(GD&TĐ) – Hàng ngàn kilomet từ Cameroon đến Kuala Lumpur , sinh viên y học Michael Nkwenti Ndongfack đã theo học các lớp của trường ĐH Mở Malaysia qua mạng và hy vọng sẽ bảo vệ luận văn của mình qua Skype.
Là một công chức nhà nước, Ndongfack không thể tìm thấy khóa học mà anh cần ở đất nước mình, nên anh đã trả cho một trường nước ngoài khoảng 10.000 USD để có được tấm bằng.
Trường ĐH Online đang phát triển mau chóng ở châu Á, nơi tốc độ sử dụng công nghệ và Internet đã theo kịp giáo dục.
“Tôi chọn e-learning bởi vì nó rất linh hoạt” – Ndongfack, 42 tuổi, nói với hãng tin AFP qua phần mềm trò chuyện trực tuyến Skype từ nhà mình ở Yaounde, Cameroon.
Các khóa học trên mạng đã tăng cường đáng kể các cơ hội cho học viên và thường rẻ hơn các trường học truyền thống.
Tuy nhiên, việc học qua mạng cũng đang được một số trường ĐH danh tiếng thế giới chú ý. ĐH Học Harvard và Viện công nghệ Massachuset gần đây đã cùng nhau đưa ra những khóa học miễn phí trên internet.
“Với sự cải tiến về công nghệ, số trường học đưa ra các khóa học trên mạng đã tăng lên cả về số lượng và loại hình lớp học” – ông Lee Hock Guan, quan chức cao cấp tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore.
Chính phủ Malaysia cho biết khoảng 85.000 người tham gia các khóa học online trong cả nước vào năm ngoái.
Hàn Quốc có hơn 112.000 học viên tại 19 viện đào tạo đang tham gia các khóa học online bắt đầu từ năm 2002.
Trung Quốc bắt đầu có khái niệm học online từ cuối những năm 90 nhằm mở rộng sự tiếp cận với GD, đặc biệt là những vùng nông thôn rộng lớn và hiện tại có một loạt nhà cung cấp và 1,64 triệu người đã theo học vào năm 2010.
Các học viên đang chuẩn bị cho một kỳ thi tại trường ĐH quang mạng ở Kuala Lumpur Malaysia |
Một loại hình học tập mới
Các khóa học online đang thay đổi cách học tập của học viên, các nhà giáo dục cho biết, đặt ít trọng tâm hơn vào việc học thuộc lòng vốn đã là đặc tính của GD ở nhiều nơi ở châu Á.
Các trường ĐH “mở” vốn đưa ra các khóa học trên mạng cho phép bất kỳ ai tham dự vào chương trình online cho dù trình độ hoặc bằng cấp trước đó của họ là gì.
Tại một trường ĐH ở Kuala Lumpur, học viên tải tài liệu từ một diễn đàn trên mạng và thư viện ảo. Họ liên lạc với giáo viên và học viên khác chủ yếu qua email, tin nhắn, điện thoại.
Bài tập chủ yếu minh họa lại những gì đã học bằng video và các phần mềm chạy trên điện thoại thông minh, iPad hoặc các thiết bị khác và tải lên YouTube.
Các học giả cho rằng cách học tương tác như vậy giúp HS hiểu tài liệu hơn là ngồi thụ động trong một giảng đường, hơn nữa nó mở ra một cửa số học tập thông qua một phương tiện mà họ biết và yêu thích, đó là những thiết bị hiện đại nhất.
Những học viên có thể ngại ngùng khi đưa ra câu hỏi trên lớp học truyền thống sẽ mạnh dạn hơn trên mạng.
Tuy nhiên, học qua mạng cũng có một số trở ngại. Ndongfack cho rằng học qua mạng cũng không dễ dàng vì nó khiến anh cảm thấy cô lập.
Tốc độ phát triển của các khóa học trên mạng cũng bị cản trở bởi tốc độ truy cập Internet ở nhiều nơi tại châu Á. Hơn 80% người Hàn Quốc và 60% người Malaysia được tiếp cận Internet, trong khi đó tỷ lệ này ở Trung Quốc là khoảng 40% và Ấn Độ là 10%.
Có một số chỉ trích khác về quy định thiếu hợp lý, những cáo buộc về chất lượng dạy học, sự gian lận của học viên và sự thật là những tấm bằng học qua mạng không được công nhận rộng rãi như các khóa học truyền thống. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng những vấn đề này sẽ được thay đổi qua thời gian, và chỉ trong một vài thập kỷ, học viên sẽ không chỉ theo học ở một mà vài trường ĐH online.
Hà Châu (Theo AFP)