Facebook - công cụ hỗ trợ đắc lực của nhà trường
TS Nguyễn Thị Thanh Hương – phân tích: Trong bối cảnh khoa học công nghệ có những bước tiến vượt bậc và có những ứng dụng trên toàn thế giới hiện nay, nhiệm vụ của chúng ta không phải là gạt bỏ công nghệ để tránh những rủi ro do nó mang lại mà chúng ta phải tìm cách nắm bắt công nghệ và sử dụng chúng hiệu quả nhất có thể, khi đa phần các giảng viên, cán bộ công nhân viên trong các trường đại học ở Việt Nam đều có tài khoản và sử dụng tài khoản facebook, thì tất yếu các trường đại học phải dùng faccbook như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động của mình.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh Hương, trang facebook của mỗi trường đại học phải trở thành kênh quảng bá thương hiệu của mỗi trường đại học.
Mặc dù các website truyền thống vẫn tồn tại và có những ưu điểm nhất định. Song với những tính năng ưu việt và mức độ bao phủ rộng khắp, facebook nên là mũi nhọn trong chiến lược mạng xã hội và marketing của ác trường đại học.
Từ đấy, người theo dõi có thể tìm hiểu về lịch sử của trường đại học, những thành tựu nổi bật, những hoạt động bề nổi, những thông tin về công tác tuyển sinh. Đồng thời, đặt câu hỏi đưa ra các vấn đề để admin phản hồi.
“Facebook của trường, các phòng ban và các khoa phải trở thành môi trường học tập, rèn luyện hiệu quả của sinh viên bên cạnh việc học tập chính khoá trên giảng đường.
Những trang này khi được thiết lập và công bố phải đảm bảo sự tin cậy từ phía admin Facebook của phòng Đào tạo sẽ đăng tải các thông tin liên quan đến công tác tuyển sinh thời khoá biểu, đăng ký học...” - TS Nguyễn Thị Thanh Hương trao đổi.
Ảnh minh họa/internet |
Cần có sự kiểm soát và thống nhất từ trên xuống dưới
Cũng theo TS Nguyễn Thị Thanh Hương, facebook của phòng Công tác học sinh - sinh viên cần đăng các thông tin liên quan đến học bổng, chế độ chính sách cho sinh viên, cơ hội việc làm các chương trinh giao lưu ngoại khoá...
Các khoa sẽ đưa thông tin về các chương trình học của khoa, các bài học hỗ trợ, các tài liệu liên quan đên giáo dục kỹ năng mềm, đặc biệt ban đầu chính là kỹ năng sử dụng facebook hiệu quả đối với sinh viên...
“Với nhiều kênh theo dõi như vậy, sinh viên và cán bộ, giảng viên có thể nhanh chóng, kịp thời nắm bắt các thông tin, có sự trao đổi từ nhiều góc độ, từ đó có sự cải thiện về cách thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục nói chung.
Tuy nhiên, các thông tin đăng tải đều cần có sự kiểm soát và thống nhất từ trên xuống dưới, tránh gây nhiễu thông tin cho người học.
Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến bảo mật tài khoản, cập nhật liên tục các công nghệ mới nhất để đảm bảo tính chính thống của Facebook luôn phải được quan tâm” - TS Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh, đồng thời khuyến cáo:
Các chủ tài khoản facebook là cán bộ quản lý cũng cần sử dụng facebook như một kênh hiệu quả trong thực hiện công tác quản lý của mình.
Với số lượng người theo dõi lớn và phần nhiều là sinh viên và cán bộ, giảng viên, trang facebook cá nhân cũng cần có một số nguyên tắc nhất định như sử dụng tài khoản chính danh, trau chuốt bài viết ở một mức độ chuyên nghiệp nhất định, thể hiện bản thân và quan tâm đến các mối quan hệ có thể thúc đẩy sự phát triển của đơn vị, giữ cho trang cá nhân “sạch” bằng các công cụ chặn bình luận có nội dung thiếu văn hoá, gắn thẻ không báo trước..
"Theo thống kê mới nhất vào 7/2017, Facebook đã cán mốc 2 tỷ người sử dụng. Xu thế toàn cầu là sự phổ biến không ngừng của các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, chính vì vậy chúng ta không thể đi ngược hay kìm hãm xu thế đó, mà chỉ có thể nắm bắt để sử dụng hiệu quả nhất phục vụ cho sử phát triển của bản thân, của đơn vị và toàn xã hội. Đây chỉ là khía cạnh rất nhỏ trong cuộc cách mạng, đó là việc sử dụng thành tựu của khoa học công nghệ để đi tắt, đón đầu, nắm bắt những cơ hội, vượt qua thách thức thông qua việc sử dụng facebook. Vấn đề đầu tiên chính là mỗi trường đại học phải cỏ những thay đổi nhất định về tư duy, cần gạt bỏ tâm lý e ngại, từ đó nắm bắt công nghệ và sử dụng facebook như một công cụ hiệu quả, nhất là trong việc hỗ trợ công tác quản lý" - TS Nguyễn Thị Thanh Hương.