Chiến khu xưa rực rỡ cờ hoa mừng ngày đại thắng

Chiến khu xưa rực rỡ cờ hoa mừng ngày đại thắng

Hồi sinh vùng đất bom cày, đạn xới

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các xã Hòa Tú (nay là Hòa Tú 1, Hòa Tú 2), Gia Hòa (nay là Gia Hòa 1, Gia Hòa 2), Ngọc Đông, Ngọc Tố của huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) là các xã cù lao, là vùng căn cứ kháng chiến của huyện ủy Mỹ Xuyên, của tỉnh ủy Sóc Trăng. Nơi đây luôn bị giặc càn quét, ruồng bố, tàn phá vô cùng ác liệt. Gần như mỗi tấc đất ở đây đều bị bom đạn kẻ thù tàn phá; mỗi tấc đất ở đây đều thấm máu của những người con của quê hương đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu với quân thù.

Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, quân và dân các xã vùng căn cứ này luôn đoàn kết nhất trí, phát huy truyền thống kiên cường bất khuất, chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc. Đến nay, cuộc sống của đồng bào nơi đây đã đổi thay, hộ nghèo giảm, hộ khá giàu tăng nhanh. Các xã nay đều là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chiến khu xưa rực rỡ cờ hoa mừng ngày đại thắng ảnh 1
Học sinh ở xã Gia Hòa 2 đến trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết: “Huyện Mỹ Xuyên có 6 xã gồm Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Gia Hòa 1, Gia Hòa 2, Ngọc Đông và Ngọc Tố nằm bao bọc giữa những dòng sông, hình thành các xã thuộc cù lao bốn bề sông nước. Đây cũng là vùng căn cứ của huyện, của tỉnh trong thời kỳ kháng chiến. Từ sau ngày giải phóng Miền Nam đến nay, đời sống của người dân ở các xã này đã thay đổi rất nhiều. Bộ mặt nông thôn khang trang, cuộc sống của người dân vươn lên ổn định nhiều so với trước 1975”.

Ông Lê Văn Khang, ấp Bình Hòa (xã Gia Hòa 2) bồi hồi nhờ lại: Thời kỳ kháng chiến, là xã căn cứ nên giặc tàn phá vùng đất này rất ác liệt, bom cày đạn xới, không có chỗ nào là không bị tàn phá. Vì thế, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Hệ thống đường sá là đường đất còn xập xệ, tạm bợ, chủ yếu là đi đường thủy; điện thì chưa có, trường trạm còn thiếu; sản xuất chủ yếu là trồng lúa nhưng chỉ làm một vụ một năm, năng suất thấp, tiếng là vùng đất lúa nhưng tình trạng thiếu ăn vẫn nghiêm trọng. Nhưng, với tinh thần vượt khó, nhân dân các xã đã vươn lên, tham gia xây dựng nông thôn ngày càng phát triển, diện mạo quê hương đã thay đổi rất nhiều, đời sống người dân đã đầy đủ hơn rất nhiều.

Bí thư Đảng ủy xã Gia Hòa 1 Lâm Hoàng Sơn cho biết: “So với những năm đầu giả phóng và những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay diện mạo nông thôn xã Gia Hòa 1 đã khởi sắc. Hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, điện - đường - trường - trạm - cầu cống - hệ thống thủy lọi đã hoàn chỉnh, phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống người dân.

Các mô hình sản xuất như một vụ lúa - một vụ tôm kết hợp với trồng cỏ trên bờ bao, mô hình nuôi bò, trồng màu dưới chân ruộng, nuôi gà thả vườn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống người dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 47,5 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,07%. Có thể nói sự đổi thay rất nhanh chóng, nhanh đến mức người ở địa phương đi xa nhiều năm nay trở về không nhận ra được cảnh cũ ngày xưa như thế nào nữa”.

Đồng lòng xây dựng quê hương

Ông Nguyễn Thanh Vân, ấp Long Hòa, xã Gia Hòa 1 vui vẻ cho biết: “Bộ mặt nông thôn xã Gia Hòa 1 bây giờ thay đổi nhiều lắm rồi. Có thể nói hộ nghèo hiện nay khấm khá hơn hộ khá của những năm sau ngày giải phóng. Bây giờ hết cảnh chạy gạo ăn từng bữa, không còn cảnh đi cả ngày mới lên tới trung tâm huyện, trung tâm tỉnh vì đường giao thông to rộng, chất lượng tốt đã nối liền các ấp, các xã với nhau, cầu mới đã thay cho phà. Trường học có đủ các cấp học, trạm y tế khang trang, đầy đủ thiết bị khám chữa bệnh, đời sống người dân về vật chất lẫn tinh thần đã nâng cao rõ rệt”.

Chiến khu xưa rực rỡ cờ hoa mừng ngày đại thắng ảnh 2
Trường học khang trang ở xã Gia Hòa 2.

Đến xã Gia Hòa 2, xã đầu tiên được công nhận nông thôn mới theo chuẩn mới của tỉnh Sóc Trăng, ông Lê văn An, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm trước, tình hình kinh tế - xã hội của Gia Hòa 2 chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục, y tế, điện… chưa được đầu tư đúng mức; tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chiếm trên 20%. Nhưng ngày nay, Gia Hòa 2 đã thay da đổi thịt rất nhiều.

Năm 2019, sản lượng lúa của nông dân trong xã đạt 8.556 tấn, lợi nhuận trồng lúa đạt 19 triệu đồng/ha. Diện tích nuôi thủy sản trên 2.010ha, sản lượng thủy sản đạt 3.215 tấn, lợi nhuận từ nguồn này đạt 90 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 40 triệu/năm; tỉ lệ hộ nghèo còn 1,47%.

Ở xã Hòa Tú 1, nơi có trên 95% diện tích đất canh tác bị nhiễm phèn mặn, sản xuất chỉ độc canh cây lúa; mặt bằng dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Nhưng đến nay kinh tế xã hội đã ổn định, nhiều mô hình sản xuất như tôm - lúa, trồng màu, chăn nuôi… đã cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 51 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,58%. So với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 10%, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn gấp đôi.

Đặc biệt, thời điểm này, khu hành chính mới của huyện Mỹ Xuyên đang được khẩn trương xây dựng tại xã Hòa Tú 1, cùng với đó là các công trình kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa - xã hội phục vụ đời sống dân sinh. Trong tương lai, xã Hòa Tú 1 sẽ trở thành thị trấn và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Mỹ Xuyên.

Ngày 30/4/2020, trở lại vùng đất 6 xã cù lao, vùng căn cứ xưa của huyện Mỹ Xuyên, trên các tuyến đường đều rực cờ hoa đón mừng kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Bí thư Đảng ủy xã Gia Hòa 1 Lâm Hoàng Sơn phấn khởi: “Với người dân xã Gia Hòa 1 chúng tôi nói riêng, của các xã vùng căn cứ của huyện nói chung, ngày 30/4 là ngày hội lớn. Những ngày này, nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc, các tuyến đường đã được trồng rất nhiều loại hoa khiến cho nhiều người đi về đây đều nhớ tới câu hát “Ôi ta đang đi giữa rừng hoa hay ta đi giữa rừng cờ” của tác giả Xuân Hồng. Bây giờ ở đây là rừng cờ rừng hoa đang đón chào ngày hội lớn của non sông, của dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ