(GD&TĐ)-Tổng cục Thống kê vừa cho biết, trung bình, chỉ số giá tiêu dùng của các địa phương trên cả nước giảm khoảng 0,25%, trong đó, tại Hà Nội đã giảm 0,29% so với tháng trước.
Diễn biến CPI của TP.Hà Nội qua các tháng (Nguồn Tổng cục Thống kê) |
Đây là tháng thứ hai liên tiếp CPI tại Hà Nội giảm và là tháng thứ ba giảm kể từ đầu năm nay.
Như vậy, so với cuối năm ngoái, CPI tháng này còn tăng 2,27% và tăng 4,64% so với cùng kỳ năm 2011.
Giá xăng dầu, gas giảm trong thời gian gần đây, cùng với cầu hàng hóa suy giảm, là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tháng này tiếp tục giảm.
3 nhóm có tỷ trọng lớn trong rổ CPI của Hà Nội giảm kéo theo sự đi xuống của chỉ số giá chung. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,21%, nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vât liệu xây dựng giảm 1,2% và nhóm hàng giao thông giảm 2,9%.
Ngoài sự bất thường so với tháng 7 các năm trước thì diễn biến này còn kéo dài xu hướng giảm của chỉ số giá, tạo lập trong 2 tháng trước đó. Nếu kể cả tháng 4 thì đây là lần giảm thứ 3 của CPI tại Thủ đô kể từ đầu năm đến nay.
So với cuối năm ngoái, chỉ số giá tháng này còn tăng 2,27%; còn so với cùng kỳ năm trước là 4,64%.
Tại Tp.HCM, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 này cũng giảm mạnh gần 0,8%.
Trong tháng 6 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của hai đầu tàu kinh tế cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã cùng nhau giảm tương ứng, ở các mức âm 0,17% và 0,43% so với tháng trước.
Số liệu này đều được ghi nhận là tháng 6 đầu tiên chỉ số giá giảm ở cả hai thành phố trong 5 năm trở lại đây.
Tại Long An: Tháng 7/2012 giá cả hàng hóa tiêu dùng ổn định so tháng trước, chỉ số chung so tháng trước giảm 0,06%, trong đó hàng hóa giảm 0,17% và dịch vụ tăng 0,27%. Trong nhóm hàng hóa, lương thực - thực phẩm tăng 0,07%, (lương thực tăng 1,64%, thực phẩm giảm 0,53%), hàng phi lương thực - thực phẩm giảm 0,41%.
So tháng 12/2011 giá tiêu dùng tăng 0,98%, trong đó lương thực giảm 9,31%, thực phẩm giảm 1,2% và dịch vụ tăng 5,04%.
Bình quân 7 tháng đầu năm 2012 so bình quân 7 tháng đầu năm 2011, giá cả tăng 10,55%, trong đó lương thực tăng 9,68%, thực phẩm tăng 9,20% và dịch vụ tăng 8,45%.
Tại Đồng Nai: CPI tháng 7/2012 là 99,75%, tức là giảm 0,25% so tháng 6/2012. So với tháng 12 năm 2011, chỉ số giá tháng 7 chỉ tăng 3,03%. Như vậy, so với cùng kỳ thì CPI 7 tháng/2012 tăng thấp hơn nhiều (7 tháng/2011 chỉ số CPI tăng 13,49%).
Trong mức tăng 3,03% thì khu vực thành thị tăng 3,4%, khu vực nông thôn tăng 2,79%. Có 10/11 nhóm có chỉ số giá tăng, trong đó có 6 nhóm tăng trên mức tăng bình quân chung.
CPI tháng 7/2012 so với tháng 7/2011 tăng 8,01%. Khu vực thành thị tăng 10,13%, khu vực nông thôn tăng 6,7%.
Tại Đà Nẵng: CPI tháng 7/2012 so tháng trước giảm 0,21% và CPI tháng 7/2012 so với cùng kỳ năm 2011 tăng 6,1%. Mức tăng chung thấp hơn so với mức tăng của năm trước, chỉ số giá các nhóm hàng so cùng kỳ tăng không đồng đều .
Theo nhìn nhận của cơ quan thống kê, việc giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ giảm nhẹ trong tháng 7 chủ yếu do ảnh hưởng của sự giảm giá liên tục của một số mặt hàng xăng dầu, gas từ các tháng gần đây.
Thêm vào đó, từ đầu năm đến nay tình hình kinh tế khó khăn khiến người dân thắt chặt chi tiêu nên sức mua năm nay tăng không cao so các năm trước. Dự ước tổng mức lưu chuyển hàng hoá, dịch vụ trong tháng này chỉ tăng nhẹ so khoảng 1,3% với tháng trước.
Anh Tuấn