Chỉ số lạm phát 2020 có thể tăng

Chỉ số lạm phát 2020 có thể tăng

Kết quả cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra

Trái ngược với nỗi lo từ đầu năm, khi cho rằng nền kinh tế khó có thể đạt được ngưỡng tăng trưởng cao (6,8%). Tuy nhiên, theo công bố của Tổng cục Thống kê tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 đã đạt mức 7,02%. “Đây là kết quả ấn tượng, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra” - ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân cho rằng, tăng trưởng được trên 7% là quá tốt. Nó cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế. Theo ông Ân, nền kinh tế không chỉ là tăng trưởng cao, mà còn là lạm phát thấp, các cân đối vĩ mô đều ổn định.

Phân tích kỹ hơn, ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng, động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (vận tải, kho bãi tăng 9,12%. Bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%. Hoạt động tài chính - ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).

Số liệu thống kê cho thấy, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,9%, đóng góp 50,4%. Khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%.

Như vậy, công nghiệp và dịch vụ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng, tốc độ tăng trưởng đều cao hơn năm ngoái (năm ngoái, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, còn khu vực dịch vụ tăng 7,03%). Năm nay, ngành nông nghiệp gặp khó nên tốc độ tăng trưởng chỉ là 2,01%, trong khi năm ngoái, tốc độ tăng trưởng là 3,76%. Có lẽ vì vậy, tốc độ tăng trưởng của năm nay dù vẫn trên 7%, song không cao bằng con số 7,08% của năm 2018.

Quỹ đạo tăng trưởng chưa quay trở lại

Mặc dù chỉ số tăng trưởng cao nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn nhìn nhận bức tranh kinh tế trong những năm tới khá thận trọng. Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cho rằng, mức tăng trưởng 7% mới chỉ là vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong những năm tới, phải đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa và hiện tại vẫn còn nhiều rủi ro. Theo ông Sinh dẫn chứng rủi ro của nền kinh tế nằm ở chuyện thiếu điện nên khó khăn trong thúc đẩy xuất khẩu…

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, chỉ nên nói là nền kinh tế mới đang trên đà phục hồi, tiến tới tốc độ tăng trưởng cao như trước. Chuyên gia Lê Đình Ân cũng cho rằng, chưa thể nói đến câu chuyện “quỹ đạo”, bởi tốc độ tăng trưởng trên 7% mới chỉ 2 năm thì chưa đủ để khẳng định xu thế đi lên của nền kinh tế.

Đại diện cơ quan thống kê, ông Dương Mạnh Hùng, cũng bày tỏ lo ngại khi tốc độ tăng trưởng GDP trong quý IV/2019 đã chậm lại. “Quý IV/2019, tăng trưởng thấp hơn là do những khó khăn trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong quý này, cả 3 ngành trụ cột đều tăng trưởng thấp hơn quý trước, trừ một số ngành như bán buôn, bán lẻ, vận tải…” - ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, điều cần quan tâm là độ mở kinh tế Việt Nam rất cao, gấp đôi GDP. Đây là tín hiệu vừa đáng mừng, vừa đáng lo. Nếu kinh tế, thương mại thế giới tăng trưởng tốt, thì kinh tế Việt Nam sẽ phát triển, còn nếu không thì ngược lại.

Hơn nữa, khi độ mở lớn, khả năng bị các tác động tiêu cực từ bên ngoài đến kinh tế trong nước cũng lớn hơn. Dễ nhìn thấy nhất là những ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đã và đang tác động lên các lĩnh vực xuất khẩu của nước ta. Rủi ro, thách thức còn lớn, nên dù nền kinh tế đúng là đang trên đà phục hồi, song chưa thể nói là quỹ đạo tăng trưởng cao đã quay trở lại.

Giảm sức ép lên lạm phát

Đánh giá về công tác điều hành giá năm 2019, lãnh đạo các bộ, ngành đều cho rằng, Chính phủ và các địa phương đã điều hành lạm phát thành công, ở mức thấp 2,7 - 2,8%. Nó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế...

Đánh giá về công tác điều hành giá năm 2019, lãnh đạo các bộ, ngành đều cho rằng Chính phủ và các địa phương đã điều hành lạm phát thành công, ở mức thấp 2,7 - 2,8. Đây là mức tăng lạm phát thấp nhất trong 3 năm qua khi năm 2018 là 3,54% và năm 2017 là 3,53%.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Điều hành giá của Chính phủ cho rằng, công tác điều hành giá 2020 sẽ thách thức hơn 2019. Nhưng Ban Chỉ đạo thống nhất lựa chọn điều hành lạm phát năm 2020 từ 3,59% - 3,91%.

“Mặc dù sức ép lên lạm phát còn nhiều nhưng Ban Chỉ đạo nhận thấy hoàn toàn có khả thi khi để lạm phát cả năm 2020 dưới 4%” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Để giảm sức ép cho lạm phát, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành không điều chỉnh giá các dịch vụ công trong quý I và quý IV/2020. Điều hoà cung cầu, bảo đảm nguồn cung cho nền kinh tế. Không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá tất cả các loại hàng chứ không riêng gì thực phẩm.

Riêng đối với thịt lợn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ NN&PTNT tăng cường kiểm soát chặt buôn bán lợn, thịt lợn qua biên giới. Kiểm tra xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng cường thêm cung cấp thông tin từ cơ sở. Trong dịp Tết Nguyên đán, phải đáp ứng nhu cầu nhân dân, không để thiếu thịt lợn. Nếu thiếu thì phải nhập khẩu ngay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ