Còn nguyện vọng ở trường tốp trên
Trong tốp đầu các trường kỹ thuật, tính đến ngày 18/8 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã nhận được khoảng 5.000 Giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh trúng tuyển (chỉ tiêu của trường năm nay là 6.000). Đại diện nhà trường cho biết kết thúc đợt 1, nếu còn thiếu chỉ tiêu trường sẽ gọi bổ sung.
Theo đại diện trường này khả năng tuyển bổ sung đợt sau là cao vì thực tế là nếu thí sinh đã đủ điểm trúng tuyển thì cũng nộp hồ sơ nhập học rồi, còn số lượng chưa nộp mà đủ điểm thì chắc cũng không nhiều, thêm nữa cũng phải tính đến yếu tố mưa bão khi Hà Nội được dự báo là ngày 19 (ngày cuối cùng đợt nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển) có mưa lớn.
Học viện Tài chính xét tuyển đồng thời cả hai phương thức là từ kết quả thi THPT quốc gia và bằng kết quả học tập THPT (xét tuyển thẳng học sinh có thành tích đặc biệt trong các kỳ thi học sinh giỏi, thí sinh đạt học lực giỏi các năm THPT kèm các điều kiện về trình độ tiếng Anh nhất định...).
Sau những ngày đầu tiên đã có 1.500 thí sinh trúng tuyển Học viện Tài chính qua xét học bạ đã nộp Giấy chứng nhận kết quả thi về trường. Trong số 2.600 chỉ tiêu còn lại dùng để xét tuyển qua kết quả thi THPT quốc gia, đến ngày 18/8, trường mới chỉ nhận được 1.800 Giấy chứng nhận kết quả thi THPT của thí sinh trúng tuyển, chỉ tiêu cho chỉ tiêu bổ sung là điều được tính đến.
Ông Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng - cho biết: Những ngày qua rất đông thí sinh đến nộp Giấy chứng nhận kết quả thi tại trường, để thí sinh yên tâm, trong số đó nhiều em nhà ở các tỉnh xa, nên nhà trường chủ động phát luôn giấy báo trúng tuyển đại học. Tâm lý chung là thí sinh hồ hởi khi nhận được kết quả trúng tuyển ngay khi nộp Giấy chứng nhận kết quả thi. Có hay không việc tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ được chúng tôi tính toán kỹ và quyết định dựa trên số hồ sơ
Không thiếu chỉ tiêu ở trường tốp dưới
Theo quy định của Bộ GD&ĐT xét tuyển đợt 2 sẽ bắt đầu từ 21/8 - 31/8/2016 sau khi các thí sinh đã hoàn tất việc nộp Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia vào các trường mình trúng tuyển. Ở đợt 2 này, mỗi thí sinh thay vì chỉ được đăng ký xét tuyển 2 trường như nguyện vọng 1 thì sẽ được đăng ký thêm một trường nữa là 3 trường và mỗi trường 2 nguyện vọng. Cách thức đăng ký xét tuyển cũng giống như xét tuyển đợt 1 và thí sinh cũng không được quyền rút hồ sơ hay thay đổi nguyện vọng đã đăng ký.
Do lường trước những khó khăn về nguồn tuyển nên kể cả khi chưa kết thúc đợt 1 tuyển sinh ĐH, CĐ những đã có rất nhiều trường thông báo tuyển sinh nguyện vọng bổ sung, trong đó nhiều nhất là các trường tốp dưới là các đại học địa phương và trường ngoài công lập.
Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thông báo nhận hồ sơ nguyện vọng bổ sung với mức điểm nhận hồ sơ cho các ngành và các tổ hợp là 15 điểm với 18 ngành đào tạo. Trường Đại học Xây dựng Miền Trung thông báo tuyển bổ sung gần 500 chỉ tiêu cho 7 ngành đào tạo. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung bằng với mức điểm chuẩn đợt 1 - 15 điểm chỉ riêng ngành Kiến trúc có môn năng khiếu nhân hệ số 2 là 17 điểm.
Trong số các trường đại học ngoài công lập, Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội (FBU) thông báo tuyển sinh hệ đại học chính quy nguyện vọng bổ sung đợt 1 năm 2016 (từ 15/8 đến 31/8) gồm 650 sinh viên với mức điểm 15. Cũng như vậy nhiều trường đại học khác như Đại học Đại Nam (Hà Nội), Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại học Công nghệ (Đà Nẵng) cùng hàng loạt các đại học khác ở cả 3 miền đều tuyên bố tuyển nguyện vọng bổ sung với hàng chục ngàn chỉ tiêu ở đủ các ngành nghề, chủ yếu chỉ từ mức điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng là 15 điểm.
Quyền lựa chọn là của người học
Theo TS Trương Tiến Tùng - Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội: Năm nay, những đổi thay trong tuyển sinh của Bộ, bên cạnh việc tôn trọng quyền tự chủ của các trường thì vẫn là những ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người học. Khách quan mà nói, đây là việc làm đúng vì việc cạnh tranh trong tuyển sinh là của các trường, nhưng trách nhiệm và quyền lợi của người học thì cần phải được bảo đảm.
Tiến sĩ Tùng lý giải việc thí sinh ảo: Thực tế đây là điều khó tránh, chúng ta cần phải tôn trọng quyền lợi của người học, họ có quyền được lựa chọn điều kiện tốt nhất trong số nhiều điều kiện đưa ra. Vấn đề còn lại là của các trường, nếu có uy tín với người học và xã hội thì sẽ tránh được nạn thí sinh ảo.
Ngoài tâm lý chung của người học thì cũng phải nói đến trách nhiệm của các nhà trường. Có một thực tế ai cũng thấy là hầu như trường nào cũng xây dựng chỉ tiêu tối đa với mức cho phép, thế nên càng nhiều trường như vậy thì càng nhiều chỉ tiêu và người học càng có nhiều cơ hội để lựa chọn. Chính vì thế, các trường đang đẩy mình vào thế cạnh tranh quyết liệt.
Các trường tốp trên cạnh tranh thu hút thí sinh điểm cao, thường thì những trường này sẽ thuận lợi vì uy tín thương hiệu sẵn có. Trường tốp giữa thì cũng phần nào thuận lợi hơn vì cũng theo quy luật là không vào được trường tốp trên thì người học hạ tiêu chuẩn để theo học trường tốp giữa, hoặc xét thấy năng lực học tập của mình ở những trường này là hợp lý hơn cả. Chỉ khó khăn và cạnh tranh quyết liệt nhất là nhóm trường tốp dưới.
Có một thực tế chứng minh là trong khi nhiều trường tìm đủ mọi cách để lôi kéo người học thì có những trường mặc dù có không ít người học vẫn cho rằng đây là những trường tốp dưới (trường ngoài công lập), như Trường Đại học Thăng Long (Hà Nội), Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Trường Đại học HUTECH (TPHCM) vẫn cứ tuyển sinh tốt. Lý giải về điều này, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, những trường này đang làm tốt thương hiệu của mình, được người học, xã hội tin tưởng và chấp nhận.