Ngày 22/3, 3 vụ nổ liên tiếp xảy ra tại Brussels, Bỉ vào giờ cao điểm buổi sáng, trong đó 2 vụ ở sân bay Zaventem, 1 vụ ở ga tàu điện ngầm Maalbeek khiến 35 người thiệt mạng, 300 người khác bị thương. Hình ảnh trên là quang cảnh trong sân bay Zaventem sau các vụ nổ. (nguồn: Reuters).
Ngày 10/5, một người đàn ông có liên quan đến Hồi giáo cực đoan đã tấn công bằng dao làm một người chết và ba người bị thương ở ga tàu gần Munich, Đức. Sau vụ khủng bố, cảnh sát đã tăng cường tuần tra tại các trạm xe lửa chính ở Munich, miền Nam nước Đức. (Ảnh: Getty Images).
Ngày 13/6, một sĩ quan cảnh sát Pháp và vợ đã bị một kẻ tuyên bố trung thành với IS. đâm chết tại nhà riêng của họ ở Magnanville, phía tây thủ đô Paris, Pháp. Rất đông người dân đã tới bên ngoài hiện trường để theo dõi tình hình. (Ảnh: AFP).
Ngày 14/7, một xe tải "điên" đã lao vào đám đông những người tụ tập xem bắn pháo hoa tại thành phố Nice nhân ngày Quốc khánh Pháp. Vụ việc khiến 84 người chết và hàng trăm người bị thương. Bức ảnh búp bê nằm cạnh một thi thể đã trở thành biểu tượng của vụ thảm sát bằng xe tải tại Pháp. (Ảnh: Reuters).
Ngày 18/7, một thanh niên nhập cư người Pakistan đã dùng rìu tấn công làm bị thương hàng chục hành khách trên một chuyến tàu ở bang Bavaria, Đức. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sau đó đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ việc. (ảnh: AP).
Ngày 22/7, nước Đức hứng chịu thêm một vụ tấn công khác. 9 nạn nhân thiệt mạng và 21 người khác bị thương trong vụ xả súng bất ngờ tại một khu mua sắm nhộn nhịp ở Munich, Đức.
Thủ phạm là người tị nạn gốc Iran. Không khí căng thẳng bao trùm lúc hung thủ vẫn đang có mặt ở hiện trường và nắm giữ các con tin. (ảnh: AP).
Ngày 24/7, 15 người bị thương, trong đó có 4 người bị thương nặng trong một vụ đánh bom liều chết bên ngoài quầy bar ở Ansbach, Đức. Thủ phạm là một kẻ tuyên bố trung thành với IS. Hình ảnh trên là lúc cảnh sát thu thập bằng chứng tại hiện trường. (ảnh: Reuters).
Cùng ngày 24/7, ít nhất 1 người thiệt mạng và 2 người khác bị thương trong một vụ tấn công bằng dao rựa tại thành phố Reutligen, phía Tây nam nước Đức. Kẻ giết người được xác định là một người nhập cư quốc tịch Syria, 21 tuổi. Ảnh trên là hiện trường vụ tấn công. (ảnh: Getty).
Ngày 26/7, một mục sư 84 tuổi đã thiệt mạng trong vụ bắt cóc con tin tại nhà thờ ở thị trấn Saint-Etienne-du-Rouvray, thuộc vùng Normandy, Pháp. Mục sư là 1 trong số 6 người bị 2 kẻ tấn công bắt giữ trước khi chúng bị cảnh sát tiêu diệt. IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc này. Ảnh trên là thời điểm cảnh sát phong tỏa nhà thờ khi vụ việc xảy ra. (ảnh: Reuters).
Tối 19/12, một chiếc xe tải đã lao vào một khu chợ Giáng sinh đông đúc tại thủ đô Berlin của Đức khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và gần 50 người khác bị thương. IS sau đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc này. Hiện trường vụ tấn công chợ Giáng sinh tại Berlin. (Ảnh: Reuters).
Ngày 19/12, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov đã bị một tay súng bắn chết khi đang phát biểu tại cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Nghi phạm sau đó được xác định là Mevlut Mert Altintas, 22 tuổi, bị nghi ngờ có liên hệ với các tổ chức thánh chiến cực đoan. (ảnh: Reuters).
Trước thềm năm mới, các nước châu Âu đều lo ngại thắt chặt an ninh. Hình ảnh các cảnh sát tuần tra với súng trường đã trở nên quen thuộc tại London. (Ảnh: Dailymail).
Năm 2016 là một năm nhiều đau thương và mất mát của châu Âu, đặc biệt là nước Đức với hàng loạt vụ tấn công liên tiếp. Người dân Đức thắp nến tưởng nhớ các nạn nhân vụ tấn công khu chợ Giáng sinh ở Berlin. (Ảnh: AFP).