(GD&TĐ) - Tự nhận là không có một gương mặt thật đẹp, một ngoại hình thật “bắt mắt” nên ngay từ khi bước chân vào con đường nghệ thuật, Vũ Đình Toàn đã chọn cho mình một hướng đi riêng, nghiêng về khả năng diễn xuất. Và anh đã thành công bằng chính cách diễn rất sáng tạo, có chiều sâu của mình.
“Duyên nợ” với thiếu nhi
PV: Được biết, trước khi chính thức đến với sân khấu, anh đã không chọn con đường nghệ thuật để lập nghiệp?
Vũ Đình Toàn: Tôi đam mê nghệ thuật từ bé, từng được ba mẹ cho vào sinh hoạt trong đội múa rối Nụ Cười. Nhưng do gia đình tôi có truyền thống làm ngành du lịch, nên ba mẹ muốn tôi nối nghiệp. Tôi nghe lời ba mẹ thi và đậu Đại học chuyên ngành Du lịch TP.HCM. Ra trường, tôi đi làm hướng dẫn viên du lịch, vừa tham gia diễn kịch ở một số sân khấu quần chúng để thỏa niềm đam mê nghệ thuật.
* Sau đó, điều gì đã khiến anh quyết định đột ngột chuyển sang gắn bó luôn với sân khấu?
- Đây cũng là một cái duyên. Hôm đó, tôi đưa khách đi du lịch Tây Ninh về đến Sài Gòn lúc 19h20, trong khi đó tôi lại có một buổi diễn lúc 20h. Mặc dù anh tôi đã phải lo mang toàn bộ “đồ nghề” đến điểm diễn cho tôi, nhưng khi lên sân khấu, tôi vẫn mệt đừ người và diễn xuất không ra hồn. Tôi chợt nhận ra rằng, bấy lâu nay tôi đã làm hai việc cùng một lúc, chuyện này chắc chắn không thể kéo dài mãi - phải chọn một việc để làm thôi. Vậy là chỉ sau một đêm, tôi quyết định chọn nghiệp diễn, dù ba mẹ tôi không mấy hài lòng. May mắn là thời điểm này, sân khấu IDECAF vừa thành lập. Anh Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc sân khấu này biết tôi từ khi tham gia trong đội múa rối Nụ Cười của anh nên tôi được “chiêu mộ” về đây. Và thật bất ngờ, đạo diễn Đoàn Khoa nói tôi có duyên với thiếu nhi nên “chấm” vào những vai diễn trong các vở kịch thiếu nhi: Hoàng tử chăn lợn, Tấm cám, Phượng hoàng và cây khế, Bạch Tuyết và bảy chú lùn… Song song với việc diễn xuất, tôi thi vào học lớp đạo diễn sân khấu cùng với Nguyễn Thu Phương, Đức Thịnh, Nguyễn Quốc, Quốc Thuận, Ngọc Hùng…
Vũ Đình Toàn |
* Và từ đó đến nay, anh gần như gắn chặt với các chương trình thiếu nhi?
Ở sân khấu IDECAF, ngoài những vở diễn cho khán giả người lớn, bất kỳ chương trình làm cho thiếu nhi nào, các đạo diễn Hùng Lâm, Thành Lộc, Đoàn Khoa,Vũ Minh đều mời tôi tham gia. Đặc biệt là các chương trình Ngày xửa ngày xưa được dàn dựng hoành tráng, tạo được tiếng vang trong cả nước trên sân khấu IDECAF… Tôi được các em nhỏ yêu mến qua nhiều vai chính lẫn vai phụ.
* Anh cũng khá đắt show với vai trò MC các chương trình, games show cho thiếu nhi?
Tôi vốn là một hướng dẫn viên du lịch nên chuyển qua làm MC cũng khá thuận tay. Khởi đầu là anh chàng Lí lắc của nhóm Líu Lo trong chương trình Ngày xửa ngày xưa trên HTV. Sau đó được mời tiếp làm MC cho Ngày chủ nhật của em, Vườn âm nhạc, Ai nhanh hơn, Name that toon, Siêu quậy tí hon, và gần đây là Thần tài gõ cửa của Đài truyền hình Vĩnh Long. Tôi rất thích công việc này vì nó giúp mình khám phá thêm nhiều điều thú vị. Một chương trình Siêu quậy tí hon, tôi làm việc với chín em nhỏ. Trong bốn năm, tính ra tôi đã làm việc với hơn 2.000 em, tuổi từ 18 tháng đến 5 tuổi. Chương trình Thần tài gõ cửa đem lại cho người lớn và trẻ em khuyết tật ở miền Tây một số tiền nếu thắng cuộc. Khi thấy tôi tới, họ thường reo lên vui vẻ “thần tài tới” khiến tôi thật sự hạnh phúc.
* Gắn bó nhiều năm với sân khấu thiếu nhi, anh thấy làm kịch cho thiếu nhi khó nhất là điều gì?
Đó là tính hấp dẫn. Trẻ con không như người lớn. Trẻ con nếu quá 5 phút không có gì hấp dẫn là chúng chán ngay, có đứa sẽ khóc ré lên và đòi ra khỏi rạp. Bản thân tôi khi làm kịch thiếu nhi luôn quan niệm, trước hết người nghệ sĩ làm chương trình cho các em nhỏ phải yêu các em, hiểu các em, lắng nghe các em, thậm chí phải chơi được cả với chúng nữa, nói chung là phải có “trò” để “dỗ” bọn trẻ. Sau đó là chất lượng của vở diễn. Vở diễn ấy không chỉ hấp dẫn các em không thôi mà phải có tính hấp dẫn, tính giáo dục cao để các bậc phụ huynh có thể cùng xem với con cái mình. Các em sẽ học được qua các vở diễn tính chân – thiện – mỹ.
Đình Toàn trong phim “Khát vọng Thăng long” |
“Duyên muộn” với điện ảnh
* Với điện ảnh, anh tự nhận là mình có “duyên muộn”?
- Đúng vậy, trước đó cũng có nhiều đạo diễn mời đóng phim nhưng tôi từ chối vì không tự tin lắm vào sắc vóc. Cách đây hơn hai năm, diễn viên Ngọc Trinh “kéo” tôi tham gia phim truyền hình Mùi ngò gai 1 và 2, thế là tôi mê đóng phim luôn nên tiếp tục nhận phim truyền hình thiếu nhi Gia đình phép thuật dài hơn 200 tập.
* Năm 2010, anh đã có một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của mình: thành công với vai điện ảnh đầu tiên – Lê Long Đĩnh – vị vua tàn ác và đầy tham vọng quyền lực trong Khát vọng Thăng Long của đạo diễn Lưu Trọng Ninh?
- Thật sự là một bước ngoặt. Đây là vai cổ trang đầu tiên của tôi trên phim và cũng là vai giúp tôi đoạt giải Diễn viên chính xuất sắc trong giải Cánh diều 2010 vừa qua.
* Anh đến với vai diễn này như thế nào?
Thời điểm đầu năm 2010, tôi chỉ mới tham gia hai bộ phim truyền hình dài tập nên rất bất ngờ khi nhận được cú điện thoại mời đi thử vai cho một bộ phim truyện nhựa cổ trang. Đến nơi mới hay, vai tôi sẽ thử là Lê Long Đĩnh, một trong ba vai chính của bộ phim. Qua môn Sử tôi từng học, Lê Long Đĩnh là một ông vua bệnh hoạn, yếu ớt, phải nằm để thiết triều nhưng đạo diễn Lưu Trọng Ninh lại muốn một hình ảnh hoàn toàn khác. Tôi về tìm tư liệu, đọc lại Đại Việt sử ký toàn thư , các giai thoại… mới khám phá ra ông vua này không hề bạc nhược, yếu đuối mà là người thông minh. Rõ ràng đó là một bạo chúa, nhưng tôi nghĩ trong bối cảnh bấy giờ, một ông vua muốn giữ được ngai vàng bằng mọi giá, thì chuyện ác gì cũng không từ. Tôi bước ra trường quay với tâm thế đó…
Đình Toàn trong “Tề Thiên Đại Thánh” |
* Có nhiều người bảo nét diễn của anh khá giống NSƯT Thành Lộc, anh thấy thế nào?
- Tôi đã tham gia với anh Lộc trên sân khấu nhiều năm qua, thú thật cũng bị ảnh hưởng không ít. Tôi luôn học hỏi những cái hay của anh Lộc và của nhiều anh chị khác rồi bắt chước làm thử. Cái gì cũng vậy, trước tiên mình phải bắt chước được rồi sau đó mới sáng tạo thành cái của mình. Tôi luôn biết rằng muốn tồn tại thì mình phải đi bằng chính đôi chân của mình, không bị ảnh hưởng của bất kỳ cái bóng nào, tôi không bao giờ có sự rập khuôn bởi tôi phải là tôi, học hỏi phải có sáng tạo. Tôi còn là một đạo diễn nữa mà.
* Trên con đường nghệ thuật, anh tự cảm thấy mình đã đi đến đâu?
- Con đường nghệ thuật với tôi phía trước vẫn còn dài lắm. Tôi cảm thấy dường như mình chỉ mới bắt đầu đi trên con đường này nên tôi cần phải… chạy mới đuổi kịp nhiều đàn anh, đàn chị khác.
* Cũng vì lo… chạy nên anh chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Xem ra anh cũng không còn quá trẻ?
- Tôi còn nặng gánh gia đình nên chưa dám nghĩ đến hạnh phúc riêng. Với lại, trong nghệ thuật, tôi đã tìm được “duyên” với thiếu nhi và điện ảnh, nhưng duyên tình của tôi chưa đến. Trong tình yêu, cần sự tôn trọng và cảm thông mới lâu bền. Mà tôi thì quá ôm đồm và cầu toàn nên sợ làm tổn thương người mình yêu.
* Xin cảm ơn anh.
Đại Nghĩa