(GD&TĐ) – Về nhập khẩu vũ khí, châu Á đang dẫn đầu thế giới, theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm SIPRI (viện chuyên về kiểm soát và giải trừ vũ khí) đưa ra hôm qua (19.3).
Chiếc Sukhoi-30 của Không lực Ấn Độ |
Lượng vũ khí thông thường vận chuyển trên thế giới tăng 24% trong thời kỳ 2007 – 2011 so với thời kỳ 2002-2006 – bản báo cáo cho biết.
Trong vòng 5 năm qua, châu Á và châu Đại dương chiếm 44% lượng vũ khí nhập khẩu. So với châu Âu là 19%, Trung Đông là 17%, Bắc và Nam Mỹ là 11% và châu Phi là 9%. Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất từ năm 2007-2011, chiếm 10% tổng lượng vũ khí giao dịch. Tiếp theo là Hàn Quốc (6%), Trung Quốc và Pakistan (mỗi nước 5%), Singapore (4%).
SIPRI cho biết lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ tăng 38% từ giai đoạn 2002-2006 đến 2007-2011, đặc biệt là số chiến đấu cơ nhập về trong giai đoạn 2007-2011 gồm: 120 chiếc Su-30MK và 16 chiếc MiG-29K từ Nga, 20 chiếc Jaguar S từ Anh.
Trong khi Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới thì nước hàng xóm Pakistan cũng đứng thứ 3. Pakistan mua “một lượng lớn chiến đấu cơ trong thời kỳ này: 50 chiếc JF-17 từ Trung Quốc và 30 chiếc F-16” – bản báo cáo cho hay - Hai quốc gia này “đã và sẽ tiếp tục mua về một lượng xe tăng lớn”.
“Các nước nhập khẩu vũ khí lớn châu Á đang tìm cách tự phát triển ngành công nghiệp vũ khí của riêng mình và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung ứng bên ngoài” – ông Pieter Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp Chương trình chuyển vũ khí SIPRI cho biết.
Từ năm 2006 tới 2007, Trung Quốc đứng đầu thế giới về nhập khẩu vũ khí nhưng bây giờ đã tụt xuống thứ 4. Bản báo cáo cho rằng việc Trung Quốc giảm bớt nhập khẩu vũ khí trùng hợp với sự cải tiến của ngành công nghiệp vũ khí và tăng xuất khẩu vũ khí của nước này.
Theo bản báo cáo, Trung Quốc vẫn chưa đạt được bước đột phá trong lĩnh vực này và hiện chỉ là nước xuất khẩu vũ khí thứ 6 sau Mỹ, Nga, Đức, Pháp và Anh.
Ở Châu Âu, Hy Lạp là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất từ năm 2007 tới 2011.
Tại châu Phi, lượng vũ khí nhập khẩu tăng tới 110% trong thời kỳ 2007 tới 2011, trong đó số vũ khí chuyển tới Bắc Phi tăng 273%.
Hà Châu (Theo AFP)