“Chìa khóa” bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình phổ thông mới

GD&TĐ - Các kết quả phân tích một số nội dung về bồi dưỡng giáo viên của Malaysia và Singapore cho thấy, điểm nổi bật trong hoạt động bồi dưỡng của hai quốc gia này là sự phân định trách nhiệm quản lí nhà nước của nhà nước và vai trò, trách nhiệm bồi dưỡng chuyên môn của các cơ sở đào tạo giáo viên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Định hướng chung của bồi dưỡng và phát triển giáo viên hướng đến nâng cao chất lượng giáo viên theo chuẩn, đáp ứng nhu cầu phát triển nghề của giáo viên và gắn với cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang trực tiếp hành nghề. Đây cũng chính là những kinh nghiệm quý cho Việt Nam hiện nay.

PGS.TS. Phan Trọng Ngọ (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, những gì Malaysia và Singapore triển khai và có hiệu quả trong hoạt động bồi dưỡng giáo viên có thể là những tham chiếu tốt để Việt Nam nghiên cứu và vận dụng, trên cơ sở phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

Những chia sẻ bổ ích này được PGS.TS. Phan Trọng Ngọ chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc tế "Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, CBQL các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm" do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức mới đây.

Gắn kết trách nhiệm của cơ sở đào tạo giáo viên với công tác bồi dưỡng

Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, khi vấn đề phát triển năng lực giáo viên trở thành nhu cầu của chính họ thì những hình thức bồi dưỡng mới thực sự trở thành có ích và thu hút giáo viên tham gia một cách tự giác, tự nguyện, tích cực và sáng tạo.

Bài học đầu tiên PGS.TS. Phan Trọng Ngọ đưa ra là gắn trách nhiệm bồi dưỡng, phát triển bền vững chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên của các cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở phân định rõ ràng trách nhiệm quản lí hành chính của nhà nước và trách nhiệm đào tạo, bảo trì, phát triển chuyên môn cho giáo viên của các cơ sở đào tạo giáo viên.

Theo đó, không chỉ ở Malaysia và Singapore, mà hầu hết các nước có nền giáo dục phát triển, đều có sự phân định khá rõ và chặt chẽ giữa quản lí nhà nước về giáo dục và quản trị chuyên môn của nhà trường trong lĩnh vực giáo dục nói chung, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển giáo viên nói riêng.

Ở nước ta, vấn đề bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên luôn là lĩnh vực rộng lớn, cấp bách và thường xuyên trong suốt thời gian qua. Có những thời kì, nhiệm vụ bồi dưỡng nặng nề hơn đào tạo.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang đứng trước thách thức to lớn: bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện có, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, thì kinh nghiệm nâng cao và gắn kết trách nhiệm của các cơ sở đào tạo giáo viên đối với công tác này là bài học quý, cần được phân tích và vận dụng.

Xây dựng chiến lược tổng thể bồi dưỡng, phát triển giáo viên theo chuẩn

Bài học thứ 2 được PGS Phan Trọng Ngọ đưa ra là cần sớm nâng chuẩn trình độ được đào tạo ban đầu của giáo viên và xây dựng chiến lược tổng thể bồi dưỡng, phát triển giáo viên theo chuẩn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và hội nhập quốc tế.

Hầu hết các nước có nền giáo dục phát triển, trong đó có Malaysia và Singapore, giáo viên là người có trình độ được đào tạo ban đầu thấp nhất là cử nhân sư phạm, phổ biến là thạc sỹ sư phạm.

Trong khi đó ở nước ta, chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học và THCS vẫn quy định là trung cấp và CĐ sư phạm. Vì vậy, cần khẩn trương điều chỉnh chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo hướng nâng cao trình độ đào tạo, như Malaysia đã tiến hành năm 2013.

Đồng thời xây dựng chiến lược bồi dưỡng giáo viên chưa đạt chuẩn và hướng đến phát triển bền vững năng lực chuyên môn, phẩm chất nhân cách nghề cho đội ngũ giáo viên này, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, theo kinh nghiệm của Malaysia.

Đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng

Đa dạng hoá các hình thức bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp giáo viên, trong đó phát triển chuyên môn dựa vào nhà trường, gắn kết với thực tiễn của giáo viên, xây dựng các cộng đồng học tập chuyên môn là cốt lõi.

Với bài học này, PGS Phan Trọng Ngọ đưa kinh nghiệm quý của Singapore trong công tác phát triển liên tục, bền vững nghề nghiệp giáo viên là đa dạng hoá các loại hình bồi dưỡng, trong đó phát triển chuyên môn dựa vào nhà trường, gắn kết với thực tiễn của giáo viên, xây dựng các cộng đồng học tập chuyên môn là cốt lõi.

Việc đa dạng hoá các hình thức bồi dưỡng giáo viên không chỉ khai thác, tận dụng được nhiều lợi thế, nhiều hoàn cảnh của giáo viên trong việc nâng cao tay nghề, mà còn là một phương thức tiện lợi để gắn kết công tác bồi dưỡng giáo viên trên mảnh đất thực tiễn là hoạt động thực của giáo viên tại trường phổ thông.

Chỉ có thể thông qua các trải nghiệm thực, người giáo viên mới biết mình đã có gì, thiếu và yếu điểm gì trong hoạt động nghề nghiệp và bằng cách nào để vượt qua chúng. Khi đó họ sẽ có đủ sáng tạo để tìm ra giải pháp tối ưu trong phát triển kinh nghiệm của mình.

Tất nhiên, trong xu thế và bối cảnh nhà trường hiện đại, việc hình thành các nhóm học tập mang tính cộng đồng, cùng hợp tác, chia sẻ và cùng hướng đến phát triển chuyên môn của mỗi cá nhân và cộng đồng, bao giờ cũng hiệu quả hơn là việc cá nhân trong lĩnh vực này.

Bồi dưỡng xuất phát từ nhu cầu phát triển nghề nghiệp của chính giáo viên

Kinh nghiệm các chính sách tôn vinh của xã hội đối với người giáo viên của Phần Lan thực sự là chìa khoá để giúp người giáo viên tự hào nghề nghiệp, cống hiến hết mình và tích cực trau dồi, phát triển nghề nghiệp của mình, mà không cần có sự thúc bách bởi các yêu cầu có tính hành chính.

Bồi dưỡng và phát triển năng lực giáo viên cần thiết phải được từ trên xuống, tức là từ yêu cầu khách quan của ngành, của cơ sở giáo dục và những yêu cầu nghề nghiệp khác và phải được từ dưới lên, tức là phải xuất phát từ nhu cầu phát triển nghề nghiệp của chính giáo viên.

Nhấn mạnh điều này, PHS Phan Trọng Ngọ cho rằng, sự kết hợp hữu cơ từ trên xuống và từ dưới lên trong bồi dưỡng, phát triển giáo viên giúp cho hoạt động được cân đối, hài hoà và bền vững.

Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, khi vấn đề phát triển năng lực giáo viên trở thành nhu cầu của chính họ thì những hình thức bồi dưỡng mới thực sự trở thành có ích và thu hút giáo viên tham gia một cách tự giác, tự nguyện, tích cực và sáng tạo.

Bồi dưỡng gắn với đãi ngộ và tôn vinh

Bồi dưỡng và phát triển nâng lực giáo viên phải gắn với chế độ đãi ngộ và tôn vinh của xã hội đối với nghề dạy học và người giáo viên.

Với bài học này, theo PGS Phan Trọng Ngọ, kinh nghiệm của Malaysia, của Singapore cũng như của Phần Lan và nhiều nước khác là sự kết hợp giữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên với chế độ tuyển dụng, sử dụng, tạo môi trường cho giáo viên làm việc tự chủ và sáng tạo cộng chế độ đãi ngộ và sự tôn vinh của xã hội đối với nghề dạy học và người giáo viên.

Việc xếp thang lương của Malaysia dựa trên kết quả, thành tích nghề nghiệp của giáo viên không chỉ đảm bảo sự công bằng nghề nghiệp, mà còn là động lực thúc đẩy giáo viên tích cực, chủ động tham gia các hoạt động bồi dưỡng và tự bồi dưỡng chuyên môn; khắc phục được tình trạng tham gia bồi dưỡng do sự thúc đẩy của bằng cấp, chứng chỉ và yêu cầu chuẩn hoá một cách hình thức.

Kinh nghiệm các chính sách tôn vinh của xã hội đối với người giáo viên của Phần Lan thực sự là chìa khoá để giúp người giáo viên tự hào nghề nghiệp, cống hiến hết mình và tích cực trau dồi, phát triển nghề nghiệp của mình, mà không cần có sự thúc bách bởi các yêu cầu có tính hành chính.

"Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, chúng ta đang đứng trước thách thức to lớn: Đào tạo giáo viên và bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Để giải quyết được bài toán nan giải này, không chỉ bằng ý chí hay kinh nghiệm hiện có, mà phải bằng lí luận và tìm hiểu phân tích và học hỏi kinh nghiệm của các nước, từ đó tìm cách vận dụng phù hợp với điều kiện của nước ta"
- PGS Phan Trọng Ngọ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ