Chất lượng và hiệu quả GD được nâng lên, GD toàn diện cho HS được chú trọng

Chất lượng và hiệu quả GD được nâng lên, GD toàn diện cho HS được chú trọng

(GD&TĐ) - Nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động giáo dục bằng những cách làm sáng tạo, đổi mới, tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, phát huy được tâm huyết của giáo viên, tính tích cực, chủ động của HS… là mục tiêu mà ngành Giáo dục hướng tới trong những năm gần đây. Nhân dịp tổng kết năm học 2011 – 2012, GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển để cùng nhìn lại một năm học đã qua, đồng thời định hướng cho năm học mới đang tới gần. 

PV: Xin Thứ trưởng cho biết sự đánh giá của Bộ GD-ĐT về những kết quả nổi bật của GD phổ thông trong năm học vừa qua?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Năm học 2011 – 2012, GD phổ thông đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Các cuộc vận động và phong trào thi đua ngày càng đi vào chiều sâu, được lồng ghép, tích hợp và tổ chức thành các hoạt động hàng ngày với nhiều hình thức sáng tạo, đạt hiệu quả cao. Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” có sức lan tỏa mạnh mẽ, HS gắn bó với trường lớp hơn, giảm đáng kể tỉ lệ HS bỏ học.

 Nhiều trường học được sửa chữa, nâng cấp và xây mới, đầu tư thêm các thiết bị dạy học; nâng tỉ lệ HS được học 2 buổi/ngày, nhiều nơi đã bước đầu giảm được sĩ số HS/lớp, một số mô hình về tổ chức các hoạt động giáo dục tiên tiến đã được áp dụng để tạo điều kiện chăm lo đến từng học sinh và đổi mới phương pháp giáo dục. Cùng với việc rà soát, giúp đỡ HS yếu kém, nhiều giáo viên đã làm tốt việc dạy học phân hóa theo năng lực của HS dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình GD. 

Công tác xoá mù chữ, PCGD tiểu học đúng độ tuổi, PCGD THCS, phát triển hệ thống trường chuyên, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục đạt được những thành tích mới.

Chất lượng GD trên các địa bàn có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được quan tâm. Các tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau để dạy tốt tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số từ giáo dục mầm non và tiểu học; mở rộng và tăng cường các điều kiện dạy học của hệ thống trường PTDT nội trú, PTDT bán trú… 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý gio dục, phong trào tự làm thiết bị dạy học tiếp tục có những chuyển biến tốt. Các quy định, quy chế về GD của các cơ quan quản lý đã tiếp tục được hoàn thiện và được các địa phương thực hiện nghiêm túc.

PV: Trong năm học 2011 – 2012, GD phổ thông đã đặc biệt chú trọng đến chất lượng GD toàn diện. Nhiều văn bản mới của ngành cũng đã đề cập đến vấn đề này. Điều này đã đem lại hiệu quả như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nâng cao chất lượng GD toàn diện luôn luôn là sự quan tâm hàng đầu của toàn ngành GD-ĐT. Không chỉ chú trọng vào việc nâng cao chất lượng dạy học các bộ môn văn hóa, các cơ sở GD đã chú trọng nhiều hơn đến việc tăng cường giáo dục đạo đức, GD giá trị sống, kỹ năng sống, GD thể chất, thẩm mỹ cho HS. Ngay như các trường THPT chuyên cũng thực hiện phương châm phát triển năng khiếu của học sinh về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện; giáo dục các em thành người có lòng yêu nước, tinh thần vượt khó, tự hào, tự tôn dân tộc; có khả năng tự học, nghiên cứu khoa học và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tiếp tục đào tạo thành nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước… 

Năm học vừa qua, toàn ngành tiếp tục hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, coi đó là giải pháp cơ bản nhất để tiến hành giáo dục toàn diện học sinh, vừa tạo nên cơ chế mở rộng môi trường giáo dục trong và ngoài nhà trường, huy động các lực lượng xã hội tham gia công tác giáo dục, vừa tạo điều kiện cho học sinh mở rộng được kiến thức trên nhiều lĩnh vực,  bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, nâng cao hiểu biết để có thái độ đúng đắn trước các vấn đề của đời sống, tránh xa những tệ nạn xã hội, các hành vi tiêu cực, bồi dưỡng tâm thế hội nhập với thế giới. 

Đồng thời với các nội dung giáo dục truyền thống, giáo dục theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các nhà trường đã tích hợp nhiều nội dung giáo dục mang tính thời sự, toàn cầu như: phòng chống tham nhũng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên, các nội dung giáo dục địa phương; giáo dục trật tự an toàn giao thông, phòng chống các tệ nạn xã hội…; tổ chức các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, các hoạt động văn hóa – thể thao,… theo hướng tăng cường tính giao lưu, hợp tác nhằm bồi dưỡng hứng thú học tập, rèn luyện kỹ năng sống, bổ sung hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống và tinh hoa văn hóa thế giới. 

HS THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: Xuân Nam
HS THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: Xuân Nam

PV: Đổi mới kiểm tra, đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học là nhiệm vụ trọng tâm của GD phổ thông mà ngành đã kiên trì thực hiện trong mấy năm qua. Đặc biệt, việc đổi mới cách ra đề kiểm tra, đánh giá, đổi mới kỳ thi đã được Bộ GD-ĐT chỉ đạo sát sao, đem lại những chuyển biến tích cực. Xin Thứ trưởng cho biết rõ hơn về việc đổi mới này và hiệu quả của nó?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Mục tiêu giáo dục đòi hỏi phải đổi mới đồng bộ cả phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Trong thực tế, chúng ta chỉ mới bắt đầu đổi mới kiểm tra đánh giá sau nhiều năm cố gắng đổi mới PPDH, đó là một thiếu sót. Trong 2 năm học vừa qua, ngành GD-ĐT đã chú ý bồi dưỡng giáo viên về kĩ năng biên soạn đề kiểm tra học kì, cuối năm, thi tốt nghiệp theo hướng bao quát nội dung dạy học, đảm bảo mức độ nhận biết, tăng cường mức độ thông hiểu và vận dụng, trước mắt dành tối thiểu 50% thời gian làm bài cho các nội dung thông hiểu, vận dụng. Đặc biệt, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, đề ra theo hướng “mở”, gắn với các vấn đề chính trị – xã hội, đòi hỏi HS phải vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng và trình bày chính kiến của mình. 

Bộ cũng đã ban hành và triển khai thực hiện các Quy chế mới về đánh giá, xếp loại học sinh TH, THCS và THPT, trong đó thực hiện đánh giá bằng nhận xét đối với các môn Mĩ thuật, Âm nhạc (THCS), Thể dục (THCS, THPT). Đối với môn Giáo dục công dân, kết hợp giữa đánh giá bằng cho điểm mức độ đạt được về kiến thức và kỹ năng với việc theo dõi sự tiến bộ về thái độ, hành vi trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của học sinh.

Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đã bổ sung nội dung thi nói đối với môn Ngoại ngữ, thi trình bầy phương án thực hành đối với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, thi thực hành đối với kỳ thi tuyển học sinh dự thi Olympic quốc tế. Kết quả là các đội tuyển dự thi Olympic quốc tế các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học đều đã đạt được thành tích vượt bậc so với năm học trước. 

Tuy nhiên, những đổi mới nói trên là chưa nhiều và mới chỉ là những cố gắng bước đầu.

PV: Nét rất mới và nổi bật trong GD phổ thông năm học vừa qua là hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong các trường trung học, tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật toàn quốc và việc đoạt giải Nhất lĩnh vực Điện và Cơ khí  trong Hội  thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học toàn cầu (Intel ISEF) tổ chức tại Mỹ tháng 5 vừa qua của đội tuyển Việt Nam. Vậy, theo Thứ trưởng, sắp tới chúng ta cần có những giải pháp gì để thành tích trên được duy trì và phát triển?  

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Kết quả thi của HS Việt Nam ở Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học toàn cầu (Intel ISEF) năm nay là một điều rất tuyệt. Thành tích này không chỉ là một niềm vui của các em học sinh, nhà trường và ngành giáo dục, mà nó còn mở ra một hướng đổi mới về phương thức dạy học, kiểm tra đánh giá; tăng cường sự  phối hợp giữa các trường phổ thông với các trường ĐH, CĐ, các viện nghiên cứu; giữa các thầy cô giáo, các em học sinh phổ thông với các nhà khoa học.

Chúng ta biết rằng, ở Intel ISEF người ta rất coi trọng ý tưởng mới, tính sáng tạo và phong cách làm việc khoa học của các em HS. Qua đó, chúng ta thấy rõ là cần phải thay đổi quan niệm về chất lượng GD phổ thông, thay đổi về cách kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực vận dụng kiến thức khoa học vào thực tế; thay vì chỉ chú trọng vào kết quả học tập cuối năm của HS, cần đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, tổ chức nhiều “sân chơi” để phát huy ý chí vượt khó khăn, tính tích cực, tự chủ, sáng tạo, rèn luyện năng lực tự học của HS phổ thông. 

Mô hình giáo dục tiên tiến được áp dụng rộng rãi và hiệu quả. Ảnh Nam Giang
Mô hình giáo dục tiên tiến được áp dụng rộng rãi và hiệu quả. Ảnh Nam Giang

Để HS có được năng lực NCKH thì PPDH mà chúng ta đang cố gắng đổi mới thực chất là làm sao để quá trình học tập của HS được diễn ra gần giống với hoạt động nghiên cứu, tự tìm ra tri thức mới của các nhà khoa học, (cũng còn tuỳ thuộc vào điều kiện dạy học cụ thể). Một số mô hình PPDH mà chúng ta đã và sẽ triển khai như mô hình Trường học mới (VNEN), “Bàn tay nặn bột”… đều là theo hướng đó.

Ngoài ra, không thể thiếu được vai trò quan trọng của công tác quản lí, tập huấn, tuyên truyền, động viên khuyến khích của các cấp quản lí và các nhà trường.

PV: Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã đạt chuẩn PCGD THCS, 59 địa phương đạt chuẩn PCGD Tiểu học đúng độ tuổi. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của ngành GD cả nước. Tuy nhiên, việc duy trì và nâng cao chất lượng PCGD mới là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Trong thời gian qua, ngành GD đã tiến hành những biện pháp cụ thể nào để thực hiện nhiệm vụ này, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Những công tác thường  xuyên phải làm là: 

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và quản lý, chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với công tác phổ cập;

- Phát triển mạng lưới trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia, củng cố phát triển trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng; 

- Xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm chất lượng và có tinh thần trách nhiệm cao đối với sự nghiệp giáo dục; 

- Có chính sách hỗ trợ đặc biệt, đủ mạnh cho các địa bàn khó khăn; tăng cường công tác tuyên truyền và đẩy mạnh xã hội hố giáo dục; Mở rộng cơ hội học tập cho các đối tượng phổ cập GD; 

Năm qua, các địa phương đã tổ chức tổng kết thực hiện Chỉ thị số 61-CT/TW của Bộ Chính trị và tổng kết 10 năm thực hiện PCGDTHCS theo Nghị quyết số 41/2000/QH10 của Quốc hội, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục nâng cao chất lượng PCGD THCS; đồng thời lập kế hoạch thực hiện PCGD Trung học ở những nơi có đủ điều kiện; duy trì kết quả PCGD Tiểu học mức độ 1, tiến tới đạt chuẩn PCGD Tiểu học mức độ 2. 

PV: Năm học 2012 – 2013 đã đến gần. Xin Thứ trưởng cho biết những định hướng quan trọng cho năm học mới?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Năm học 2012 – 2013 là năm học thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XI, năm học đầu tiên triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khoá XI và "Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020" hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Tích cực chuẩn bị cho việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Xin nêu một số nhiệm vụ chính sau đây:

Toàn ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua gắn với việc rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh. Đổi mới công tác quản lý theo hướng tăng cường phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm và năng lực thực hiện; quản lý theo kế hoạch, đảm bảo các yêu cầu về công khai, dân chủ; thanh tra, kiểm tra, xử lí kịp thời các vấn đề phát sinh; củng cố nền nếp, kỉ cương trong hoạt động giáo dục. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lí giáo dục và dạy học.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động giáo dục toàn diện. Củng cố và nâng cao chất lượng công tác XMC, PCGDTH, PCGDTHCS, thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Nâng cao chất lượng GDMN trên cả 5 mặt thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và thẩm mĩ. Tăng thêm số lượng HS phổ thông được học 2 buổi/ngày; đa dạng hoá ngành nghề đào tạo và phân luồng học sinh đi học TCCN; đa dạng các chương trình, nội dung và hình thức học tập không chính quy theo hướng xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Đổi mới đồng bộ PPDH và thi, kiểm tra đánh giá; chú trọng phụ đạo, giúp đỡ học sinh yếu, phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi. Tiếp tục triển khai theo kế hoạch Đề án dạy và học ngoại ngữ ở tất cả các cấp học và loại hình đào tạo. Tổ chức nhiều loại “sân chơi” trí tuệ và hoạt động tập thể của học sinh. Ưu tiên đảm bảo chất lượng giáo dục các vùng miền còn khó khăn.

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD. Triển khai Chương trình phát triển ngành sư phạm và trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020. Triển khai bồi dưỡng CBQL và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên phổ thông, MN, GDTX theo các Chương trình bồi dưỡng mới ban hành và đánh giá họ theo chuẩn nghề nghiệp, gắn với việc đãi ngộ và sử dụng.

Tăng cường CSVC trường học, xây dựng các nhà trường an toàn theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hoá, chuẩn hoá, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ hợp tác quốc tế trong việc phát triển mạng lưới và tăng cường năng lực của các trường học. Đẩy mạnh phong trào sử dụng và tự làm thiết bị dạy học đáp ứng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, rèn luyện kỹ năng thực hành cho học sinh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Phương Ngọc (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.