Chen chân dâng lễ đền Và

Chen chân dâng lễ đền Và

Ngay từ ngã tư Sơn Lộc (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), cách đền Và khoảng 2km, ô tô, xe máy nối hàng dài.

Không chỉ là ô tô gia đình mà còn có cả ô tô khách từ Bắc Giang, Thái Bình, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa... cũng rì rì nối bánh.

Con đường nhỏ từ bãi gửi xe dẫn lối vào đền nhiều lúc đông nghịt khách qua lại. Hàng quán hai bên thi nhau chào mời mua lễ, chào mời cơm lam, bánh giò, chè lam...

Chen qua hai cửa nhỏ là cả khoảng sân rộng của đền Và mà bỗng như hẹp lại khi khách gần như phủ kín.

Giữa sân đền, một gia đình gồm cả chục người ngồi xì xụp khấn vái theo thầy cúng.  

Một gia đình hành lễ ngay tại sân đền Và. Ảnh: Bình Thanh
Một gia đình hành lễ ngay tại sân đền Và. Ảnh: Bình Thanh 

Thật khó lòng len chân vào phía trong đền để dâng lễ và hạ lễ khi hàng trăm người cùng chờ đến lượt.

Những mâm lễ được đánh số thứ tự lên đến vài trăm mâm đi từ cửa bên này sang cửa bên kia theo trật tự.

Ở phía cửa dâng lễ, ông thủ từ phụ trách ghi số lẩm nhẩm, bụng đói meo vì từ trưa tới giờ chưa được hạt cơm nào vào bụng. Lúc đó đã là 16 giờ chiều mùng 4 Tết.

Trở ra từ cửa dâng lễ, khách thập phương cùng hành lễ, người sau vái người trước. Có chị phụ nữ cầm theo cả tờ giấy lẩm nhẩm...

Bên phía cửa hạ lễ, những xấp tiền lẻ được gửi lại nhà đền còn khách thập phương chỉ nhận lại lộc là những hộp bánh, gói kẹo... với niềm vui đã được kính dâng tấm lòng thành lên thánh.

Khách thập phương nhận lộc lễ thánh Tản Viên. Ảnh: Bình Thanh
Khách thập phương nhận lộc lễ thánh Tản Viên. Ảnh: Bình Thanh  

“Chúng tôi đi từ Bắc Giang về lễ thánh, sau cả ngày đường. Được biết, đây là ngôi đền cổ linh thiêng, thờ thánh Tản Viên.” – chị Nguyễn Thị Hồng (Bắc Giang) cho biết.

Như lời giới thiệu ở ngay cửa đền mà không nhiều người dừng chân lại xem, đền Và còn có tên gọi là Đông Cung, xây dựng trên một khu đồi thuộc thôn Văn Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Theo truyền thuyết, đền thờ thánh Tản Viên (Sơn Tinh thần núi Ba Vì), được xây dựng từ đời Hùng Vương thứ 18.

Nguyên xưa kia, Tản Viên là người được Thần thái Bạch Kim Tinh ban cho chiếc gậy phép “đầu sinh, đầu tử” để đi cứu dân độ thế.

Đức Thánh đã cứu được Tiểu Long Thần con vua Long Vương ở Bể Nam, được Long Vương tặng cuốn “Thần thư bí pháp truyền” (sách ước).

Sau này nhờ có sách ước ấy mà Sơn Tinh lấy được công chúa Mị Nương là con vua Hùng thứ 18.

Thủy Tinh thần sông đến sau không lấy được Mị Nương bèn dâng nước lên đánh, nhưng không đánh nổi đành rút về.

Sơn Tinh đại thắng mở tiệc ăn mừng và lập lâu đài để vinh danh chiến công oanh liệt đó (đền Và ngày nay).

Mái đền Và mang nhiều nét cổ kính. Ảnh: Bình Thanh
Mái đền Và mang nhiều nét cổ kính. Ảnh: Bình Thanh 

Về sau, Sơn Tinh thường đi khắp nơi cứu giúp dân lành, nơi nào Người qua đều được nhân dân lập đền thờ nên xung quanh núi Ba Vì hiện nay có 4 ngôi đền lớn gọi là tứ cung:

Đông Cung: Đền Và thuộc phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây; Tây Cung: Đền Hạ thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì; Nam Cung thuộc thôn Yên Quảng, Tản Lĩnh, Ba Vì và Bắc Cung thuộc thôn Thượng Huyện, Yên Lạc, Vĩnh Phúc.

Ngoài ra còn có rất nhiều - nơi lập đền thờ như đền Măng (nơi Người săn bắn), Đầm Mộc – nơi Người đến câu...

Đền Và từ khi được xây dựng đến nay qua các triều đại Lý, Trần. Các đời vua Minh Mệnh, Tự Đức Thành Thái... đền Và tiếp tục được sửa chữa lại.

Đặc biệt là đời vua Duy Tân các năm Đinh Mùi, Mậu Tý, đền Và được trùng tu lại như ngày nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ