(GD&TĐ) – Các cường quốc châu Á đang vượt Mỹ để trở thành những quốc gia chi mạnh tay cho quốc phòng nhất vào năm 2021 và họ cũng đang tạo nên một “vụ nổ” về buôn bán vũ khí toàn cầu.
Máy bay chiến đấu của hãng Dassault Aviation mà Ấn Độ đã lựa chọn |
Các thương vụ buôn bán vũ khí toàn cầu đã tăng 30% lên con số 73,5 tỉ USD từ năm 2008 đến 2012 mặc dù suy thoái kinh tế, do Trung Quốc tăng cường xuất khẩu và nhu cầu từ các nước như Ấn Độ. Dự kiến con số trên sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2020 – Công ty tư vấn về quốc phòng và an ninh IHS Jane’s vừa cho biết.
“Các ngân sách đang chuyển về phía Đông và buôn bán vũ khí toàn cầu đang tăng cường sự cạnh tranh. Đây là “vụ nổ” lớn nhất trong ngành thương mại mà thế giới từng chứng kiến” – Paul Burton, nhà quản lý cao cấp của IHS Jane’s, đã nghiên cứu 34.000 chương trình về quốc phòng cho biết.
Mỹ chiếm phần lớn chi tiêu quốc phòng toàn cầu trong vòng thập kỷ qua, nhưng việc cắt giảm ngân sách ở Washington khi Mỹ rút khỏi các nước như Afghanistan, khiến Mỹ chỉ chiếm 30% chi tiêu quốc phòng toàn cầu vào năm 2021, đứng sau châu Á ở mức 31%.
Chi tiêu cho quân sự ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia sẽ tăng 35% lên 501 tỉ USD trong vòng 8 năm tới, so với mức giảm 28% chi tiêu quốc phòng ở Mỹ xuống còn 472 tỉ USD trong cùng thời kỳ. - IHS Jane’s cho biết.
“Các công ty quốc phòng phương Tây không có sự lựa chọn nào – xuất khẩu hay bị teo lại – tuy nhiên điều này có thể là gieo mầm chết chóc cho chính mình; những cơ hội ở phương Đông là thanh kiếm 2 lưỡi, nó đang thổi bùng xu hướng đe dọa sự áp đảo của Mỹ về quốc phòng” – Nhà phân tích cao cấp Guy Anderson của IHS Jane’s cho biết.
Việc Trung Quốc tăng cường chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây đang khiến các nước hàng xóm như Nhật Bản – quốc gia đang có tranh chấp đảo với Trung Quốc – lo ngại, mặc dù Trung Quốc liên tục nói không có gì phải e sợ.
Nhật Bản, cũng như Ấn Độ và Hàn Quốc, đều nằm trong số những nước đang được các nhà sản xuất vũ khí lớn như Lookheed Martin, Boeing và BAE Systems chào mời để bán được nhiều chiến đấu cơ và các thiết bị, nhằm bù vào việc cắt giảm chi tiêu ở các thị trường quê nhà châu Âu. Tuy nhiên, những thương vụ này phải đòi hỏi một sự đầu tư của ngành Quốc phòng của các nước đó.
Ví dụ như Ấn Độ đang đàm phán với công ty Dassault Aviation của Pháp về đơn đặt hàng 12 tỉ USD để mua 126 máy bay chiến đấu và muốn 50% công việc được chuyển cho các công ty Ấn Độ thực hiện.
Trung Quốc được cho là sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 64% lên 207 tỉ USD vào năm 2021, so với Ấn Độ và Indonesia có mức dự đoán tương ứng là tăng 54 và 113% - nghiên cứu trên cho biết.
Những quốc gia này có tham vọng xây dựng ngành quốc phòng lớn mạnh có khả năng tạo ra các phương tiện hiện đại như chiến đấu cơ, mẫu hạm và có thể xuất khẩu, cạnh tranh với phương Tây trong vòng 1 thập kỷ.
Hà Châu (Theo Reuters)