Chia sẻ kinh nghiệm dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh

GD&TĐ - Hôm nay (13/12) tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học Tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm giúp cho cán bộ quản lý và giáo viên các trường trung học nắm vững thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để tổ chức việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh cho sát với tình hình thực tế trường học Hà Nội. Đồng thời tạo dựng môi trường chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học theo định hướng phát triển học sinh.

Hội thảo đã nghe đóng góp tâm huyết của các thầy cô giáo đang trực tiếp đứng lớp, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các cán bộ quản lý giáo dục qua những bài tham luận.

PGS.TS Vũ Dương Thụy - Nguyên Tổng biên tập NXB GDVN - cho rằng: Cần phải đổi mới ngay từ bây giờ về cả nội dung dạy học, phương pháp dạy học cũng như về kiểm tra đánh giá. Nội dung dạy học cần gắn với thực tế, đưa nội dung thực tế vào nội dung giảng dạy. Có thể dùng sơ đồ tư duy trong quá trình dạy học, cho học sinh làm việc theo nhóm, cho học sinh làm bài tập lớn và đề tài nghiên cứu…

Còn GS. TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG HN) - nêu ý kiến: Nên loại bỏ kiểu dạy học nhồi nhét, áp đặt, áp dụng phương pháp dạy học tích cực, chủ động sáng tạo ở học sinh, dạy các em cách học, cách tự lực chiếm lĩnh tri thức. Cần ứng dụng mạnh mẽ CNTT và truyền thông trong dạy học nhằm nâng cao hiệu quả dạy học.

Những tham luận của các giáo viên trực tiếp đứng lớp như cô Nguyễn Bích Ngọc (Trường THPT Việt Đức), cô Dương Tú Anh (Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam), cô Nguyễn Thị Hải Yến (Trường THCS Khương Mai) đã cho thấy những cách làm sáng tạo của các trường học và các giáo viên trong việc triển khai các hình thức dạy học theo hướng hiện đại.

Nhóm giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đã đề xuất một số cách thức tổ chức dạy học, thiết kế giáo án thực nghiệm, trình bày những khó khăn và thuận lợi trong quá trình giảng dạy, đưa ra những dạng năng lực có thể đưa đến cho học sinh thông qua đơn vị bài, đề xuất một số phương pháp và kĩ thuật giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Còn nhóm giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Việt Đức đã vận dụng hoạt động nhóm trong các giờ học tiếng Anh và đây chính là phương pháp đổi mới phương pháp dạy học. 

Cô Nguyễn Bích Ngọc cho rằng: Lớp càng đông thì nhất thiết phải sử dụng hoạt động nhóm. Hoạt động nhóm mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc dạy học, vì học sinh được tham gia nhiều hơn, có cơ hội được thể hiện nhiều hơn và giảm đi rất nhiều sự thiếu tự tin và lo lắng khi thực hành nói tiếng Anh trong lớp.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội thảo

Quan trọng nhất của quá trình dạy học phát triển năng lực của học sinh dưới góc độ của nhà quản lý là Đổi mới quản lý cơ chế giáo dục.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển   

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: Dạy học phát triển năng lực là đổi mới căn bản cốt lõi nhất của đổi mới giáo dục hiện nay, trong đó có đổi mới giáo dục phổ thông; chi phối toàn bộ những vấn đề liên quan đến dạy và học từ việc xác định mục tiêu, nội dung phương pháp dạy học phương pháp kiểm tra đánh giá điều kiện giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất điều kiện về quản lý.

Các tham luận, đóng góp tại hội thảo sẽ là những kinh nghiệm quý báu để triển khai dạy học theo hướng tiếp cận mới, dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Chương trình sách giáo khoa mới sẽ tiếp cận theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho người học; không chạy theo khối lượng tri thức mà chú ý khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức, kĩ năng, thái độ, tình cảm, động cơ… vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày.

Chương trình giáo dục của chúng ta lúc nào cũng là chương trình phát triển năng lực của học sinh. Tuy nhiên, chương trình hiện hành đã ghi mục tiêu như vậy nhưng khi làm lại không được như vậy. Lý do là chúng ta đã hiểu một cách đơn giản, cứ có kĩ năng kiến thức thì sẽ có năng lực, năng lực được hình thành một cách tự phát.

Bây giờ cần hiểu năng lực có yếu tố của nó, phải hiểu một cách đầy đủ là có những yếu tố nào? Năng lực được hình thành thì cần có những yêu cầu gì? Con đường nào thì hình thành năng lực? Cái mới là chúng ta phải nhận thức đúng và ứng xử đúng hơn khi thiết kế chương trình, khi tổ chức quá trình dạy học.

"Quan trọng nhất của quá trình dạy học phát triển năng lực của học sinh dưới góc độ của nhà quản lý là Đổi mới quản lý cơ chế giáo dục.

Cơ chế quản lý giáo dục sẽ chi phối đến tất cả các hoạt động trong đó có hoạt động dạy học. Đổi mới quản lý giáo dục cần theo hướng dân chủ hóa, phát huy tính sáng tạo của cá nhân, sáng tạo của các tập thể, sáng tạo của cả hệ thống giáo dục" - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.