Chìa khóa thành công dạy học tích hợp liên môn các môn KHTN

GD&TĐ - Thực hiện thành công dạy học tích hợp liên môn nói chung, dạy học tích hợp liên môn các môn khoa học tự nhiên nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào người giáo viên và đòi hỏi các thầy cô phải thực sự chủ động, không ngừng sáng tạo.

Chìa khóa thành công dạy học tích hợp liên môn các môn KHTN

Đó là nhận định của cô Trần Thị Thúy Liên - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT thực nghiệm, Trưởng khoa Tự nhiên Trường Phổ thông Liên cấp Olympia - những đơn vị đi đầu trong thực hiện đổi mới phương pháp dạy học.

- Thực tế triển khai dạy học tích hợp liên môn, cô thấy khó khăn lớn nhất giáo viên gặp phải là gì?

Một vấn đề giáo viên thường lúng túng khi thực hiện dạy học tích hợp liên môn là xác định được các chủ đề liên môn. Làm sao để chủ đề đó gắn được nội dung các môn học, kết nối tất cả những nội dung kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn chủ đề nêu lên. Nếu đã xác định được chủ đề, thầy cô sẽ chia thành các nội dung nhỏ, các hoạt động để tổ chức hoạt động - một điều không khó để có thể thực hiện được.

Riêng với các môn khoa tự tự nhiên, có vẻ Toán là môn khó khăn hơn trong việc gắn nội dung môn học với các chủ đề khác.

Thực tế dạy học, tôi thấy rằng, có không ít HS thắc mắc, không biết học Toán để làm gì. Do đó, nếu giáo viên gắn kết được nội dung Toán với các vấn đề thực tiễn, với đời sống hàng ngày và gắn với các môn học khác, HS sẽ thấy được rõ ý nghĩa của việc học Toán; từ đó có động lực, hứng thú hơn trong học tập, bài dạy của thầy cô từ đó cũng có ý nghĩa hơn.

Khó khăn thứ hai là triển khai các hoạt động trải nghiệm. Hiện nay, không ít trường chưa thực sự tổ chức được hiệu quả các hoạt động này do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do hạn chế thời gian và kinh phí.

- Vậy phải làm sao để giáo viên xác định các chủ đề tích hợp liên môn thực sự thích hợp?

Để chọn chủ đề thích hợp, như kinh nghiệm ở Trường Olympia, giáo viên phải thực sự chủ động tìm tòi, phát hiện nội dung, vấn đề; không chỉ theo sách giáo khoa mà cần phát hiện các vấn đề thực tiễn. Qua thực tế đời sống hàng ngày, qua thời sự, tài liệu đọc, các thầy cô gắn kết để đưa vào bài dạy.

- Đúng là trên thực tế, việc tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo của các trường gặp không ít khó khăn. Liệu có cách nào để nhà trường tận dụng được những nguồn lực hiện có cho hoạt động này?

Có lẽ không cần phải nói thêm nhiều về vai trò của các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Trong chương trình THPT có những nội dung rất khó, trừu tượng, ví dụ chương Vật lý hạt nhân nguyên tử (Vật lý lớp 12) chẳng hạn.

Với nội dung này, chúng tôi đã đưa HS đến một trung tâm về hạt nhân nguyên tử của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Tại đó, HS được nghe giảng viên của trường giới thiệu về Vật lý hạt nhân nguyên tử, được xem những phim khoa học về chủ đề này, đồng thời được tìm hiểu, thử trực tiếp các máy móc trong đó.

Từ kiến thức tìm hiểu thực tế, HS về đọc sách giáo khoa, tra cứu, tìm hiểu tài liệu trên internet. Sau đó, làm báo cáo giống như một bài tập lớn và thầy cô chấm điểm trên sản phẩm đó. Các em cũng được yêu cầu làm slide powerpoint để trình bày vấn đề. Với cách học như vậy, HS không chỉ hào hứng, tiếp thu bài nhanh, nhớ lâu mà còn phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong học tập.

Với những trường không có điều kiện, hoàn toàn có thể tận dụng cơ sở sẵn có để giúp HS trải nghiệm, thực hiện các chủ đề tích hợp, liên môn.

Ví dụ, tận dụng vườn trường, HS tìm hiểu về việc trồng cây, cách chăm sóc cây, nghiên cứu về các loại phân sản xuất sạch. Tại Olympia, HS từng thực hiện đề tài nghiên cứu chế các loại thuốc tiêu diệt côn trùng, sâu bọ hoàn toàn bằng thực vật… Như vậy, có thể kết hợp cả Sinh học, Hóa học, HS hoàn toàn có thể làm được mà không phải đi đâu cả.

Hoặc thầy trò có thể làm các mô hình lớp học xanh. Từ những chậu cây trong phòng học, HS đo lượng oxy, cacbonic từ cây, từ đó tính toán với diện tích phòng nhất định sẽ đặt bao nhiêu cây và đặt loại cây gì là phù hợp. Đó thực sự là một đề tài nghiên cứu, cũng là liên môn mà hoàn toàn không phải ra ngoài. Tuy nhiên, để có phương tiện cho nghiên cứu, như máy đo chẳng hạn, các thầy cô phải chủ động, hoàn toàn có thể mượn tại một viện nghiên cứu nào đó mà không phải mất kinh phí.

- Cô có thể chia sẻ kinh nghiệm của Trường Olympia trong triển khai chủ đề tích hợp, liên môn với các môn khoa học tự nhiên?

Có thể nói, Olympia khá mạnh khi thực hiện chủ đề tích hợp liên môn vì rất chủ động trong xây dựng chương trình nhà trường. Giáo viên trong trường luôn năng động, sáng tạo, chịu khó làm việc, được bồi dưỡng thường xuyên. Bên cạnh đó, định hướng của Ban lãnh đạo nhà trường rất rõ ràng, đó là dạy HS theo thuyết đa trí thông minh… Trong quá trình thực hiện tư tưởng ấy, một trong cách làm là triển khai dạy học liên môn.

Vì có định hướng, triết lý giáo dục rõ ràng như vậy nên việc giảng dạy của giáo viên cũng có tư tưởng khoa học rất rõ ràng. Thời gian đầu có thể còn gặp một số khó khăn, nhưng sau một thời gian triển khai, việc này đã trở thành hoạt động hết sức bình thường của nhà trường.

- Xin cảm ơn cô!

“Để triển khai dạy học tích hợp liên môn thành công, ngoài định hướng của lãnh đạo nhà trường thì giáo viên – người trực tiếp triển khai – phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, đặc biệt là trách nhiệm với công việc và có tâm với nghề”.

Cô Trần Thị Thúy Liên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.