Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hải Phòng: “Nóng” với những bất cập trong phát triển kinh tế, xã hội

GD&TĐ - Sáng 18/7, nhiều vấn đề bất cập trong phát triển kinh tế, xã hội như: Chậm giải ngân vốn đầu tư công, cơ chế hỗ trợ người dân thiệt hại vì dịch tả lợn châu Phi, nhiều dự án “treo” ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, giao thông ùn tắc, ngập lụt mùa mưa bão đã được các đại biểu chất vấn, làm “nóng” không khí nghị trường.

Các đại biểu chất vấn Chủ tịch UBND TP Hải Phòng
Các đại biểu chất vấn Chủ tịch UBND TP Hải Phòng

Giải ngân vốn đầu tư công chậm

Mở đầu phiên chất vấn đại biểu Nguyễn Hoàng Minh, tổ đại biểu quận Dương Kinh hỏi về nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố mới đạt 23, 9%, chưa đạt yêu cầu theo kế hoạch.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, đến ngày 20/6, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 23,9%, thấp hơn năm 2018 và thấp hơn bình quân chung cả nước. Tổng vốn đầu tư công trên địa bàn năm 2019 đạt hơn 9.000 tỉ đồng, trong đó 60% dành cho dự án trực tiếp, còn lại là các dự án mới. Tuy nhiên, hiện một số dự án triển khai chậm như Dự án phát triển đô thị với lượng vốn hơn 2.500 tỉ đồng, mới giải ngân 17%.

Một số địa phương giải ngân chậm như huyện Thủy Nguyên vốn đầu tư gần 1.000 tỉ nhưng đến nay mới giải ngân được 6,5%; quận Kiến An trên 200 tỉ mới giải ngân được 7,7%; huyện An Lão, đầu tư trên 200 tỉ, giải ngân 19%; huyện Vĩnh Bảo với trên 400 tỉ mới giải ngân được 19,6%... khối lượng xây dựng nông thôn mới tại các huyện cũng đạt thấp.

Nguyên nhân việc giải ngân chậm là do việc triển khai trình tự thủ tục chưa khẩn trương; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm chậm, dẫn đến chậm xác định giá đất.

Ông Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, 1/3 kinh phí đầu tư công của thành phố tập trung ở huyện Thủy Nguyên. Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng của huyện này chậm nên mặc dù tính đến 20/6, lượng tiền trong kho bạc còn 3.600 tỉ đồng nhưng không thể giải ngân được.

Về giải pháp, Chủ tịch UBND TP đề nghị chủ đầu tư các dự án tập trung hoàn thiện trình tự thủ tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chậm nhất đến ngày 30/7, nếu dự án nào quá chậm, UBND TP sẽ trình HĐND TP chuyển sang dự án khác.

Chậm hỗ trợ nông dân

Đại biểu Phạm Tuyên Dương, tổ đại biểu huyện Vĩnh Bảo chất vấn Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng về giải pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi và cơ chế hỗ trợ người nông dân bị thiệt hại bởi dịch.

Ông Tùng cho biết, dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn từ 22/2, điểm dịch đầu tiên tại xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên. Sau Thủy nguyên là Tiên Lãng, Vĩnh Bảo… đến nay dịch bệnh lan rộng 13/15 quận huyện, gây thiệt hại 340 tỉ đồng. Dịch bệnh này không có thuốc chữa mà chỉ hạn chế lây lan bằng biện pháp khử trùng tiêu phòng độc vì vậy việc dập dịch rất khó khăn.

Thành phố chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt việc tiêu hủy hoàn toàn các đàn lợn bị dịch và ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thịt lợn dịch. Đến nay, các huyện Thủy Nguyên, An Lão, An Dương... tổ chức tiêu hủy lợn bị dịch.

Về cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi, Phó Giám đốc Sở Tài chính Cáp Trọng Tuấn cho biết thêm, Chính phủ ban hành Nghị định 02/2017 quy định mức hỗ trợ nông dân có lợn bị tiêu hủy với mức 38.000 đồng/kg lợn hơi. UBND TP cũng ban hành Quyết định số 09, hỗ trợ người dân bị thiệt hại với mức giá 38.000 đồng/1kg lợn hơi.

Tuy nhiên, trong phiên họp thường kỳ ngày 7/3, trong Nghị quyết 16 Chính phủ quyết định mức hỗ trợ là 80% giá thị trường lúc tiêu hủy đối với lợn hơi, 1,5 lần với lợn giống. Nghị quyết 16, giao cho các địa phương chủ động hỗ trợ người dân, bảo đảm công tác phòng chống dịch hiệu quả tránh trường hợp chênh lệch mức hỗ trợ dẫn đến lợn ở địa phương khác chuyển về. Sở Tài chính khảo sát các địa phương khác đều hỗ trợ trung bình 32.000/1kg lợn hơi và 1.5 lần với lợn giống.

Tuy nhiên, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đề nghị giữ nguyên mức hỗ trợ người dân theo Quyết định 09 của UBND TP là 38.000 đồng/1kg lợn hơi. Đến nay chưa thống nhất được mức hỗ trợ nên chưa tiến hành chi trả. Khi dịch bùng phát các địa phương mới hỗ trợ 9 hộ với tổng 652 triệu đồng.

Trước vấn đề này, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐND TP nêu quan điểm, việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân chậm cho thấy sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở ban ngành và lãnh đạo UBND TP chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, UBND thành phố nhanh chóng thống nhất mức hỗ trợ, đẩy nhanh chi trả hỗ trợ nông dân, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ