(GD&TĐ) - 0,02% là mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 4 so với tháng trước đó. Đó là công bố được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra tại cuộc họp báo sáng 24/4. Như vậy, sau 1 tháng tăng trưởng “âm” đầy bất ngờ, CPI đã “nhích” nhẹ trở lại, tuy vậy, vẫn thấp hơn dự đoán trước đó là ở khoảng 0,5%, đồng thời đưa mức tăng CPI của tháng trở thành mức tăng thấp nhất trong tháng 4 của 10 năm trở lại đây.
Với mức tăng nhẹ 0,02% của tháng 4, CPI cả nước 4 tháng đầu năm đã tăng khoảng 2,41% so với thời điểm cuối năm 2012; so với cùng kỳ tháng 4/2012, CPI tháng 4/2013 đã tăng 6,61%. Xét về diễn biến trong tháng, đúng như dự doán được đưa ra vào đầu tuần này của Báo GD&TĐ, việc điều chỉnh giá xăng dầu cuối tháng 3 (thời điểm bắt đầu tính CPI của tháng 4) tác động không đáng kể đến đà tăng của CPI. Trong những năm gần đây, đây là tháng đầu tiên ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đến các mặt hàng khác là thấp nhất; một phần do song hành với sự điều chỉnh giá, các cơ quan chức năng cũng đã đẩy mạnh các biện pháp chỉ đạo, điều hành bình ổn thị trường; mặt khác, không lâu sau khi điều chỉnh giá tăng, do tác động ngược chiều của giá thế giới, Liên bộ Tài chính – Công thương cũng liên tiếp 2 lần giảm giá xăng, khiến mức hiện tại so với trước thời điểm tăng (ngày 28/3) chỉ còn trên 500 đồng/lít, tác động không đáng kể đến thị trường hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Với mức tăng 3,62%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế “đóng góp” mạnh mẽ nhất vào mức tăng của CPI tháng 4 |
Một nhóm hàng hoá nằm ngoài dự đoán (giảm mạnh thay vì tăng) là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, với mức giảm gần 1% trong tháng 4, đặc biệt là thực phẩm giảm tới 1,24% do ảnh hưởng từ dịch cúm gia cầm tái xuất tại khu vực phía Nam, dù trong thời gian tính toán CPI của tháng có 3 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ, thông lệ vốn là thời điểm người dân chi nhiều hơn cho hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Đây cũng là minh chứng cho thấy giai đoạn kinh tế khó khăn vẫn còn nặng nề, người dân tiếp tục tiết kiệm chi tiêu, khiến các mặt hàng hoá thiết yếu không thể điều chỉnh giá tăng. Nhìn chung, mức giảm gần 1% của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là lực kéo mạnh tác động đến chỉ số chung.
Ngược lại, “đóng góp” nhiều nhất, lại là nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Đúng như Báo GD&ĐT đã đề cập hồi đầu tuần này, tác động tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh của 4 tỉnh thành phố là Hải Phòng, Nam Định, Bình Thuận và Tây Ninh trong tháng 4, đã làm chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất (3,62%) so với tháng trước, trong đó dịch vụ y tế tăng 4,51%. Theo ước tính, tác động của việc tăng giá của nhóm hàng này lên CPI chung là 0,2%. Cũng thuộc vào nhóm hàng có mức tăng về chỉ số giá trong tháng qua nhưng “nhẹ nhàng” hơn một chút là nhóm giao thông. Sau hai lần điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng, chỉ số giá nhóm giao thông đã tăng 1,2% so với tháng trước. Mức tăng này là tổng hợp của cả các tác động trực tiếp và gián tiếp của giá xăng dầu tăng thông qua việc tăng cước vận chuyển hành khách của các hãng vận tải. Tuy vậy, xét về tổng thể, nếu không có tác động mạnh từ nhóm y tế do việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh ở một số địa phương như đã nêu trên, thì chắc chắn chỉ số giá chung sẽ giảm so với tháng trước, nghĩa là hoàn toàn có khả năng chúng ta đã có 2 tháng liên tiếp có chỉ số “âm” về tăng trưởng CPI.
Khánh Sơn