Tôi đã nghĩ đến việc cô giáo làm khó con vì vợ chồng tôi vốn không chú trọng “đi lễ thầy” như nhiều cha mẹ khác. Khi nghe con kể rằng cô vừa xếp con xuống bàn sau, tôi khẳng định chắc chắn con mình bị ghét rồi.
Mặc dù con bảo rằng con cao hơn các bạn nên cô xếp ngồi sau để nhường cho bạn Trang bị cận thị lại thấp bé hơn ngồi trên, thế nhưng tôi vẫn không mấy yên tâm.
Thi thoảng cô lại gọi điện nhắc nhở chúng tôi việc con trai rất hay nói chuyện riêng trong lớp và nhầm lẫn khi soạn sách vở.
Con trai thanh minh: “Tuy cô la con nhưng cô thương con lắm”, tôi đã nghĩ rằng con còn quá ngây thơ, chưa hiểu chuyện.
Sát ngày 20-11, con về mè nheo: “Con thấy trời lạnh cô rất hay bị ho, con muốn tặng cô chiếc khăn quàng cổ mẹ à”.
Tôi véo má con: “Thời nào rồi mà con còn muốn tặng cô món quà bình dị, rẻ tiền như thế? Có khi cô lại chê con lạc hậu đấy. Cô không thích khăn đâu, cô chỉ thích tiền thôi”.
Con vẫn bảo thủ: “Mẹ không biết thì thôi, cô giáo con tốt bụng lắm. Con sợ cô bị lạnh sẽ bị ốm, không đến lớp để dạy chúng con được, con muốn tặng khăn cho cô giữ ấm cổ”.
Trước lý lẽ của con, tôi đồng ý mua chiếc khăn mà con trai thích nhưng vẫn âm thầm nhét tiền vào phong bì kẹp trong hộp quà để con đem lên tặng cô.
Sáng 20-11, không chỉ con mà các bạn trong lớp đều đem quà đến tặng cô. Người thì cuốn tập, người thì cây bút, người thì chiếc áo, người thì bó hoa và phần lớn đều được bố mẹ kẹp sẵn phong bì để các con lên “tặng” cô giáo.
Cô giáo biết tâm lý phụ huynh đều rất chu đáo nên đã công khai nhận quà, mở quà ngay tại lớp và hoàn trả phong bì để học trò đem về cho phụ huynh.
Tôi còn nhớ rõ hôm ấy con về khoe: “Mẹ đã sai nhé, cô chỉ nhận khăn của con tặng và trả lại phong bì cho mẹ này”. Con vừa nói vừa đưa chiếc phong bì tôi gói ghém cẩn thận trong hộp quà. Tôi hỏi: “Thế khi nhận quà cô bảo sao?”.
Con hào hứng kể: “Khi con tặng quà con có nói rằng con biết cô hay bị ho khi lạnh nên tặng cô chiếc khăn cho ấm cổ ạ. Nghe con nói vậy, cô xúc động ôm con vào lòng rồi nói lời cảm ơn.
Cô bảo rằng cô rất vui vì sự tinh tế của Long Hải, cô xin nhận chiếc khăn, còn phong bì này con đem về gửi bố mẹ, bảo là cô đã nhận tấm lòng của bố mẹ Long Hải rồi”.
Tôi thộn mặt ra, hóa ra mình đã sai thật khi tặng cô chiếc phong bì. Hóa ra phụ huynh chúng ta nhiều khi cứ “đánh đồng” thầy cô. Tôi thật sự mừng vì con được học cô, thật mừng vì con tinh tế, sống tình cảm.
Đúng là quà tặng không bằng cách tặng. Là người mẹ mà tôi không tinh tế, chu đáo bằng con. Trong mắt con, cô rất hay ho, con sợ cô bị lạnh. Một chiếc khăn quàng cổ ấm áp giữa trời đông Hà Nội mà con trai tặng cô là bài học tôi nhớ mãi.