Chìa khóa thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay

Chìa khóa thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay
(GD&TĐ)- Sáng nay (30/3), tại Hà Nội, Trung tâm Năng suất Việt Nam (Tổng cục Đo lường chất lượng) tổ chức hội thảo quốc gia "Tối ưu hóa nguồn lực và tạo khả năng vượt trội thông qua áp dụng Lean Six Sigma" (LSS).
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng Trần Văn Vinh đã dự và phát biểu khai mạc hội thảo. Dự hội thảo còn có hơn 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, các cơ quan quản lý và những cá nhân có quan tâm đến phương pháp này. Đại diện Tổ chức Năng suất Châu Á – APO – KD Bhardwaj đã tham gia và phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh, gdtd.vn
Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh, gdtd.vn
Theo bà Vũ Hồng Dân- Trưởng phòng tư vấn cải tiến năng suất, Trung tâm năng suất Việt Nam, thì khái niệm về sản xuất tinh gọn hay còn gọi là "Lean" được phổ  biến rộng rãi trên thế giới từ những năm 1990 như một công cụ hữu hiệu để thay đổi tư duy trong sản xuất và đem lại hiệu quả, nâng cao năng suất cho doanh nghiệp bằng cách giảm thiểu các chi phí không cần thiết trong quá trình sản xuất/cung cấp dịch vụ.
Đây chính là mô hình sản xuất của công ty Toyota – Nhật bản, một công ty sản xuất- kinh doanh rất thành công từ những năm 1950, trở thành một trong những công ty sản xuât ô tô hàng đầu thế giới. 
Six Sigma là phương pháp giúp giảm thiểu khuyết tật thông qua hoạt động cải tiến qui trình. Việc áp dụng Six Sigma dựa trên việc sử dụng phương pháp thống kê nhằm giảm thiểu tỷ lệ sai sót hay khuyết tật bằng cách xác định và loại trừ các nguồn tạo nên dao động (bất ổn) trong các quy trình sản xuất/dịch vụ/ kinh doanh nhằm đảm bảo sự thỏa mãn của khách hàng. Mức 6 Sigma được hiểu là mức tương đương 3,4 lỗi trên mỗi triệu khả năng gây lỗi. 
Chìa khóa thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay ảnh 2
 Phó Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh
Mô hình Six Sigma được hình thành ở tập đoàn Motorola vào năm 1986, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp trên thế giới được biết đến và áp dụng rộng rãi vào những năm 1990 sau khi tập đoàn General Electric (GE) đưa ra kết quả áp dụng thành công.
Khái niệm Lean Six Sigma (là sự kết hợp hai phương pháp quản lý trên) đã được giới thiệu tại Việt Nam trong thời gian qua thông qua các chương trình hội thảo, câu lạc bộ, các bài thuyết trình của chuyên gia nước ngoài…Tuy nhiên việc áp dụng tại các doanh nghiệp Việt Nam cho đến nay vẫn còn hạn chế do thiếu phương pháp và hướng dẫn kỹ thuật.
Bà Vũ Hồng Dân cho biết: trung bình mỗi năm, tại Việt Nam có trên 500.000 doanh nghiệp đăng kí thành lập. Tuy vậy chỉ có một nửa số này tồn tại sau khi đi vào hoạt động. Số còn lại bị khai tử, không ít doanh nghiệp nằm trong số bị khai tử ngay khi thành lập là các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất- kinh doanh bị thua lỗ sau một thời gian đi vào hoạt động.
Do vậy, theo bà Dân, trong bối cảnh hậu suy thoái của kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng thì vấn đề mấu chốt để doanh nghiệp tồn tại và có giá trị tăng trưởng trong hoạt động sản xuất- kinh doanh là tiết giảm chi phí và cung cấp chất lượng dịch vụ tối ưu cho khách hàng. 
Những lưu ý cần thiết khi muốn áp dụng LSS vào quy trình sản xuất- kinh doanh, bà Dân lưu ý: trước hết doanh nghiệp cần đổi mới phương thức tư duy, bắt đầu là từ lãnh đạo đơn vị. Kế đến là đào tạo các thế hệ canbs bộ quản lý trực tiếp và kế cận có kiến thức-tư duy về phương pháp LSS. Sau đó mới đến công đoạn tiến hành thí điểm phương pháp này ở những khâu nhất định của hệ thống sản xuất- kinh doanh. Sau khi thành công mới đem áp dụng trên toàn quy trình của hệ thống...
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng Trần Văn Vinh thì từ trước đến nay, tại Việt Nam đã có nhiều quy trình quản lý chất lượng được các doanh nghiệp áp dụng vào quản lý hệ thống và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Tuy vậy các quy trình trước đó đã bộc lộ một số tồn tại nhất là cho đến thời điểm này, nền kinh tế thế giới và trong nước đang gặp nhiều khó khăn, buộc các doanh nghiệp phải thắt chặt quản lý hệ thống và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng mới mong tồn tại được trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế... 
Phó Tổng cục trưởng hy vọng: qua hội thảo, các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, các cơ quan quản lý và những cá nhân quan tâm đến phương pháp LSS có được sự nhìn nhận tổng thể về hệ thống phương pháp này để có được sự lựa chọn tối ưu trong quản lý đơn vị mình.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các phần trình bày và chia sẻ về phương pháp tiếp cận Lean Six Sigma qua các góc nhìn khác nhau của các Chuyên gia nước ngoài và một số đơn vị sản xuất- kinh doanh trong nước đã áp dụng thí điểm thành công phương pháp LSS vào quản lý sản xuất- kinh doanh.
Giang Đông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ