Buổi thuyết trình của GS. Göran Roos, thông qua Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan giai đoạn II (IPP 2) là hoạt động nằm trong chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ hoạch định chính sách của Việt Nam về quản trị đổi mới sáng tạo.
GS. Göran Roos đã làm việc tại hơn 50 nước, tư vấn về chính sách và chiến lược phát triển kinh tế, công nghiệp và đổi mới sáng tạo cho Chính phủ của nhiều nước trên thế giới như Australia, Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Anh, Singapore…
Tại buổi thuyết trình, GS. Göran Roos đã trao đổi các kiến thức và tư duy mới cho đội ngũ cán bộ quản lý của ngành KH&CN, các bộ, ngành có liên quan về bối cảnh quốc tế, các xu hướng quốc tế và kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, quản lý KH&CN; từ đó đóng góp tốt hơn cho chất lượng, hiệu quả các chính sách phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo gắn với tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững ở Việt Nam.
Ngoài ra, GS. Göran Roos còn đưa một số khuyến nghị cơ bản giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như: Không ngừng cải cách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trên mọi lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các lĩnh vực cấp chứng nhận đầu tư, thuế, tín dụng… làm minh bạch và thông thoáng môi trường kinh doanh.
Đặc biệt, cần xác định được chiến lược phát triển đất nước trong dài hạn, lấy đổi mới sáng tạo là động lực để tập trung nguồn lực thực hiện đạt được kết quả trong tương lai; có chính sách kết nối các trường đại học với viện nghiên cứu và doanh nghiệp; đưa được tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào các trường đại học.
GS. Göran Roos cũng sẽ có buổi tham vấn cho Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, cùng các lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ về các vấn đề hoạch định chính sách KH&CN, đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới của thế giới và đặc thù của Việt Nam.
Đánh giá cao những ý kiến tham vấn GS. Göran Roos, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, cần đổi mới trong tư duy chiến lược về hoạch định chính sách phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng, sao cho lực lượng KH&CN luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.
Giám đốc Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan giai đoạn II Trần Thu Hương cũng nhận định: Đổi mới sáng tạo là công cụ thiết yếu của mỗi quốc gia đang phát triển với nguồn nhân lực hạn chế như Việt Nam để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Từ góc độ đổi mới sáng tạo, để đo lường hiệu quả của hoạt động KH&CN, cần bổ sung các chỉ số thực dụng hơn về doanh nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thành lập trên cơ sở kết quả nghiên cứu, cơ hội việc làm, doanh thu, đặc biệt là sản phẩm, dịch vụ mới cung cấp cho thị trường, người dân và xã hội có độ an toàn chất lượng cao.