Đến dự có gần 2.000 đại biểu đến từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo các tỉnh/thành, Ban Tôn giáo các tỉnh/thành, Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, UBND quận Ngũ Hành Sơn, cùng các ban, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương và chư tôn, tăng ni phật tử.
Sau gần 1 năm xây dựng, công trình Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ tham quan, tìm hiểu văn hóa Phật giáo cho du khách, người dân và chư tôn, tăng ni, phật tử.
Bảo tàng Văn hóa Phật giáo nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, trong không gian chánh điện Chùa Quán Âm Ngũ Giác Đài Sen Ngọc, có diện tích khoảng 7.000m2. Đây là Bảo tàng Văn hóa Phật giáo được xây dựng đầu tiên tại Việt Nam.
Toàn bộ hiện vật, cổ vật trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo là tập hợp các hiện vật, cổ vật phản ảnh nghệ thuật Phật giáo Việt Nam và một số quốc gia Châu Á được Chùa Quán Âm Ngũ Giác Đài Sen Ngọc dày công sưu tầm trong hơn 20 năm qua.
Nhiều hiện vật có niên đại gần trong vài ba thập kỷ gần đây, song cũng có hiện vật có niên đại từ khá sớm. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, trong từng hiện vật, từng cổ vật, ngoài giá trị nghệ thuật, còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Những giá trị đó cần được bảo tồn, phát huy cũng như tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu. Nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc.
Hòa thượng Thích Huệ Vinh – Trụ trì Chùa Quán Âm Ngũ Giác Đài Sen Ngọc cho biết: “Các hiện vật, cổ vật trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đều trải qua quá trình thẩm định khoa học, chọn lọc công phu của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành.
Tất cả hiện vật, cổ vật đều mang giá trị tinh thần và vật chất to lớn. Qua đó, chúng ta đọc ra thông điệp của người xưa trong từng tác phẩm pho tượng Phật, từng loại pháp khí, cổ vật mang tiếng nói hằng cửu 100 năm, 1.000 năm. Và có thể hiểu theo ngôn ngữ Thiền là “Kiến sắc minh tâm”.
Cùng chiêm ngưỡng hình ảnh một số cổ vật quý hiếm tại bảo tàng: