Theo ghi nhận, trên đường dẫn vào thắng cảnh, nhiều điểm mật độ phương tiện tăng đột biến gây ách tắc hàng tiếng đồng hồ.
Dầm mưa đổ về cửa Phật
Những ngày qua, thời tiết rả rích mưa xuân khiến đường sá dẫn vào các điểm du lịch trở nên lầy lội, tuy nhiên, điều kiện đi lại không thuận lợi cũng không ngăn được dòng người nô nức đổ về lễ hội Tràng An - Bái Đính du xuân.
Cao điểm là vào dịp cuối tuần, lượng ô tô, xe máy đổ dồn về các điểm du lịch cùng một thời điểm khiến mật độ phương tiện tăng đột biến, gây ách tắc cục bộ. Trong bán kính 2 km, các phương tiện đều phải chen chúc nhau và di chuyển với tốc độ rất chậm. Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân diễn ra từ ngày mùng 6 Tết đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình.
Hòa trong biển người hướng về lễ hội, chị Phạm Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, tôi cùng các anh chị em trong cơ quan đến Bái Đính - Tràng An tham quan, lễ chùa. Cứ nghĩ trời mưa, khách tham quan sẽ vắng hơn nhưng không ngờ lượng người đổ về đây vẫn đông ngoài sức tưởng tượng. Chúng tôi xuất phát từ Hà Nội từ 6 giờ mà 9 giờ hơn mới đến nơi”.
Tại điểm chùa Bái Đính, hàng vạn người tấp nập nơi cổng chính và cầu may tại đền Minh Đỉnh Danh Giám. Đặc biệt, đường lên chùa Cổ (thuộc quần thể chùa Bái Đính) xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Người người chen chúc nhau trên con đường nhỏ dẫn vào ngôi chùa trong hang động. Có thời điểm, khách du lịch phải đứng “bất động” tại chỗ hàng chục phút đợi nhích từng bậc thang dẫn vào chùa.
Anh Minh Tiến (Ứng Hòa, Hà Nội) than thở: “Đường lên chùa Cổ đông nghịt người, tôi phải đứng chôn chân cả tiếng đồng hồ vẫn chưa đến nơi dù được biết đường lên có 300 bậc đá. Đông đến mức không xoay được người, lấy điện thoại ra nghe cũng khó, chỉ biết đi theo dòng người, đã trót đi lên là phải lên, muốn xuống cũng không được”.
Đường từ Bái Đính ra bãi đậu xe khoảng 2 cây số, nhiều du khách sau hành trình dài đã thấm mệt nên dịch vụ di chuyển bằng xe điện được khai thác triệt để. Giá vé lượt ra được bán với giá lên tới 30.000 đồng/người.
Tại khu danh thắng Tràng An, mật độ du khách cũng quá tải, chật cứng người mặc cho tình trạng thời tiết không mấy thuận lợi. Giá vé đi đò được niêm yết với giá 150.000 đồng/người. Dù trời mưa rả rích nhưng hàng nghìn người vẫn nhẫn nại, xếp hàng chờ đến lượt xuống đò.
Chị Phạm Minh Thủy (Cầu Diễn, Hà Nội) thở dài chia sẻ: “Đoàn mình đã mua vé từ cách đây một tiếng rưỡi mà vẫn chưa biết bao giờ mới đến lượt để xuống đò. Tình hình dòng người đông thế này có khả năng sẽ phải tiếp tục chờ đợi cả tiếng nữa”.
Chấn chỉnh văn hóa lễ hội
Qua các mùa lễ hội, có một thực tế là, văn hóa lễ hội dường như chưa được nhìn nhận đúng mức. Đến các điểm tâm linh, thấy tràn lan hiện tượng gài tiền vào tượng Phật, chen chúc để lễ và xô đẩy nhau lấy lộc.
Hiện tượng người đi lễ rắc muối, gạo cũng tràn lan ở nhiều di tích tín ngưỡng, trong khi, theo các nhà nghiên cứu, xưa, người ta chỉ rắc gạo, muối khi cúng chúng sinh vào ngày rằm tháng 7, hay cúng cô hồn trong ngày đầu năm, còn đình, chùa là nơi có thần Phật ngự trị, linh thiêng nên không thể rắc gạo, muối được. Ở nhiều ngôi chùa, kể cả chùa Hương, vẫn thấy nhiều người mang cả gà luộc, rượu, thịt đặt lên ban thờ và mang tiền vàng (mã) dâng lên khá phổ biến.
Dù liên tục được chấn chỉnh và rút kinh nghiệm nhưng tất cả những điều đang diễn ra vẫn cho thấy, công tác quản lý lễ hội có rất nhiều lỗ hổng, do tầm nhìn của người quản lý, bắt đầu ngay từ khâu tổ chức lễ hội. Tình trạng quá tải là nguyên nhân chính gây ra những khó khăn và áp lực cho các nhà quản lý ở một số lễ hội.
Dù vậy, không phải không có những dấu hiệu tích cực. Theo quan sát, trong những ngày cao điểm như thế này, lực lượng công an tỉnh Ninh Bình đã đồng loạt ra quân, cố gắng đảm bảo an ninh, trật tự tại lễ hội Tràng An - Bái Đính. Do lượng người và phương tiện giao thông đông, các chiến sĩ cảnh sát giao thông phải đứng giữa trời mưa cả chục tiếng đồng hồ để phân luồng và hướng dẫn giao thông.
Việc hàng vạn du khách đổ về Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình) trong hai ngày cuối tuần vừa qua đã khiến khu du lịch này bị “vỡ trận” với những cảnh xô đẩy, chen lấn, cãi cọ... thiếu văn hóa của người dân và sự bất lực của Ban tổ chức.