Chi 3.500 tỷ đồng cho Petro Vietnam

Chi 3.500 tỷ đồng cho Petro Vietnam
ảnh MH
ảnh MH

Có ý kiến đề nghị bố trí 3.000 tỷ đồng; ý kiến khác đề nghị chỉ bố trí 1.500 tỷ đồng, còn 2.000 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước và yêu cầu báo cáo danh mục, hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại cho rằng, việc đầu tư và để lại cho Petro Vietnam là thực hiện chiến lược phát triển mạnh ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 theo Quyết định số 386/QĐ - TTg ngày 9/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của Bộ Chính trị. Theo đó, Tập đoàn được để lại ít nhất 50% lợi nhuận từ phần chia cho nước chủ nhà trong Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro và các hợp đồng phân chia sản phẩm. Petro Vietnam được chủ động sử dụng nguồn vốn này để đầu tư phát triển ngành công nghiệp, kinh doanh dầu khí; quy trình, thủ tục đầu tư áp dụng theo quy định của pháp luật đầu tư.

Trong năm 2011, do khả năng cân đối vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước còn rất hạn chế. Việc chi để lại cho Petro Vietnam 3.500 tỷ đồng chỉ bằng khoảng 50% so với mức cần đầu tư trở lại (50% để lại theo quy định vào khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực dầu khí còn lớn, nhiều dự án, công trình đang trong quá trình triển khai thực hiện, nếu không tiếp tục đầu tư trở lại, ngành dầu khí sẽ gặp khó khăn và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Vì vậy, Ủy ban đề nghị Quốc hội chấp thuận cho việc đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng cho Petro Vietnam như đề nghị của Chính phủ. Song đề nghị Chính phủ báo cáo một số nội dung theo yêu cầu vào kỳ họp Quốc hội thứ 9, sau đó mới quyết định chi cụ thể.

Để quản lý sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan và tập đoàn báo cáo Quốc hội danh mục, tổng mức và hiệu quả đầu tư đối với từng dự án, công trình sử dụng nguồn vốn này trong những năm qua. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với Petro Vietnam nhằm bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và đúng pháp luật.

Không tăng ngân sách cho địa phương có nguồn thu lớn

Theo báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua phiếu xin ý kiến, có đại biểu đề nghị xem xét lại việc hỗ trợ 13 tỉnh, thành phố có nguồn thu lớn số tiền 500 tỷ đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là các địa phương kinh tế phát triển, có điều tiết nguồn thu về ngân sách Trung ương, đã được xem xét ưu tiên phân bổ ngân sách thông qua tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên, chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước và áp dụng một số cơ chế tạo động lực cho các địa phương này. Việc bố trí tăng thêm 500 tỷ đồng cho các địa phương không tạo thêm nhiều nguồn lực tài chính và không có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của 13 địa phương này.

Mặt khác, cân đối ngân sách Nhà nước năm 2011 rất khó khăn, nhu cầu vốn đầu tư để giải quyết các vấn đề bức xúc trong công tác xóa đói, giảm nghèo còn thiếu. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu, đề nghị sử dụng 500 tỷ đồng này để hỗ trợ đầu tư làm nhà ở cho người nghèo ở những vùng của các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.