Dù ngay lập tức được chuyển đến bệnh viện Nhi Trung ương điều trị tích cực, nhưng với tình trạng thiếu oxy dẫn đến phù não cấp, bệnh nhi đã tử vong.
Liên tiếp tiếp nhận trẻ đuối nước
Bác sĩ Trần Đăng Xoay, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, bé Huy D. chỉ là một trong rất nhiều các trường hợp trẻ gặp tai nạn thương tâm do đuối nước mà các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận trong vòng 2 tuần đầu tháng 6.
Theo đó, năm nào cũng vậy, thời tiết nắng nóng lên đến đỉnh điểm lại đúng những tháng nghỉ hè của học sinh khiến số lượng trẻ nhập viện do đuối nước lại tăng mạnh. Đó là trường hợp bé Trần Phan A. (8 tuổi, Cầu Giấy). Mẹ bé kể lại, 5 giờ chiều ngày 10/6, bé theo các anh lớn ra hồ bơi gần nhà. Trong lúc các anh không để ý, bé Phan A. tự trèo sang khu vực dành cho người lớn và gặp nạn ở đó.
Bé Phan A. đang được điều trị tích cực tại BV Nhi Trung ương
Ngay lập tức, cháu được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi. Tuy nhiên, đến nay sau gần 1 tuần điều trị tích cực, bé vẫn chưa được xuất viện, các bác sĩ vấn tiếp tục theo dõi sát.
Hoặc gần đây nhất là bé Bùi Lê H. (12 tuổi, Phú Thọ), bệnh nhi nhập viện ngày 12/6, hiện đang phải theo dõi tại khoa cũng vì đuối nước. Khi được đưa vào bệnh viện Nhi cấp cứu, bé H. đã ở trong tình trạng kích thích, trào bọt hồng. Bé được các bác sĩ chẩn đoán phù phổi cấp do ngạt nước.
Một trường hợp khác cũng thương tâm không kém là Cháu Vũ Duy H. (18 tháng, Hải Dương). Người nhà H. kể lại, ngày 11/06 bố mẹ đi vắng, bé ở nhà với bà. Trong lúc bà không để ý, bé mon men ra ao đầu nhà chơi và trượt chân ngã xuống ao nuôi cá.
5 phút sau bà cháu ra tìm nhưng không thấy bé H. đâu, mặt ao gần đó có bọt sủi tăm nổi lên. Đoán chắc cháu bị ngã, bà vội vàng lội xuống thì vớt được cháu H. Cháu được người nhà đưa đến trạm xá, bệnh viện huyện rồi chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tím tái, khó thở.
TS, BS Tạ Anh Tuấn, trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, các trường hợp gặp tai nạn chủ yếu rơi vào các bé trai ở tuổi hiếu động nhưng lại không đủ ý thức trước những hiểm họa rình rập. Bên cạnh đó, sự bất cẩn của người lớn trong việc chăm nom trẻ cũng góp phần đáng kể vào những tai nạn đáng tiếc này.
Cách nào ngăn ngừa?
TS. BS Tạ Anh Tuấn cho biết thêm, đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Trong trường hợp được cấp cứu kịp thời có thể qua cơn nguy kịch nhưng để lại biến chứng nặng như: suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thưỡng não do thiếu oxy kéo dài.
Chính vì vậy, để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy đến với trẻ em do đuối nước, việc nâng cao ý thức cảnh giác của những người chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ là điều vô cùng cần thiết.
“Với các trẻ ở độ tuổi nhỏ vẫn cần người lớn trông nom, các bậc phụ huynh cần chú ý để mắt giữ trẻ, không để trẻ chơi ở ao, hồ, kênh, mương. Các loại thau , chậu, dụng cụ đựng nước trong nhà cần được đậy kín…Với nhóm trẻ lớn, đặc biệt là các bé trai bản tính vốn hiếu động, gia đình và nhà trường,ngoài việc giáo dục ý thức tự bảo vệ khỏi các hoạt động mạo hiểm, trẻ cần được tập huấn các kỹ năng bơi và sơ cứu cơ bản trong trường hợp không có sự giúp đỡ của người lớn” – TS. BS Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đối với các hồ bơi, BS Anh Tuấn khuyến cáo cần có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp. Bởi những thao tác đầu tiên của cấp cứu hồi sức ban đầu góp phần quan trọng trong việc cứu sống tính mạng của nạn nhân đuối nước.
Theo các chuyên gia, trong trường hợp gặp người đuối nước, khi đưa được nạn nhân lên bờ cần kiểm tra tình trạng sức khỏe. Nêu nạn đã bị bất tỉnh, thì hãy xem thử họ có còn thở hay không. Nếu như còn thở thì chỉ cần xóc nước bằng cách đưa nạn nhân lên cao rồi xóc vài cái cho nước trào ra, dùng tay móc những vật lạ mà họ đã nuốt phải ra khỏi miệng để tránh bị nghẽn đường hô hấp. Nếu nạn nhân ngưng thở thì cần phải làm hô hấp nhân tạo ngay bằng cách đặt nạn nhân ở nơi thoáng mát, nới lỏng quần áo, dây nịt, cà vạt.
Nếu có thể thì đặt nạn nhân nằm ngửa trên một mô đất cao, hay bàn ghế, giường để không phải cúi gập người khi hô hấp. Nếu trong miệng và cổ họng nạn nhân có vướng vật gì, hãy ấn vải vào đầu ngón tay và móc sạch ra, sau đó lau miệng nạn nhân cho sạch. Sau đó, kéo đầu nạn nhân ngửa về phía sau, kéo hoặc đẩy hàm dưới để cho miệng nạn nhân mở ra. Sau đó dùng bản tay vừa đẩy trán nạn nhân vừa bịt mũi họ lại bằng ngón trỏ và ngón giữa. Bàn tay kia dùng banh hàm nạn nhân và kéo miệng cho mở ra. Sau đó cần hít vào đầy lồng ngực, đoạn há miệng rộng rồi áp sát vào miệng nạn nhân. Thổi hơi thật mạnh cho đến khi thấy lồng ngực của nạn nhân phồng lên, mấy hơi đầu cần thổi thật mạnh. Sau đó nghiêng đầu lắng tai nghe hơi thở trở ra. Lặp lại động tác trên với nhịp độ 12 lần trong một phút đối với người lớn và 20 lần một phút đối với trẻ em.