(GD&TĐ) - Trên dải đất hình chữ S này, ở đâu có tuyến biên giới, ở đó có sự hiện diện của người chiến sĩ biên phòng với màu áo xanh thân thuộc. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trong thời bình, những người lính đó còn tích cực giúp dân sinh, đặc biệt là phối hợp với các lực lượng chức năng khác trong phòng chống tội phạm xuyên biên giới (buôn bán ma túy, tiền giả, phụ nữ trẻ em, xuất nhập cảnh trái phép...).
Nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, phóng viên Báo GD-TĐ đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Ngô Văn Vũ, Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn về những “chiến công” thầm lặng của chiến sĩ biên phòng nơi đây.
BĐBP Lạng Sơn giúp dân xây dựng nhà Đại đoàn kết |
Biên phòng không có nghĩa chỉ là “giữ đất”
“Sau khi thực hiện việc phân giới cắm mốc, tình hình an ninh biên giới đã ổn định. Chính phủ có chủ trương làm đường tuần tra biên giới, di dân đến khu vực giáp biên nên tình trạng xâm canh, xâm cư gần như không còn. Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh có cơ chế phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ biên cương tổ quốc”, Đại tá Ngô Văn Vũ cho biết.
Quả thật, Nghị định thư Phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc và các Hiệp định liên quan chính thức có hiệu lực là thuận lợi cơ bản cho BĐBP Lạng Sơn nói riêng và lực lượng BĐBP trên toàn quốc trong việc thực thi nhiệm vụ.
Thuận lợi là như vậy, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liên quan đến chính trị, hình sự, ma tuý, tiền giả, mua bán phụ nữ trẻ em qua biên giới, xuất nhập cảnh trái phép gắn với buôn lậu… vẫn diễn biến phức tạp.
Trước tình hình trên, ĐH đại biểu lần thứ XXIII Đảng bộ Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm tới: Triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, nâng cao chất lượng công tác nắm giữ, dự báo tình hình, đặc biệt ở những khu vực trọng điểm với mục tiêu không để xảy ra đối đầu căng thẳng; Tăng cường quan hệ phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn để giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến lưu thông biên giới. Với quan điểm vừa hợp tác vừa đấu , ngoài việc thực hiện tốt thoả thuận đã ký, duy trì và nâng cao các cuộc hội đàm định kỳ, BĐBP còn tham mưu cho địa phương đẩy mạnh ngoại giao nhân dân…
Bảo vệ biên cươnng không thể không có sự sát cánh của người dân đối với lực lượng; và không có gì hữu hiệu bằng việc nâng cao đời sống người dân trên các tuyến biên giới này. BĐBP Lạng Sơn đã thực hiện một cách thiết thực nhất bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, đó là tham mưu cho tỉnh xây dựng vùng biên vững mạnh.
Sau 10 năm thực hiện dự án trồng rừng gắn với việc giao đoạn đường biên cột mốc cho các hộ gia đình quản lý, bảo vệ, đến nay đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt; các đường biên cột mốc vì thế cũng được người dân bảo vệ như tài sản của gia đình. Ngoài ra, BĐBP còn vận động nhân dân quyên góp tiền, công sức làm đường giao thông nông thôn, các công trình dân sinh phục vụ đời sống nên các hộ gia đình thuộc diện di dân ra sát đường biên yên tâm với cuộc sống của mình.
Đại tá Ngô Văn Vũ |
“Khắc tinh” của tội phạm chốn biên cương
Không phải là lực lượng duy nhất, nhưng có thể nói ở bất kỳ tuyến biên giới nào, BĐBP vẫn là lực lượng chủ lực nhất trong việc đấu tranh trên mặt trận phòng chống tội phạm, nhất là trên tuyến biên giới giao thương phức tạp như Lạng Sơn.
Chỉ tính riêng về tội phạm ma tuý, cho đến ngày 15/12, BĐBP Lạng Sơn đã bắt giữ được 11 vụ (14 đối tượng) thu 383,887 g herôin, 81.000 NDT (trong đó phối hợp với công an bắt 3 vụ/4 đối tượng thu 8 bánh hêrôin). “Phương thức hoạt động chủ yếu là các đối tượng người TQ móc nối với người Việt cư trú ở khu vực biên giới tìm mua ở nội địa rồi chuyển qua biên giới khi có điều kiện thuận lợi. Loại ma tuý mua bán vận chuyển qua biên giới từ VN sang TQ chủ yếu là herôin, người lại từ TQ về VN là ma tuý tổng hợp…”. Đó là những thông tin “trinh sát” mà Đại tá Ngô Văn Vũ “tiết lộ” với chúng tôi.
Bên cạnh tội phạm ma tuý thì tội phạm buôn người và… buôn lậu cũng là rất “nóng” ở tuyến biên giới Lạng Sơn trong nhiều năm qua. Trong năm 2010, BĐBP tỉnh đã bắt được 4 vụ/5 đối tượng mua bán người và giải cứu thành công cho 5 nạn nhân. Về tình hình buôn lậu, tính đến 30/11, BĐBP tỉnh bắt 260 vụ, trong đó 93 vụ hàng hoá đã định giá với giá trị ước tính 987.500.000đ gồm đồ gia dụng, 141 vụ hàng hoá không định giá gồm thịt gia cầm, gia cầm giống, thuốc kích dục…; 21 vụ hàng xuất lậu thu (trâu, thớt nghiễn, quặng chì…); 1 vụ hàng cấm thu 5 bình xịt hơi cay, 1 dùi cui điện, 08kg thuốc tân dược các loại và 4 vụ hàng giả, thu 146 mũ bảo hiểm cho người đi xe máy, 39,5kg bao bì xà phòng ô mô.
Theo Đại tá Ngô Văn Vũ, càng vào dịp cuối năm như thế này, tình hình buôn lậu càng có diễn biến phức tạp. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền người dân, đặc biệt là HS không buôn lậu, không tham gia vận chuyển, tiếp tay cho các đối tượng, BĐBP tỉnh yêu cầu các đồn thành lập các lán trên các tuyến đường mòn để ngăn chặn tình trạng vận chuyển hàng lậu. Hiện các điểm nóng như Hang Dơi, Dốc Quýt, đèo Keo Kham không còn tình trạng người dân “cõng” hàng, chở gà lậu từ biên giới vào nội địa.
Đại tá Ngô Văn Vũ chia sẻ những khó khăn của anh em chiến sĩ: “Trong quá trình đấu tranh, các chiến sĩ biên phòng gặp không ít khó khăn bởi các đối tượng tham gia chở hàng thuê chủ yếu là người dân địa phương, hàng ngày tiếp xúc với các chiến sĩ nhưng khi bị bắt hàng thì các đối tượng chống trả quyết liệt (đánh chửi, ném đá, tranh cướp hàng),thậm chí họ còn cử người theo dõi mọi hoạt động của các chiến sĩ ở đồn. Chỉ cần có chiến sĩ đi ra ngoài là các hoạt động buôn bán, vận chuyển tạm dừng lại. Nhiều khi các đồn phải giả vờ tập hợp anh em để sinh hoạt, sau đó cử đội khác đi bắt hàng lậu”.
Cái khó khăn là, những đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng trái phép đa phần là người dân địa phương. Đó cũng là lực lượng sát cánh cũng BĐBP trong giữ gìn và bảo vệ đường biên mốc giới. Cương quyết ngăn chặn tội phạm nhưng phải “giữ” được tình dân là trách nhiệm của bất kỳ người lính biên phòng nào. “Với tinh thần kiên quyết ngăn chặn nhưng phải kiểm soát được bản thân, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh luôn yêu cầu BĐBP trong quá trình làm việc phải kiểm soát bản thân. Không được va chạm, không được đánh, chửi lại người dân. Ngoài ra phải làm tốt công tác dân vận để người dân hiểu và hạn chế tham gia vào các hoạt động trái pháp luật”, Đại tá Ngô Văn Vũ cho biết.
Đó chỉ là phác hoạ sơ lược về người lính biên phòng nơi biên cương Tổ quốc. Những người lính đang ngày đêm quên mình giữ vững chủ quyền an ninh đất nước. Chúng tôi muốn hỏi thêm, nói thêm về sự hy sinh của các anh, hy sinh thật sự với đúng nghĩa đen của từ này, trên mặt trận chống tội phạm vốn chưa bao giờ bình yên trên các tuyến biên giới có giao thương tấp nập như Lạng Sơn. Đại tá Ngô Văn Vũ chỉ trầm ngâm: “Đó là nhiệm vụ và là trách nhiệm của người lính chúng tôi. Đã là lính là phải có hy sinh gian khổ, phải biết quên mình vì chủ quyền và an ninh Tổ quốc. Ở đâu đó câu nói này có thể là khẩu hiệu, nhưng đối với chúng tôi, đó là tâm niệm, là mệnh lệnh tự trong lòng mình đối với trách nhiệm mà Tổ quốc giao phó. Đã là người lính thì thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, các bạn trẻ ạ”.
Nhóm phóng viên