Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH,CĐ 4 năm qua cơ bản đạt yêu cầu

Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH,CĐ 4 năm qua cơ bản đạt yêu cầu
cxcxxc
Việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng qua 4 năm có thể đánh giá chung là đạt yêu cầu

Nội dung chất vấn:

Báo cáo của Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ 7 về những tồn tại, yếu kém chủ yếu năm 2009 có nêu: “Chất lượng nguồn nhân lực thấp, chất lượng công tác giáo dục đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Tốc độ tăng tuyển mới đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp không đạt Kế hoạch”

Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân do đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

1. Về chất lượng nguồn nhân lực

1.1. Trong những năm qua, nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của ngành giáo dục cùng với sự tận tụy, tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên với tinh thần hiếu học và truyền thống chăm lo cho giáo dục của nhân dân, giáo dục đại học nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đại học, đặc biệt là đối với nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nguyên nhân của những hạn chế bất cập đó là:

a) Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo còn thiếu và chưa đồng bộ

- Về cơ sở vật chất: các trường đại học, cao đẳng đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, nhưng so với yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo thì cơ sở vật chất của phần lớn các trường đại học, cao đẳng vẫn ở trong tình trạng vừa thiếu vừa chưa đồng bộ. Đa số các trường có mặt bằng rất hẹp; phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích phòng học, giảng đường theo quy định (6m2/SV); Chưa có trường nào đủ diện tích để bố trí chỗ làm việc cho giáo sư, phó giáo sư và giảng viên chính theo quy định.

- Về suất đầu tư: định mức kinh phí trung bình mà ngân sách cấp để duy trì hoạt động thường xuyên của các trường công lập tính theo đầu sinh viên là 6.000.000 đ/SV/năm. Ở hầu hết các trường ngoài công lập, suất đầu tư/SV cao nhất là bằng học phí, thường dao động từ 4.000.000 đ đến 7.000.000 đ/năm. Nếu so sánh với mức học phí 5.000 USD đến 7.000 USD/năm của Trường Đại học RMIT (Australia) mở ở thành phố Hồ Chí Minh thì kinh phí đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng nước ta với trường nước ngoài có độ chênh lệch rất lớn.

- Đội ngũ giảng viên: còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao và còn không đồng bộ. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư còn thấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định tỷ lệ tối đa sinh viên/giảng viên của các khối ngành đào tạo khác nhau, nhưng thực tế một số trường còn có tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao so với quy định. Cơ cấu đội ngũ giảng viên mất cân đối: giảng viên khoa học cơ bản, giảng viên những ngành thiếu hấp dẫn có nguy cơ rời bỏ nghề do một số khoa buộc phải đóng ngành vì không có sinh viên đăng ký học. Giảng viên cơ hữu của các trường ngoài công lập đa số là giảng viên lớn tuổi thường là cán bộ về hưu từ các trường công lập, cơ quan nhà nước. Giảng viên dạy quá nhiều giờ, do vậy không có thời gian nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ.

- Các trường tư thục mới thành lập còn gặp nhiều khó khăn về đền bù, giải phóng mặt bằng để có đất xây dựng trường theo Đề án đã cam kết; việc đầu tư trang thiết bị, thực hành, thực tập chưa đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhiều trường thiếu môi trường sư phạm, không có khu vui chơi, giải trí, ký túc xá cho sinh viên. Bên cạnh đó là năng lực quản lý công tác đào tạo còn nhiều hạn chế.

b) Công tác quản lý còn hạn chế, bất cập

- Công tác quản lý giáo dục đại học còn thiếu tính khoa học, tính thực tiễn. Phương pháp quản lý nhiều nơi chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục đại học, còn lạc hậu so với các nguyên tắc quản lý hệ thống đại học.

- Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương còn chưa chặt chẽ, chưa phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành quản lý trường và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa tham gia quản lý, giám sát các trường đóng trên địa bàn.

- Năng lực quản lý giáo dục đại học của các trường còn nhiều hạn chế: Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đại học cấp trường hầu như chưa được đào tạo bài bản về quản lý giáo dục đại học, chủ yếu trưởng thành từ các giảng viên, các nhà khoa học, nhà quản lý cơ sở.

1.2. Giải pháp khắc phục trong thời gian tới

Để khắc phục các yếu kém về chất lượng nguồn nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai một số giải pháp ngay từ đầu năm học 2009-2010, cụ thể là:

a) Xác định đổi mới quản lý giáo dục đại học, bao gồm quản lý của nhà nước và quản lý của các cơ sở giáo dục đại học là khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo và là tiền đề để đổi mới toàn diện giáo dục đại học đến năm 2020. Triển khai quyết liệt Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học 2010-2012.

b) Tổ chức thảo luận rộng rãi trong tất cả các cơ sở giáo dục đại học: Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng trong giai đoạn hiện nay.

c) Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục, rà soát lại các chỉ tiêu phát triển giáo dục đại học đến 2020, tăng cường công tác dự báo, hoàn thành xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nói chung trong đó có giáo dục đại học giai đoạn 2011-2020. Tiếp tục triển khai quy hoạch xây dựng các trường đại học, cao đẳng; xây dựng ký túc xá sinh viên.

d) Rà soát và xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học, trong đó đặc biệt lưu ý đến các văn bản quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, điều lệ và quy chế hoạt động của các loại hình trường, quy chế đào tạo, tuyển sinh, tuyển dụng; quy định về kiểm định chất lượng đào tạo, về tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường, các văn bản triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2005 vừa được Quốc hội thông qua.

đ) Phân công, phân cấp quản lý các trường đại học, cao đẳng theo hướng làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành quản lý trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Phát huy cao độ tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm soát bên trong của các trường, trên cơ sở các quy định của nhà nước và của các trường, tăng cường công tác giám sát và kiểm tra của nhà nước, của xã hội và của bản thân các cơ sở.

e) Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội.  Tổ chức đánh giá 3 năm 2008-2010 thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của các ngành, địa phương và quốc gia giai đoạn 2011-2020.

g) Đẩy mạnh việc đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo hướng đẩy nhanh tiến độ tự đánh giá của các trường đại học và cao đẳng, hình thành một số cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập.

h) Nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng thông qua việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh, quy hoạch cán bộ lãnh đạo trường giai đoạn 2010 - 2015 và tổ chức bồi dưỡng về quản lý giáo dục đại học.

i) Triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2010 đến năm học 2014-2015.

2. Về tốc độ tăng tuyển mới đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp

1. Năm 2009 chỉ tiêu tuyển mới đại học, cao đẳng được Quốc hội giao tăng 11,4% so với năm 2008; chỉ tiêu tuyển mới trung cấp chuyên nghiệp tăng 15,6% so với năm 2008. Thực tế chỉ tiêu đại học, cao đẳng đã tuyển được 481.866 sinh viên, tăng 9,7% so với năm 2008 (439.064 sinh viên), chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp tuyển được 320.716 học sinh, giảm 2,1% so với năm 2008 (327.657 học sinh).

2. Nguyên nhân của việc không đạt chỉ tiêu tốc độ tăng tuyển mới:

Tuyển sinh đại học 4 năm qua, kết quả như sau:

2006

2007

2008

2009

Tổng cộng 4 năm

Chỉ tiêu Quốc hội duyệt về tuyển sinh ĐH,CĐ

(a)

268.389

366.660

427.105

502.461

1.564.615

Tuyển sinh thực tế (b)

284.979

354.194

439.064

481.866

1.560.103

b/a

106,3%

96,6%

102,8%

95,9%

99,71%

Như vậy, tỉ lệ tuyển sinh đại học, cao đẳng thực tế so với chỉ tiêu được Quốc hội duyệt (do Chính phủ trình Quốc hội) 4 năm qua theo xu hướng: Vượt chỉ tiêu (2006), không đạt chỉ tiêu (2007), vượt chỉ tiêu (2008), không đạt chỉ tiêu (2009), và tổng tuyển sinh 4 năm so với tổng chỉ tiêu 4 năm đạt 99,71%. Trong điều kiện kinh tế thị trường, phương pháp dự báo còn hạn chế, thì việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng qua 4 năm có thể đánh giá chung là đạt yêu cầu.

Từ năm học 2007-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã duyệt chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở xem xét khả năng đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học. Các cơ sở nào tuyển vượt chỉ tiêu của năm trước, có số giảng viên trên sinh viên quá đông và có kết quả tuyển sinh thấp năm trước sẽ bị trừ hoặc giảm chỉ tiêu tuyển sinh.

Kết quả tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp 4 năm qua như sau:

2006

2007

2008

2009

Tổng cộng 4 năm

Chỉ tiêu Quốc hội duyệt về tuyển sinh TCCN

(a)

334.975

368.546

424.207

460.799

1.220.970

Tuyển sinh thực tế (b)

284.394

288.203

327.657

320.716

1.110.500

b/a

84,9%

78,2%

77,24%

69,6%

76,86%

Như vậy, tỷ lệ tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp thực tế so với chỉ tiêu được Quốc hội duyệt 4 năm qua theo xu hướng: tất cả các năm đều không đạt chỉ tiêu, năm sau tỉ lệ đạt thấp hơn năm trước, mức không đạt so với chỉ tiêu là khá cao: năm 2006 hụt 15%; năm 2009 hụt 29%.

Việc học sinh tốt nghiệp THPT hoặc THCS không thi được vào đại học, cao đẳng chọn học TCCN hay không còn phụ thuộc vào khả năng học các trường nghề.

Trước năm 2007, chỉ có trung cấp nghề, sơ cấp nghề và đào tạo nghề ngắn hạn. Từ năm 2007 mở thêm hệ cao đẳng nghề, mà không thi đầu vào, chỉ xét tuyển trong khi hệ cao đẳng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lí phải thi tuyển quốc gia, nên một tỉ lệ học sinh không đậu cao đẳng, hoặc không thi cao đẳng đã chọn con đường vào cao đẳng nghề mà không học TCCN. Mặt khác, học trung cấp nghề thì liên thông cao đẳng nghề sau này dễ hơn, nên một bộ phận học sinh sẽ không chọn TCCN mà chọn trung cấp nghề.

Trong khi quy mô học sinh lớp 12 cả nước các năm qua không tăng mà giảm (năm học 2006-2007 có 929.403 học sinh lớp 12, năm học 2007-2008 có 910.406, năm học 2008-2009 có 887.256 học sinh), do tỉ lệ tăng dân số 15 năm qua giảm dần (năm 1995: tỉ lệ tăng dân số là 1,65%; năm 2000 là 1,35%, năm 2005 là 1,17%; năm 2009 là 1,06%), nếu chỉ tiêu tuyển sinh đại học tăng liên tục với tốc độ cao (10-12%/năm), chỉ tiêu tuyển sinh TCCN cũng tăng liên tục với tốc độ cao (15-17%/năm) và chỉ tiêu tuyển sinh học nghề cũng tăng liên tục và cao (15-18%/năm) thì sẽ có nguy cơ, sau một số năm, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ, TTCN, trung cấp nghề và cao đẳng nghề sẽ vượt nguồn tuyển sinh là số học sinh tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp THCS. Và thực tế điều này đã xảy ra:

2006

2007

2008

2009

Tổng chi tiêu Quốc hội duyệt về tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN, CĐ nghề, TC nghề, dạy nghề dài hạn

(a)

863.364

1.040.706

1.109.312

1.150.260

Tổng số học sinh tốt nghiệp THPT

(b)

972.592

800.123

910.705

819.044

Tổng số học sinh tốt nghiệp THCS mà không vào lớp 10

(c)

409.760

354.399

281.419

238.981

Tổng số nguồn tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN, CĐ nghề, TC nghề, dạy nghề dài hạn

(d)

1.382.352

1.154.522

1.195.124

1.058.025

Tỷ lệ chỉ tiêu (a) so với nguồn tuyển (d)

62,5%

90,1%

92,8%

108,7%

Tức là, năm 2009, tổng chỉ tiêu tuyển của các hệ đào tạo dài hạn từ TCCN, TC nghề trở lên đã vượt nguồn tuyển của năm đó. Tức là năm 2009, khó có khả năng tất cả các chỉ tiêu tuyển sinh cho ĐH, CĐ, TCCN, và CĐ nghề cùng một lúc đều đạt.

Như vậy, có thể thấy 3 nguyên nhân làm cho tuyển sinh học nghề các năm qua không đạt chỉ tiêu là:

1. Công tác lập kế hoạch còn chưa tốt, chưa đảm bảo sự đồng bộ giữa sự tăng dân số, tăng nguồn tuyển sinh và các chỉ tiêu tuyển sinh.

2. Sự tồn tại đồng thời hệ TCCN và trung cấp nghề, cao đẳng nghề tạo ra yếu tố tâm lý không thích học TCCN.

3. Đầu tư của Nhà nước trong giai đoạn 2002-2008 cho TCCN rất thấp so với đầu tư cho trung cấp nghề và cao đẳng nghề (năm 2002 chi từ Chương trình mục tiêu quốc gia cho TCCN là 25 tỷ đồng, năm 2008 là 50 tỷ đồng; còn chi cho dạy nghề năm 2002 là 110 tỷ đống và năm 2008 là 1.000 tỷ đồng).

Để khắc phục các hạn chế bất cập trên cần:

1. Nâng cao chất lượng công tác dự báo và lập kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, thực hiện cơ chế phối hợp chính thức, chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ kế hoạch và Đầu tư trong việc đưa ra các chỉ tiêu tuyển sinh các bậc học để trình Chính phủ và Quốc hội.

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thành lập các trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo. Các bộ đã thành lập 2 Trung tâm và 2 đơn vị đã triển khai công việc. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia đào tạo theo nhu cầu xã hội, yêu cầu các Bộ, ngành, các tỉnh triển khai lập quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành mình, địa phương mình. Dự kiến tháng 11/2010 sẽ hoàn thành quy hoạch phát triển nguồn nhân lực 2011-2015. Đây là cơ sở rất quan trọng để đưa ra các chỉ tiêu tuyển sinh các bậc học cho giáo dục sắp tới.

2. Hai bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo và  Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cần chuẩn bị để Chính phủ có phiên họp chuyên đề về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có việc xác định cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề sao cho đảm bảo tính hệ thống, hiệu quả của việc đào tạo nghề nghiệp các trình độ.

3. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề cần tiếp tục triển khai quyết liệt chủ trương “Đào tạo theo nhu cầu xã hội” của Chính phủ để nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo nghề nghiệp, phục vụ thiết thực sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và của cả nước.

4. Đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp cần tăng cường đầu tư để nâng cấp các trường hiện có và xây dựng một số trường đạt trình độ suất xắc.

5. Hai bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo và  Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các văn bản và nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện đào tạo liên thông giữa hệ trung cấp chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng,  trung cấp nghề, cao đẳng nghề.

Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ