thông xã hội để giao tiếp” - bà Chang đặt vấn đề.

Dĩ nhiên, chiến tranh mạng không chỉ cuốn hút các nước nhỏ mà cả nước lớn. Theo các nghiên cứu tình báo gần đây, hơn 140 quốc gia có chương trình phát triển vũ khí mạng ở các cấp độ khác nhau. Tại Mỹ, Cơ quan Dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc đầu tư 110 triệu USD cho dự án có tên “Plan X” (Kế hoạch X) trong năm 2012, với mục tiêu tận dụng sức mạnh điện toán để nâng cao hiệu quả chiến tranh mạng.

Mỹ cân nhắc đáp trả Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 21-12 cho biết đang cân nhắc đưa Triều Tiên trở lại danh sách những nước bị Washington xem là tài trợ khủng bố sau vụ tấn công mạng hãng phim Sony Pictures.

Đáp lại, Bình Nhưỡng tiếp tục bác bỏ sự liên quan đến vụ tấn công, đồng thời dọa sẽ cho “nổ tung Nhà Trắng và tấn công các mục tiêu khác của Mỹ nếu bị trừng phạt”.

Trả lời phỏng vấn đài CNN, ông Obama nhận định: “Tôi không nghĩ đó là một hành động chiến tranh mà là một cuộc tấn công mạng gây thiệt hại lớn. Mỹ xem đây là một vụ việc nghiêm trọng”. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cam kết sẽ đáp trả tương xứng “hành động phá hoại” nhằm vào một hãng phim của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống George W. Bush đã xóa tên Triều Tiên khỏi danh sách “tài trợ khủng bố” trong quá trình thương thảo hạt nhân năm 2008. Đưa Bình Nhưỡng trở lại danh sách này không phải chuyện dễ. Trước hết, Bộ Ngoại giao Mỹ phải kết luận Triều Tiên “thường xuyên ủng hộ các hoạt động khủng bố quốc tế”, một định nghĩa dùng để chỉ các vụ tấn công bạo lực ngoài đời chứ không phải trên mạng.

Đề cập vụ việc trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22-12 tuyên bố Bắc Kinh phản đối mọi hình thức tấn công và chủ nghĩa khủng bố trên mạng nhưng không đề cập đến lời kêu gọi đối phó Triều Tiên của Mỹ. 

Cùng ngày, Công ty Thủy điện và Điện Hạt nhân Hàn Quốc (KHNP), đơn vị điều hành các nhà máy hạt nhân ở Hàn Quốc, cho biết hệ thống máy tính của họ đã bị xâm nhập nhưng không có dữ liệu quan trọng nào bị mất cắp. 


Theo Người Lao động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ