Chiến thắng của Marine Le Pen đe dọa cả châu Âu

GD&TĐ - Cuộc bầu cử địa phương (vòng 1) ở Pháp vừa kết thúc với thắng lợi vang dội của phe cánh hữu, trong đó, Mặt trận quốc gia cực hữu (FN) của Marine Le Pen đã giành được 25,19% phiếu bầu.

Lãnh tụ FN Marine Le Pen
Lãnh tụ FN Marine Le Pen

Bà Marine Le Pen đang trở thành ứng cử viên Tổng thống sáng giá

trong cuộc bầu cử sắp tới ở Pháp, trở thành “mối đe dọa” với cả châu Âu.

Chiến thắng vang dội của Le Pen

Có thể nói FN không phải là tổ chức chính trị có tiếng trên chính trường nước Pháp. Tuy nhiên, với 25,19% phiếu bầu mà tổ chức này giành được tại vòng 1 của cuộc bầu cử địa phương ở Pháp thì quả là một thắng lợi lớn.

Thắng lợi của FN đã xóa đi tiền lệ vốn lâu đời ở Pháp rằng trong tất cả các cuộc bầu cử đều là cuộc đua giữa hai đảng phái chính - UMP trung hữu và PS cánh tả.

“Chúng tôi là những người chiến thắng duy nhất của vòng đầu tiên” - Marine Le Pen - lãnh tụ FN trịnh trọng tuyên bố khi giành được 25,19% phiếu bầu.

Điều làm dư luận đặc biệt chú ý là FN đã dẫn đầu tại 43 trong tổng số 98 tỉnh của nước Pháp - một con số kỷ lục từ trước tới nay, khẳng định sự trỗi dậy mạnh mẽ của phái cực hữu.

Chiến thắng của FN đã đẩy phe cánh tả cầm quyền xuống vị trí thứ 3 với 24% phiếu bầu - một thất bại nặng nề chứng tỏ chính quyền của Tổng thống Fancois Hollande và Thủ tướng Manuel Valls đang mất uy tín nghiêm trọng.

Thời gian gần đây, người Pháp tỏ ra chán chường với các chương trình hành động kém hiệu quả của chính phủ. Kinh tế nước Pháp tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, các vấn đề xã hội an ninh yếu kém đang là nỗi lo của đa số người dân nước Pháp.

Theo các nhà phân tích, thắng lợi của FN còn liên quan đến sự đối đầu giữa các đảng phái chính ở Pháp. Với cánh tả, đảng Xã hội cầm quyền và đảng Xanh, đảng Cộng sản bị chia rẽ nghiêm trọng.

Vòng 2 cuộc bầu cử sẽ được tiến hành vào ngày 29/3 tới. Với kết quả khả quan ở vòng 1, Marine Le Pen đang tràn đầy hy vọng vào chiến thắng của FN ở vòng 2.

Cả châu Âu lo lắng

Chiến thắng vang dội của FN tại vòng 1 cuộc bầu cử địa phương ở Pháp đã làm cả châu Âu lo lắng. Đảng FN của Le Pen là lực lượng cánh hữu cực đoan nhưng lại sử dụng ý tưởng của cánh tả qua các bài phát biểu bốc lửa chống lại chủ nghĩa tư bản, chống lại
chủ nghĩa tự do cực đoan.

Tất cả những ý tưởng như mở cửa biên giới, thương mại tự do, cạnh tranh, đồng tiền chung... đều bị Le Pen phản đối.

Không ít lần Le Pen lên án chính sách thắt lưng buộc bụng của Brussels, coi đó là hành động đẩy người dân châu Âu vào cảnh đói nghèo.

Bằng tất cả sự giận dữ, Le Pen hướng về Berlin - bá chủ mới
của châu Âu - người theo Le Pen là được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng vừa rồi.

Ở Hy Lạp và bán đảo Iberia, phe cánh tả cấp tiến tiến hành chiến dịch vận động tẩy chay người Đức. Hình ảnh của Angela Merkel ở những nơi đó được coi là biểu tượng của kẻ thù.

Theo Le Pen thì EU hôm nay chỉ phục vụ cho lợi ích của Berlin. Ý tưởng chống lại chính sách áp đặt thời khủng hoảng của người Đức do Le Pen khởi xướng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều tầng lớp nhân dân ở Nam Âu. Tất nhiên, Berlin và Brussels có những sai lầm nhất định trong giải quyết khủng hoảng ở Eurozone.

Tuy nhiên, sau scandal mang tên Hy Lạp, chính sách “thắt lưng buộc bụng” đã đi vào liều lượng, thay vào đó là chương trình kích thích kinh tế mạnh mẽ bằng các khoản đầu tư của Đức.

Theo các nhà phân tích, giấc mơ của FN và Le Pen là tạo ra một “bố già nhà nước toàn năng”, trong đó lương tối thiểu là 1.500 euro, nghỉ hưu ở tuổi 60, xăng rẻ hơn so với hiện tại...

Và điều quan trọng nhất là chính sách khốc liệt với dân nhập cư bất hợp pháp, hàng hóa nhập khẩu sẽ chịu thuế 3% và mục đích cuối cùng là ra khỏi Eurozone.

Chính vì vậy, theo các nhà phân tích, nếu Marine Le Pen tiếp tục giành chiến thắng ở vòng 2 cuộc bầu cử sắp tới, trở thành Tổng thống của nước Pháp thì rất có thể EU sẽ bị tan rã.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ