(GD&TĐ)-Sáng nay (8/8), mức điểm sàn vào ĐH, CĐ 2012 đã chính thức được ấn định. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, mức điểm này cùng với quy định mới mềm dẻo hơn, các trường sẽ có dồi dào nguồn tuyển, cơ hội trúng tuyển của thí sinh cũng tăng lên. Đặc biệt, điểm thi năm nay thể hiện một tín hiệu đáng mừng, đó là sự tăng lên về chất lượng thí sinh thi hai khối C và D.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: gdtd.vn |
Trường dồi dào nguồn tuyển
Hội đồng xác định điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012 đã họp và đưa ra quyết định chính thức như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Sáng nay, Hội đồng xác định điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ hệ chính qui năm 2012 được thành lập theo Quyết định số 2718/QĐ-BGDĐT ngày 26/7/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gồm 32 thành viên đã họp. Trong số này bao gồm tất cả các thành phần ứng với các loại trường khác nhau, có trường tốp trên, trường tốp giữa, trường tốp dưới; có trường công lập, ngoài công lập; có những cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác tuyển sinh. Riêng trường ngoài công lập có đại diện 3 thành viên. Sau thời gian làm việc sáng 8/8, tất cả 100% các ủy viên hội đồng đều nhất trí phương án điểm sàn như sau:
Điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ của các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT với khối A và A1 là 13 điểm; khối B: 14 điểm; khối C: 14.5 điểm và khối D là 13,5 điểm.
Điểm sàn các khối tương ứng hệ CĐ thấp hơn điểm sàn ĐH là 3 điểm. Cụ thể: Khối A, A1: 10 điểm; khối B: 11 điểm; khối C: 11,5 điểm và khối D: 10,5 điểm. Đây cũng là điểm sàn xét tuyển CĐ của các trường CĐ sử dụng kết quả thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT.
Điểm sàn nói trên được xác định sau khi cân nhắc tất cả các nguyên tắc, trong đó gồm có quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020 đã được phê duyệt, chỉ tiêu tuyển sinh và kết quả thi tuyển của thí sinh cũng như cơ cấu nhân lực các vùng miền…
Với mức điểm này, lượng thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên so với chỉ tiêu tuyển sinh của các trường như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Năm nay, đối với khối A, B, điểm sàn tương đương năm ngoái, riêng khối C và D, mỗi khối tăng lên 0,5 điểm. Với mức điểm này, hệ số dư – hệ số dịch chuyển của thí sinh cao hơn năm ngoái. Cụ thể, đối với khối A, tỷ lệ thí sinh dư và thí sinh thiếu là 1,8 lần, khối B tỷ lệ này là trên 10 lần, khối C và D trên 2,5 lần. Với hệ số dịch chuyển lớn như vậy, các trường sẽ có dồi dào nguồn tuyển.
Tuy nhiên, một thực tế là, mọi năm, lượng thí sinh đạt sàn vẫn nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, nhưng không ít trường vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Với hệ số dịch chuyển, lượng thí sinh trên sàn dư nhiều năm năm nay, các trường sẽ không khó khăn gì trong việc tuyển đủ chỉ tiêu. Thêm nữa, cùng cơ chế tuyển sinh mềm dẻo theo quy định mới của Bộ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các trường.
Mọi năm, sở dĩ còn nhiều thí sinh trên sàn nhưng trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu là bởi các thí sinh chỉ có 2 nguyện vọng và chỉ được nộp được ở 2 nơi, nếu xác xuất không trúng thì họ sẽ không còn cơ hội. Nhưng năm nay, thí sinh có thể sử dụng 2 giấy báo điểm nộp vào nhiều trường khác nhau, một số trường sẽ nhận bản sao nữa, nên các thí sinh sẽ có nhiều nguyện vọng, các trường có nhiều đợt tuyển, kéo dài đến hết tháng 11. Cơ chế này sẽ khắc phục sự thiếu hụt chỉ tiêu vào các trường như mọi năm.
Vấn đề là làm sao các trường thu hút được thí sinh vào học bằng uy tín và chất lượng của mình bởi không ít thí sinh trên điểm sàn nhưng họ vẫn không chọn học những trường còn chỉ tiêu. Như vậy, quan trọng là các trường phải nâng cao chất lượng cũng như sức hút đối với thí sinh.
Thí sinh thi ĐH năm 2012. Ảnh: gdtd.vn |
Thí sinh nhiều cơ hội trúng tuyển
Năm nay, cơ hội thí sinh trúng tuyển có nhiều hơn so với năm trước không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Khả năng thí sinh trúng tuyển phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là hệ số dịch chuyển, thứ 2 là khả năng dịch chuyển của thí sinh từ vùng này sang vùng kia. Năm nay, Bộ có chủ trương cho các trường được xét tuyển nhiều đợt, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, không giới hạn số nguyện vọng và cũng không quy định điểm trúng tuyển nguyện vọng sau phải cao hơn nguyện vọng trước. Với cơ chế mềm dẻo như vậy, hy vọng các trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu và các thí sinh có điểm đạt sàn trở lên có nguyện vọng học ĐH đều có thể tìm được chỗ học phù hợp.
Thứ trưởng có lưu ý gì đối với những thí sinh không trúng tuyển NV1 nhưng có điểm trên sàn?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Sau khi công bố điểm sàn, các trường sẽ xây dựng phương án điểm chuẩn các trường, các ngành. Những em không trúng tuyển NV1, sẽ được cấp 2 giấy báo kết quả thi để sử dụng xin xét tuyển vào các trường. Năm nay, các em có nhiều nguyện vọng, trường sẽ có nhiều đợt tuyển và có nhiều quy định khác nhau, không phải trường nào cũng có quy định xét tuyển thống nhất. Vì vậy, thí sinh nên theo dõi thông báo tuyển sinh của trường mình có nguyện vọng vào học để có được thông tin chính xác.
Năm nay cũng có điều các em phải lưu ý, đó là hầu hết các vùng miền, hệ số thí sinh dư, thiếu, các trường trên các vùng có thể tự cân đối với nhau. Ví dụ, thí sinh không trúng tuyển NV1 ở các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, miền Trung … có thể lấp đầy vào chỉ tiêu còn lại của những trường trong khu vực này. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long những năm trước không tự cân đối được nguồn tuyển thì năm nay cũng đã vươn lên, cơ bản tự cân đối được nguồn tuyển. Nếu có thí sinh từ vùng khác dịch chuyển vào thì nguồn tuyển còn dồi dào hơn nữa. Đây là tiến bộ rất lớn của Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, vùng miền núi phía Bắc có hơi khó khăn hơn một chút về khả năng tự cân đối này…
Như vậy, với cơ cấu tuyển như năm nay, sau khi tuyển NV1, thí sinh dựa vào khả năng dịch chuyển như trên, khả năng còn dư chỉ tiêu để lựa chọn cho phù hợp với năng lực của mình. Nếu quyết tâm học, các em sẽ tìm được trường phù hợp.
Chất lượng thí sinh khối C, D tăng
Có phải quan điểm của Bộ GD&ĐT sẽ là ngày càng tăng mức điểm sàn ĐH, CĐ?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Quan điểm của Bộ là đặt chất lượng lên hàng đầu, vì vậy, mọi nỗ lực của Bộ đều làm sao để nâng cao chất lượng.
Tất nhiên, chất lượng đó không thể xử lý chỉ bằng một kỳ thi mà là cả quá trình, sự chuẩn bị rất chu đáo mà cụ thể là chất lượng giáo dục phổ thông. Trong những năm qua, chất lượng giáo dục phổ thông đã được cải thiện đáng kể nhờ sự đầu tư của nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành.
Như đối với các môn xã hội nhân văn, trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT cũng đã có những cải cách rất rõ ràng trong việc dạy học ở phổ thông, rồi cách ra đề thi ĐH, khiến học sinh cảm thấy hứng thú hơn khi học những môn này. Cụ thể như không buộc thí sinh phải nhớ chi tiết ngày tháng, không phải học thuộc lòng nhiều mà yêu cầu các em suy luận, bình luận và thể hiện những chính kiến của cá nhân. Đó là những cái chúng ta đã đi đúng hướng. Do đó, phổ điểm khối C đã có cải tiến rõ rệt. Điểm cực đại của đường cong phân bố số liệu thí sinh ở khoảng 15 điểm với 3 môn.
Hoặc như với môn Ngoại ngữ khối D. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang thực hiện đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tất nhiên để đề án phát huy tác dụng cần thời gian lâu dài, nhưng chủ trương và những cảnh báo của nó về chất lượng giáo viên, cách dạy học, chương trình … đã có tác động rõ rệt đến chất lượng dạy học ngoại ngữ. Biểu hiện cụ thể là chất lượng thi khối D năm nay có chuyển biến rõ ràng.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Hiếu Nguyễn (thực hiện)