Chiến thắng bản thân tạo dựng hạnh phúc

Chiến thắng bản thân tạo dựng hạnh phúc

(GD&TĐ) - Trở về từ chiến trường nước bạn Campuchia, anh chỉ còn lại một chân và đôi tay mất cả  2 bàn. Không ít người cho rằng cuộc sống và tương lai của anh rồi sẽ đi vào ngõ cụt…. Nhưng rồi bằng nghị lực của người lính, bằng sức mạnh của tình yêu và hạnh phúc  gia đình đã giúp cho anh thương binh ¼ vượt qua những nỗi đau và trở ngại của thương tật để tạo lập cuộc sống, xây dựng tương lai. Hơn 20 năm dài “đấu tranh” với tấm thân tàn, anh đã làm được tất cả những điều mà nhiều người đã cho rằng là không tưởng… Gương điển hình vượt khó của anh thương binh ¼ Thạch Thanh, ở ấp Bưng Túc, xã Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã làm xúc động lòng người.

Thạch Thanh sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Bưng Túc. Cũng như bao thanh niên khác (lúc bấy giờ), năm 19 tuổi Thạch Thanh  tình nguyện lên đường đi làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Năm 1986, trong một trận càn quét ở Vườn Cam (Campuchia), anh không may bị thương mất đi một chân phải và đôi bàn tay, phải rời quân ngũ với tỷ lệ thương tật ¼.

Anh Thạch Thanh bên những gốc dừa ẻo của mình
Anh Thạch Thanh bên những gốc dừa ẻo của mình

Trở về quê nhà trong hoàn cảnh cha mẹ tuổi già, sức yếu, kinh tế gia đình thiếu trước hụt sau…. có lúc Thạch Thanh bi quan với cuộc sống. Anh kể: “ đôi lúc tôi đã nghĩ quẫn là bỏ mặc cho đời mình ra sao. Nhưng nghĩ đến cha già đang lo lắng, mình không thể làm con bất hiếu nên tự an ủi mình mà phấn chấn trở lại để vượt qua mặc cảm về khuyết tật của thân thể”. Với suy nghĩ đó, anh bắt đầu thực hiện cuộc sống “ Tàn mà không phế”. Anh bắt đầu  bằng tự thân làm những công việc sinh hoạt cá nhân thường ngày như tự  ăn uống, tắm, giặt, vệ sinh… nhìn thấy anh về như đứa trẻ lên 2 lên 3, nhiều người đã vô tâm nói rằng: “ Tự lo cho bản thân còn không xong thì nói gì đến chuyện lo cho người khác”. Bỏ tất cả những lời nói ấy ngoài tai, anh vẫn cố gắng ngày ngày tập luyện. Bằng đôi tay không bàn và một chân còn lại anh cứ khập khểnh ra đồng vụng về làm cỏ;  ngã nghiêng dậm lúa, xịt thuốc trừ sâu…..giúp cha mẹ già. 

Những tháng phấn đấu để vượt lên chính mình cứ thế lặng lẽ trôi qua,  mãi cho đến một ngày mà theo Thạch Thanh là dù cho đến cuối đời anh cũng không thể nào quên. Đó là tình yêu đầu đời của một người con gái đã dành hết sự thương yêu, vượt qua những rào cản gia đình và dư luận “ búa rìu” để đến với anh chàng thương binh ¼ . Năm 1991, một người con gái tuổi hai mươi tên Lý Thị Tố Phương, ở phường 3, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) trong một lần theo chị ruột của về thăm quê ấp Bưng Túc và tình cờ chứng kiến những việc anh làm lòng chị càng cảm thấy mến phục. Chị cảm nhận được ở chàng trai thân hình không trọn vẹn ấy chứa đựng một khát vọng sống mạnh liệt. Tuy ở anh thiếu đôi bàn tay, mất đi một chân, nhưng tâm hồn và nghị lực trong anh luôn trong sáng và vững chắc. Từ lòng mến phục, trái tim của của người con gái tuổi đang xuân dần theo thời gian “hòa nhịp tình yêu”. Chị yêu anh chân thành và một năm sau đó chị chính thức làm cô dâu về làng quê Bưng Túc. 

Hạnh phúc mới của thương binh 1/4 Thạch Thanh đầm ấm trong một  mái nhà tình nghĩa được Nhà nước xây tặng lúc anh xuất ngũ và một công ruộng, ba công vườn được cha mẹ chia phần. Tình yêu của vợ đã giúp cho anh thêm nghị lực vượt khó và nhiều hơn nữa khi đứa con trai đầu lòng chào đời. Anh cố gắng miệt mài khai thác mãnh vườn, thửa ruộng: 3 công vườn được anh đào ao lên liếp trồng cam, quít và nuôi cá, trồng rau xanh…. để lấy ngắn nuôi dài. Đêm đêm với đôi tay khiếm khuyết của mình, anh chèo xuồng thả lưới, đặt lợp… nuôi chí thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. “ Đồng vợ, đồng chồng tát bể Đông cũng cạn”, nên vài năm sau mãnh vườn cam, quít của gia đình anh bắt đầu đem lại hiệu quả, cho thu hoạch hằng năm gần 30 triệu đồng. 

Những tưởng hạnh phúc cứ thế trôi qua êm ả, đến năm 2006, do ảnh hưởng nền kinh tế lạm phát toàn cầu, vườn cam, quít của anh cũng không mang lại thu nhập, căn nhà Tình nghĩa hôm nào cũng xuống cấp. Qua các kênh thông tin đại chúng và tìm hiểu các tài liệu chuyển đổi cơ cấu cây trồng cùng với nhu cầu thị hiếu hiện nay. Anh Thạch Thanh lại bắt tay vào cải tạo 3 công vườn để trồng 400 gốc dừa xiêm và dừa ẻo. Qua 3 năm chăm sóc, dừa đã cho thu nhập gần 4 triệu đồng/ tháng. Năm 2010, cùng với sự hỗ trợ Chương trình 167 và anh góp thêm xây dựng được căn nhà tường rất khang trang.

Giờ đây, cuộc sống gia đình anh Thạch Thanh thật đầm ấm và hạnh phúc. Và càng hạnh phúc hơn khi anh chị nhìn thấy 02 đứa con học giỏi, ngoan hiền. Hiện nay, con trai lớn là Thạch Lý Hải đang học năm đầu tiên của trường Sỹ quan Lục quân 2, con gái út là học sinh giỏi của trường Tiểu học Kế Thành (huyện Kế Sách). Đó là thành quả của những năm tháng phấn đấu bằng ý chí người lính để minh chứng cho tấm thân tàn nhưng không phế của mình. Anh xứng đáng là lính “ Bộ đội Cụ Hồ”.

Kherming

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.