Chiều 27-11, xét thấy mức án mà cấp tòa sơ thẩm áp dụng là phù hợp, trong khi đó bị cáo lại không có tình tiết gì mới nên HĐXX phúc thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định bác đơn kháng cáo của Phạm Văn Tùy (SN 1985), trú ở thôn 7, xã Trung Châu, Đan Phương, Hà Nội. Điều này đồng nghĩa với việc gã “xe ôm” Phạm Văn Tùy vẫn phải chấp 5 năm tù về tội “Cướp giật tài sản”.
Tại tòa, bị cáo khai nhận thời điểm phạm tội đối tượng hành nghề “xe ôm” trên địa bàn quận Cầu Giấy. Khoảng 3h ngày 2-5-2015, trên đường chạy xe “rỗng khách”, Tùy nhìn thấy chị Phạm Ngọc Thủy (SN 1992, trú ở TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đang đi bộ cùng người bạn trai, tại ngõ 337 đường Cầu Giấy và đeo chiếc túi xách trên người.
Gã "xe ôm", kiêm cướp giật Phạm Văn Tùy tại phiên tòa phúc thẩm
Chờ cho đôi trai gái đi vượt qua mặt mình một đoạn, Tùy lập tức quay xe đuổi theo, đồng thời áp sát từ phía sau, rồi nhanh tay giật phăng chiếc túi xách trên người cô gái. Bất ngờ bị giật đồ ngay gần khu nhà ở của mình, chị Thủy cùng bạn trai chỉ kịp ú ớ kêu lên mấy tiếng trong vô vọng.
Cướp được túi xách của người đi đường, Tùy phóng xe máy đến khu đô thị Dịch Vọng kiểm tra và lấy sạch tài sản bên trong gồm: 3 chiếc điện thoại, trong đó có 2 iPhone và 7 triệu đồng tiền mặt. Đối với chiếc túi xách cùng nhiều giấy tờ cá nhân của bị hại, đối tượng vứt bỏ không thương tiếc.
Cũng với thủ đoạn chuyên “công kích” mục tiêu ở những chỗ chẳng mấy ai ngờ đến, khoảng 0h ngày 27-3-2015, Tùy phát hiện chị Nguyễn Thị Kim Chi (SN 1990, ở phường Yên Hòa, Cầu Giấy) đi bộ một mình trong ngõ 155 đường Cầu Giấy. Trong chớp mắt, gã “xe ôm” đã áp sát và giật được chiếc túi xách trên tay nạn nhân.
Phóng xe đến ngõ 165 đường Cầu Giấy, đối tượng kiểm tra “chiến lợi phẩm” phát hiện bên trong có chiếc điện thoại trị giá 2,4 triệu đồng, 2 triệu đồng tiền mặt và thẻ ATM cùng giấy tờ cá nhân. Cướp được tài sản, Tùy đem chiếc điện thoại của bị hại đi bán được 2,1 triệu đồng và nhanh chóng ăn tiêu hết cùng với số tiền trong túi xách của chị Chi.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định tổng giá trị tài sản gã “xe ôm” cướp giật của 2 thiếu nữ là gần 30 triệu đồng. Ở lần cướp tài sản của chị Thủy, Tùy đã nhờ cậu em vợ bán hộ 2 chiếc điện thoại iPhone nhưng không bán được do điện thoại bị khóa mã. Toàn bộ tài sản của các bị hại sau đó cũng đã được CQĐT thu hồi và trao trả cho 2 cô gái.
Ngoài 2 vụ cướp giật nêu trên, Tùy cũng khai nhận còn gây ra 5 vụ cướp giật tài sản khác cũng với thủ đoạn gây án đối với phụ nữ, bị hại đi bộ giữa đêm khuya và chỉ “hành sự” ở những chỗ ít ai ngờ tới là trong các ngõ ngách. Về các vụ cướp giật này, do đến nay chưa xác định được bị hại nên các cơ quan tố tụng quyết định tách rút hồ sơ, xử lý sau.
Lý giải vì sao chỉ cướp giật tài sản trên địa bàn quận Cầu Giấy, Tùy cho biết đơn giản là vì bị cáo rất thông thạo địa bàn nơi đây nên dễ dàng tẩu thoát. Tiếp đến trả lời câu hỏi của tòa “có nghề chạy “xe ôm” sao vẫn còn đi cướp giật”, bị cáo đáp: “Vì chạy xe không đủ sống”.
Mặc dù Phạm Văn Tùy có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, song Tòa án Hà Nội khẳng định tất cả các tình tiếp giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được Tòa án quận Cầu Giấy áp dụng. Còn tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không đưa ra được tình tiết gì mới. Với nhận định ấy, Tòa án Hà Nội quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.